Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện nhiều thực phẩm "bẩn"

10:05, 04/05/2016

Nội tạng bò ngâm hóa chất, thịt làm nhân bánh mì không có giấy chứng nhận kiểm dịch, dùng tay chế biến chà bông, thịt mọc có hàn the, dùng thuốc trồng lúa để trồng rau... là hàng loạt các vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016.

Nội tạng bò ngâm hóa chất, thịt làm nhân bánh mì không có giấy chứng nhận kiểm dịch, dùng tay chế biến chà bông, thịt mọc có hàn the, dùng thuốc trồng lúa để trồng rau... là hàng loạt các vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016.

Theo chân các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh, phóng viên Báo Đồng Nai đã tận mắt chứng kiến một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm  không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cách chế biến thực phẩm mất vệ sinh, nơi chế biến dơ bẩn, nhếch nhác, gần thùng rác và nhà vệ sinh.

* Nhìn chế biến, hết dám ăn!

Tại cơ sở sản xuất bánh mì của bà Nguyễn Thúy Ái, KP.3, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), đoàn đã  phát hiện 125kg thịt heo sử dụng làm nhân bánh mì không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Điều đáng nói, vào thời điểm kiểm tra số thịt heo này đã được lọc da để dưới gạch nền nhà dơ bẩn mất vệ sinh. Tại khu vực chế biến thịt heo tươi sống, thịt heo được để vào trong các thau đặt sát thùng rác không có nắp đậy, nằm sát nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước ứ đọng dơ bẩn. Người làm việc đều không có bảo hộ lao động.

Nhân viên làm chà bông của cơ sở sản xuất chà bông Ánh Như ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) dùng tay trực tiếp chế biến sản phẩm.  Ảnh: Mỹ Hoa
Nhân viên làm chà bông của cơ sở sản xuất chà bông Ánh Như ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) dùng tay trực tiếp chế biến sản phẩm. Ảnh: Mỹ Hoa

Tương tự, cơ sở chà bông Ánh Như tại KP.5B, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) chế biến chà bông không đảm bảo vệ sinh. Tại thời điểm kiểm tra có 5 công nhân không mặc đồ bảo hộ lao động, trực tiếp dùng tay bốc chà bông vào các thau chế biến. Các sản phẩm thành phẩm có bao bì vẫn để dưới nền nhà; kho chứa ẩm mốc, gần nhà vệ sinh; nơi sản xuất có nhiều ruồi rất nhếch nhác.

Qua kiểm tra tại một số chợ trong tỉnh, các đoàn kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm, như: 2 sạp bán thịt heo ở chợ Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) không có giấy chứng nhận kiểm dịch cũng như không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Các sạp bán thịt ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) không treo bảng giá thịt và nhiều tiểu thương sử dụng bìa carton để lót thực phẩm.

* Kiên quyết xử lý

Qua kiểm tra 9 sạp kinh doanh: thịt, măng chua, giò chả, mì vàng tươi tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chỗ, phát hiện có 1,7kg mì vàng tươi và 1kg thịt mọc chứa hàn the. Đoàn đã lập biên bản xử phạt, niêm phong toàn bộ số hàng vi phạm và giao lại cho ban quản lý chợ tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh lấy mẫu thử nhanh hàn the đối với thực phẩm ăn liền tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa).
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh lấy mẫu thử nhanh hàn the đối với thực phẩm ăn liền tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa).

Để hạn chế vi phạm về ATTP, theo ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng nội vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai (thuộc Sở Công thương), ban quản lý các chợ nên thường xuyên tuyên truyền và kiểm tra nghiêm ngặt để các tiểu thương nắm rõ về quy định ATTP nên kết nối những chuỗi thực phẩm an toàn, liên hệ các hợp tác xã để tiêu thụ và phân phối cho các tiểu thương. Đặc biệt, ban quản lý chợ cần kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng những điểm bán các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin về hạn sử dụng và các thành phần nguyên liệu không rõ ràng để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về  tăng cường công tác bảo đảm về vệ sinh ATTP mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần tạo chuyển biến rõ nét trong vấn đề ATTP năm 2016, như: việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Song song đó, Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm an toàn vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Bộ Công thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu, rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc. UBND các cấp tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về ATTP đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (thuộc Sở Y tế), cho biết trong năm 2016 sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm; trong đó chú trọng thanh tra đột xuất, thanh tra hậu kiểm (thanh tra sau công bố kết quả kiểm tra). “Thời gian qua, lực lượng thanh tra của chi cục còn mỏng nên mới làm được mảng thanh tra, kiểm tra, riêng mảng thanh tra hậu kiểm chưa thực hiện được. Trong thời gian tới, sẽ triển khai để kiểm tra các cơ sở khắc phục vi phạm như thế nào, nếu vẫn không chấp hành khắc phục theo đề nghị của đoàn thanh tra thì sẽ kiên quyết xử lý, thậm chí  đình chỉ hoạt động” - ông Hữu nói.

Mỹ Hoa - An An 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích