Báo Đồng Nai điện tử
En

Phía sau những ca mổ tim

08:05, 03/05/2018

Chỉ trong vòng 6 tháng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiến hành phẫu thuật tim hở cho 11 trường hợp, trong đó có 1 trẻ em.

Chỉ trong vòng 6 tháng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiến hành phẫu thuật tim hở cho 11 trường hợp, trong đó có 1 trẻ em.

Ê-kíp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thăm khám bệnh nhân sau ca mổ tim. Ảnh: H.DUNG
Ê-kíp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thăm khám bệnh nhân sau ca mổ tim. Ảnh: H.DUNG

Đằng sau thành công của mỗi ca mổ tim là sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

* 50 người phục vụ 1 ca mổ

Ngày 6-4 là một ngày đặc biệt của mẹ con chị Đặng Thị Hồng Nhi (ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Bởi đây là ngày mà con chị, bé Đ.B.A. (15 tháng tuổi) được các bác sĩ của 3 bệnh viện: đa khoa Đồng Nai, nhi đồng Đồng Nai và nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) hợp sức mổ tim.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục phối hợp với các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành mổ tim cho bệnh nhân nhằm đẩy mạnh các kỹ thuật cao, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện. Điều này sẽ giúp bệnh nhân ở Đồng Nai được chữa trị gần nhà, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. Bệnh viện sẽ cố gắng kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ để bệnh nhân có cơ hội điều trị.

Chị Nhi chia sẻ việc bé A. bị bệnh tim bẩm sinh đã được phát hiện từ lâu nhưng do nuôi con một mình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị không thể chữa trị dứt điểm cho bé vì chi phí cho ca mổ tim quá lớn. Đến giữa tháng 3 vừa qua, chị Nhi đưa con đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để theo dõi.

 “Chúng tôi quyết định giữ bé A. ở lại bệnh viện, khám tầm soát, hội chẩn với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tìm cách giúp đỡ. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sau đó đã mời các bác sĩ ở Bệnh viện nhi đồng 1 về chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ mổ tim cho bé. Rất may, toàn bộ chi phí của ca mổ tim cho bé A. đều được tài trợ. Đến nay, bé A. đã xuất viện, sức khỏe ổn định và tái khám hàng tháng để được theo dõi” - bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng khoa Tim mạch - thận niệu Bệnh viện nhi đồng Ðồng Nai, cho hay.

Thành công của ca mổ tim hở cho bé Đ.B.A. đặt ra vấn đề cho các bệnh viện tuyến tỉnh là làm sao để có thêm nhiều trẻ em bị tim bẩm sinh ở Đồng Nai được phẫu thuật, chữa lành bệnh. Với điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị chuyên về phẫu thuật tim nhi như hiện nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sẽ là nơi thực hiện mổ tim với sự hỗ trợ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện nhi đồng 1.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết: “Để tiến hành một ca mổ tim thành công phải có sự hỗ trợ, đóng góp của 40-50 người. Ngoài các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) và Bệnh viện nhi đồng 1 thì trong nội bộ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng phải chuẩn bị chu đáo từ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng đến các bác sĩ trong các khoa: phẫu thuật, gây mê hồi sức, chăm sóc hậu phẫu... Thậm chí, lái xe cũng phải luôn sẵn sàng để phục vụ”.

* Cần một hậu phương vững chắc

Là người trực tiếp phối hợp thực hiện 7 ca phẫu thuật tim thành công tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực, cho biết phía sau mỗi ca mổ tim là bóng dáng của rất nhiều người khác chứ không chỉ riêng bác sĩ, ê-kíp trực tiếp phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly (phải), Trưởng khoa Tim mạch - thận niệu Bệnh viện nhi đồng Ðồng Nai, kiểm tra sức khỏe của bé Đ.B.A. sau ca mổ tim.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly (phải), Trưởng khoa Tim mạch - thận niệu Bệnh viện nhi đồng Ðồng Nai, kiểm tra sức khỏe của bé Đ.B.A. sau ca mổ tim.

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban giám đốc bệnh viện và các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, những bác sĩ trực tiếp phẫu thuật tim của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất như được tiếp thêm sức lực. Chính niềm tin, hy vọng của cả tập thể đã giúp 7 ca phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trong 6 tháng qua thành công. Thậm chí, có khi trong 1 ngày cả ê-kíp thực hiện liên tục 2 ca mổ tim khó.

Bệnh nhân N.T.B. (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) bộc bạch từ khi thăm khám đến khi mổ, sau mổ và đến khi xuất viện về nhà, chị đều nhận được sự quan tâm tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ngay cả Giám đốc bệnh viện là bác sĩ Phạm Văn Dũng cũng đến tận giường bệnh để hỏi thăm tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và động viên chị cố gắng. Đó là điều mà bất kỳ bệnh nhân nào cũng mong muốn một khi đặt chân vào bệnh viện.

“Mỗi ca mổ tim kéo dài trong thời gian từ 4-7 giờ và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Do vậy, điều hạnh phúc nhất của bác sĩ phẫu thuật tim mạch là sau mỗi ca mổ, vào thăm thấy bệnh nhân tỉnh táo, có thể nắm tay mình và nói lời cảm ơn. Điều đó như nguồn động lực để những bác sĩ, điều dưỡng thực hiện ca mổ, chăm sóc bệnh làm việc tốt hơn” - bác sĩ Phạm Văn Dũng chia sẻ.

Còn theo bác sĩ Đỗ Trung Dũng, với tính chất, áp lực công việc đòi hỏi nhiều thời gian, nếu người thân của bác sĩ tim mạch không đủ kiên trì, bao dung, thông cảm thì rất khó để duy trì hạnh phúc gia đình. Bởi không chỉ dành nhiều thời gian cho ca mổ, mà sau mổ nếu bệnh nhân gặp phải vấn đề gì, bất kể giờ giấc ngày đêm, bác sĩ tim mạch cũng phải nhanh chóng có mặt ở bệnh viện để xử lý. Vì thế, có một hậu phương vững chắc, luôn thấu hiểu, chia sẻ, thông cảm là điều mà bất kỳ bác sĩ tim mạch nào cũng mong muốn.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều