Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan dù dịch bệnh giảm

09:05, 05/05/2019

Thời điểm này, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng đã giảm số ca mắc, nhất là số ca bệnh điều trị nội trú tại các bệnh viện trong tỉnh.

Thời điểm này, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng đã giảm số ca mắc, nhất là số ca bệnh điều trị nội trú tại các bệnh viện trong tỉnh.

Bác sĩ Ngô Phương Thảo khám bệnh cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai
Bác sĩ Ngô Phương Thảo khám bệnh cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai

Mặc dù có giảm nhưng các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong phòng bệnh. Đặc biệt khi mùa mưa đến, tình hình dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết có khả năng sẽ gia tăng.

* Dịch bệnh truyền nhiễm giảm

Bác sĩ Ngô Phương Thảo, Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, những ngày gần đây mỗi ngày khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 10-15 bệnh nhân mới, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và những tháng đầu năm. Những loại bệnh chủ yếu là sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sởi, tay chân miệng, trong đó số ca nhập viện điều trị bệnh sởi giảm nhiều. Ghi nhận vào ngày 4-5, Khoa Bệnh nhiệt đới đang điều trị 15 ca nhiễm sởi. So với thời điểm đỉnh dịch mỗi ngày phải tiếp nhận và điều trị 70-75 ca bệnh sởi thì số lượng bệnh hiện tại trong khoa đã giảm khá nhiều.

Từ tháng 5-2019 sẽ có thêm một loại vaccine 5 trong 1 được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đó là vaccine SII do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, có thành phần tương tự vaccine Quinvaxem và vaccine ComBE Five, phòng ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib.

Trước mắt vaccine SII được triển khai tiêm quy mô nhỏ tại một số địa phương. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ được đưa vào tiêm chủng rộng rãi tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Điều dưỡng Trịnh Thị Phượng Uyên khoa Bệnh nhiệt đới cho biết thêm: “Do lượng bệnh giảm nên các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa không còn phải vất vả như thời điểm đỉnh dịch. Nhân lực từ các khoa khác trong bệnh viện được tăng cường cho Khoa Bệnh nhiệt đới cũng đã trở lại làm việc bình thường. Điều dưỡng trực đêm không còn phải thức trắng đêm đến sáng như trước kia, áp lực cũng giảm nhiều”.

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình, sở dĩ số ca mắc sởi giảm so với những tháng trước đây và giảm mạnh so với thời điểm đỉnh dịch vào tháng 10, 11-2018 là do thời gian qua ngành Y tế đã tích cực tổ chức các đợt tuyên truyền, tiêm vét vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Trung bình mỗi tháng có khoảng 4 ngàn trẻ được tiêm vaccine trong chương trình tiêm thường xuyên. Với những địa bàn có đông dân nhập cư, dân vãng lai, cơ quan chức năng tiến hành rà soát, tiêm vét mỗi tuần một lần đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Từ nay đến hết ngày 30-6, ngành Y tế sẽ tiếp tục tiêm vét vaccine sởi cho trẻ dưới 5 tuổi. Những trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm vaccine cũng sẽ được tiêm trong đợt này. 

Còn với dịch sốt xuất huyết, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo người dân, cấp tờ rơi, tờ bướm hướng dẫn cách phòng tránh bệnh đến các khu dân cư, nhất là các khu nhà trọ có đông công nhân. Đồng thời tiến hành cấp hóa chất cho các địa phương, chỉ đạo phòng y tế các địa phương trong tỉnh chủ động phun hóa chất diệt muỗi; chủ động phát hiện, báo cáo và xử lý các ca bệnh phát sinh nếu có.

Với dịch bệnh tay chân miệng, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng bệnh cho các giáo viên, nhân viên các trường mầm non, nhà trẻ trong tỉnh; đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức cho phụ huynh trong việc phòng tránh bệnh cho con trẻ.

* Đề phòng đợt dịch mới

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 1,1 ngàn ca mắc bệnh sởi, hơn 3 ngàn ca sốt xuất huyết và hơn 1,1 ngàn ca tay chân miệng. Những địa phương có số ca mắc bệnh cao là: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu.

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, mặc dù dịch bệnh truyền nhiễm có giảm nhưng người dân không nên chủ quan mà lơ là phòng bệnh bởi hiện đang bước vào mùa mưa - điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát trở lại. Bất kể người nào cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nếu bị muỗi mang virus Dengue đốt.

Đang chăm sóc con bị sốt xuất huyết phải điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chị Trần Thị Thanh Tâm (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, cách đây 2 ngày thấy con có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, chị đưa con đến một phòng khám tư nhân để khám, sau đó chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ đã khám, làm xét nghiệm máu và kết luận con chị bị sốt xuất huyết. Điều đáng nói là cách đây 4 năm, bé và anh trai đã từng bị sốt xuất huyết và điều trị khỏi, nay tiếp tục mắc bệnh.

Bác sĩ Ngô Phương Thảo cảnh báo, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương đương với 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, vệ sinh nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ trong mùng, tránh bị muỗi đốt. Bởi có những trường hợp không phòng bệnh, để bệnh nặng điều trị rất khó khăn, kéo dài và tốn kém.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích