Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề

09:09, 05/09/2019

Năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Đồng Nai đạt khoảng 42%. Đến năm 2018, tỷ lệ này đạt trên 78%, trong đó có 59% lao động qua đào tạo nghề.

Năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Đồng Nai đạt khoảng 42%. Đến năm 2018, tỷ lệ này đạt trên 78%, trong đó có 59% lao động qua đào tạo nghề.

Các giáo viên trường nghề tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Ảnh: H. Yến
Các giáo viên trường nghề tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Ảnh: H. Yến

Số lượng lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Nhiều lao động đã đảm nhiệm vị trí công việc phức tạp trong sản xuất, kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

* Đầu tư mạnh cho khối trường nghề

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, Đồng Nai hiện có hơn 33.600 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động. Hằng năm, số doanh nghiệp này cần bổ sung từ 80-85 ngàn lao động, trong đó có 17 ngàn lao động kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên. Nhu cầu của thị trường lao động ngày càng tăng đòi hỏi công tác đào tạo nghề cũng phải tăng tốc để theo kịp.

Trước thực tế này, những năm qua, Đồng Nai đã tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, trong 2 năm 2016 và 2017, tỉnh đã chi 8 tỷ đồng đầu tư thiết bị dạy nghề. Riêng năm 2018, tỉnh đã chi hơn 128 tỷ đồng đầu tư thiết bị dạy nghề cho 2 trường: Cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai (hơn 72 tỷ đồng) và Cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (hơn 56 tỷ đồng).

Doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề được ưu đãi thuế

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014), các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, gồm các chi phí như: xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị để dạy nghề; chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị, vật liệu thực hành; chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp; các hoạt động tài trợ phục vụ giảng dạy, học tập, tài trợ học bổng…

Từ năm 2013-2018, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề cấp độ quốc tế cho 80 giáo viên với 2 nghề: điện công nghiệp và cắt gọt kim loại (trong đó có 2 tháng đào tạo tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 và 1 tháng tại Cộng hòa Liên bang Đức). Tổ chức 1 lớp dành cho giáo viên giảng dạy trình độ trung cấp (cấp độ 1) với 13 giáo viên nghề cơ khí. Các lớp học đã hoàn thành mục tiêu đề ra, hầu hết giáo viên đều tiếp thu kiến thức mới, nâng cao trình độ và đạt chuẩn của khu vực ASEAN hoặc quốc tế.

Sở Lao động - thương binh và xã hội cũng phối hợp với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 tổ chức mở 3 lớp đào tạo phương pháp sư phạm quốc tế City & Guilds (chuẩn Anh Quốc) cho hơn 190 giáo viên dạy nghề (đào tạo tại Đồng Nai; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 20 giáo viên phương pháp sư phạm quốc tế (tại Học viện Chisholm - Úc)...

* Doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, việc tăng cường thực hành là yếu tố quan trọng giúp học viên nắm được kỹ thuật, kỹ năng làm việc thực tế. Mặc dù Đồng Nai đã có nhiều đầu tư cho trang thiết bị dạy nghề nhưng do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và chi phí đầu tư thiết bị thực hành quá cao nên các trường nghề khó có thể trang bị máy móc thực hành hiện đại như thực tế sản xuất của doanh nghiệp.

Từ thực tế trên, những năm gần đây, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã tích cực liên hệ, kêu gọi, hợp tác với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Năm 2018, Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai đã ký hợp đồng đào tạo với Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (100% vốn của Đức). Theo đó, hình thức liên kết đào tạo là nhà trường chủ động tuyển sinh và đào tạo. Đến đầu năm thứ 3, công ty sẽ tổ chức tuyển dụng. Những học viên nào trúng tuyển sẽ được đào tạo theo một chương trình riêng trong vòng 1 ngàn giờ do công ty và nhà trường lên khung đào tạo.

Để thực hiện chương trình riêng này, công ty đã tiến hành đào tạo cho các giáo viên, giảng viên của trường, đầu tư 2 phòng thực hành đặt tại trường. Số sinh viên trúng tuyển sẽ học tại 2 phòng học này. Đối với những module chuyên sâu, sinh viên sẽ học tại công ty. Trong quá trình đào tạo, Công ty Schaeffler hỗ trợ một phần kinh phí và nguyên vật liệu phục vụ thực hành. Các học viên học chương trình này sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn riêng; tài liệu giảng dạy, tiêu chí đánh giá sẽ được phía công ty gửi cho nhà trường. Kết thúc các module môn học, công ty sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến để cùng với nhà trường đánh giá kết quả.

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các trường nghề hiện đang dần có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, quá trình đào tạo, thực tập… Do đó, có trên 80% học viên ra trường được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo nghề đã được xã hội thừa nhận.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích