Báo Đồng Nai điện tử
En

Ước mơ của cô giáo điếc...

10:09, 02/09/2019

"Hôm nay, tôi chính thức thành giáo viên rồi! Lễ tốt nghiệp là ngày tốt đẹp và khó phai, là khoảnh khắc đẹp nhất của tôi" - đó là những chia sẻ của chị Đinh Hồ Song Hà, giáo viên Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc thuộc Trường đại học Đồng Nai, trên trang facebook cá nhân sau khi nhận bằng tốt nghiệp.

“Hôm nay, tôi chính thức thành giáo viên rồi! Lễ tốt nghiệp là ngày tốt đẹp và khó phai, là khoảnh khắc đẹp nhất của tôi” - đó là những chia sẻ của chị Đinh Hồ Song Hà, giáo viên Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc thuộc Trường đại học Đồng Nai, trên trang facebook cá nhân sau khi nhận bằng tốt nghiệp.

Cô giáo Đinh Hồ Song Hà dạy học tại Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc. Ảnh: H.Yến
Cô giáo Đinh Hồ Song Hà dạy học tại Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc. Ảnh: H.Yến

Sau 6 năm xa quê hương Bình Định vào Đồng Nai học tập tại Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc, chị Song Hà đã thực hiện được ước mơ trở thành giáo viên của mình. Với tấm bằng cao đẳng sư phạm giáo dục tiểu học loại giỏi, chị hoàn toàn có thể trở về quê làm việc để được sống gần gia đình. Nhưng chị quyết định ở lại làm việc tại trung tâm để đền đáp những ân tình của các thầy cô đã dành cho mình, đồng thời chắp cánh ước mơ cho các học trò đồng cảnh ngộ.

* Vượt qua chính mình

Chị Song Hà từng là một đứa trẻ không may mắn khi bị điếc bẩm sinh. Tuy vậy, trong hành trình 20 năm qua, chị đã luôn vươn lên, lạc quan trong cuộc sống, trở thành niềm tự hào của gia đình, bạn bè, thầy cô. Dù không nghe, không nói được nhưng chị luôn luôn ham học hỏi.

Khi lên 7 tuổi, Song Hà đã phải xa gia đình vào tỉnh Phú Yên để theo học trường chuyên biệt dành cho trẻ câm điếc. Đến khi học lên THCS, Song Hà mới chuyển về trường gần nhà để học theo diện giáo dục hòa nhập. Do không nghe được nên Song Hà chủ yếu tự học là chính. Chỗ nào không thể hiểu được thì Song Hà hỏi cha mẹ và bạn thân. Việc giảng bài thường được ghi ra giấy và tốn khá nhiều thời gian.

Cô giáo Đinh Hồ Song Hà: Hãy cho trẻ điếc cơ hội được chứng minh năng lực

“Tôi biết rằng trên thực tế có rất nhiều trẻ em điếc hiện nay không được đi học hoặc đi học ở môi trường không phù hợp. Nhiều bậc cha mẹ thấy con mình bị câm điếc thì nghĩ rằng con không thể đi học được hoặc chỉ đi học hòa nhập cho có với bạn bè. Nhiều người muốn con được phát triển tốt hơn nhưng lại không dám cho con đi học xa nhà vì lo lắng con không thể tự lập…

Nếu phụ huynh nào đang có những ý nghĩ như vậy, tôi mong quý vị hãy nhìn nhận lại. Người điếc như chúng tôi hoàn toàn có thể phát triển tốt, có đủ năng lực học tập và làm việc như người bình thường nếu có một môi trường phù hợp. Tôi chính là một minh chứng. Tôi mong các bậc cha mẹ hãy cho con của mình cơ hội được chứng minh điều đó”.       

Năm lớp 9, Song Hà tình cờ đọc được bài báo về một sinh viên điếc theo học Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Song Hà hết sức ngạc nhiên và xúc động khi biết rằng người điếc như mình cũng có thể học lên đại học. Vì thế, Song Hà đã tìm hiểu, biết đến Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc và quyết tâm theo học để thực hiện ước mơ làm giáo viên.

Tại trung tâm, giáo viên dùng ngôn ngữ ký hiệu để giảng bài. Do vậy, việc tiếp thu bài trở nên dễ dàng hơn. Song Hà đã có thành tích học tập tốt trong suốt 3 năm THPT, trong đó năm học 2015-2016, Song Hà đã đoạt giải ba cấp quốc gia cuộc thi Giải Toán bằng máy tính cầm tay. Năm 2016, Song Hà thi đậu vào ngành cao đẳng sư phạm giáo dục tiểu học (Trường đại học Đồng Nai) và tốt nghiệp loại giỏi sau 3 năm học tập tại đây.

* Mong đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng người điếc

Không may mắn khi bị khuyết tật nhưng bù lại, Song Hà luôn có sự đồng hành của gia đình. Hiểu được tầm quan trọng của việc học đối với tương lai của con nên cha mẹ của chị đã luôn ủng hộ con đi học, dù điều này khiến chị phải sống xa gia đình, tự lập từ nhỏ.

Do rào cản về ngôn ngữ, người điếc thường cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi sống giữa cộng đồng “người nói”. Đó cũng chính là khó khăn và là nỗi buồn lớn nhất của người điếc. Cho nên, dù phải xa gia đình nhưng được chung sống, học tập trong cộng đồng người điếc chính là niềm vui, là cơ hội để những người điếc vượt lên chính mình, phát triển như bạn bè đồng trang lứa.

Chị Song Hà chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng phải xa gia đình để đến trung tâm này học tập là một khó khăn. Nhưng tôi cho rằng đây là một thuận lợi, bởi lẽ chúng tôi được sống giữa những người hiểu mình. Chúng tôi được “nói” chuyện, được “lắng nghe”, được sớt chia những buồn vui trong cuộc sống. Trên hết, chúng tôi cùng nhau nỗ lực, vươn lên khẳng định giá trị sống của mình”.

Học sinh của trung tâm đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước. Mỗi một nơi lại dùng một ngôn ngữ ký hiệu khác nhau. Vì vậy, vào đầu mỗi năm học, giáo viên của trung tâm phải dạy lại ngôn ngữ ký hiệu cho các học sinh mới, sau đó mới đi vào chương trình dạy văn hóa. Hiện nay, chị Song Hà đang dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những học sinh mới trước khi được phân công phụ trách chính thức một lớp học.

Mong muốn của chị là có thể học liên thông lên đại học để trở thành giáo viên dạy Toán bậc THCS. Ngoài ra, chị cũng đang nỗ lực để giúp đỡ những người trong cộng đồng người điếc nâng cao kiến thức, kỹ năng sống. Theo đó, chị tích cực tham gia Câu lạc bộ người điếc. Câu lạc bộ sinh hoạt 2 tuần/lần, trong đó các thành viên nòng cốt sẽ lựa chọn chủ đề để truyền đạt kỹ năng sống cho các thành viên khác; mượn các bài báo có thông tin, vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm để giúp các thành viên có thêm kiến thức xã hội.

Hải Yến

Tin xem nhiều