Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo hữu ích

10:01, 13/01/2020

Tận dụng những vật liệu tái chế, anh Lê Thành Công, nhân viên bảo vệ Trường tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Tân Phú) đã chế tạo xe quét rác tự động, hệ thống báo trộm phản xạ laser. Những thiết bị này hiện đang được sử dụng tại trường.

Tận dụng những vật liệu tái chế, anh Lê Thành Công, nhân viên bảo vệ Trường tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Tân Phú) đã chế tạo xe quét rác tự động, hệ thống báo trộm phản xạ laser. Những thiết bị này hiện đang được sử dụng tại trường.

Anh Lê Thành Công điều khiển xe quét rác trong sân trường. Ảnh: H.Yến
Anh Lê Thành Công điều khiển xe quét rác trong sân trường. Ảnh: H.Yến

* Làm xe quét rác vì… thương vợ

Vợ chồng anh Lê Thành Công và chị Nguyễn Thị Thu Hoàng được nhận vào làm nhân viên ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản khoảng 1 năm nay. Nhờ tính tình hiền lành, siêng năng nên giáo viên, học sinh trong trường ai cũng yêu mến anh, chị. Chị Hoàng là nhân viên lao công của trường nên việc quét dọn đều do chị phụ trách. Hiện tại, chị Hoàng đang phải điều trị bệnh ung thư đại tràng, vì thế công việc quét dọn sân trường tuy không vất vả nhưng lại trở nên khó nhọc đối với người bệnh như chị.

Thương vợ, anh Lê Thành Công đã mày mò để làm xe quét rác, hốt rác tự động. Vật liệu dùng để làm xe rác này đều là đồ tái chế nhặt nhạnh được trong trường và ở vựa ve chai. Chiếc xe quét rác này chạy bằng năng lượng từ bình ắc quy, tay lái là một trục ngang có gắn hai tay cầm của xe đạp điện. Anh Công tận dụng tay ga và bộ điều tốc của xe đạp điện mua được ở vựa ve chai với giá hơn 100 ngàn đồng để làm tay ga cho xe rác.

Để điều khiển xe, người dùng chỉ cần vặn tay lái và điều khiển để xe quét rác. Khi khởi động máy, motor chuyển động và kéo theo toàn bộ hệ thống trục chổi, trục băng chuyển động theo. Khi trục chổi chuyển động sẽ quét rác hất vào máng. Máng hốt rác đưa lên băng chuyền, băng chuyền cuốn rác lên và đưa vào thùng chứa rác.

Từ ngày có xe quét rác này, công việc quét rác trên sân trường rộng hơn 2 ngàn m2 của chị Hoàng trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn hẳn. Bình ắc quy sạc trong 6 giờ có thể đủ năng lượng để quét rác trong 10 ngày.

* Từ phim hành động đến máy laser chống trộm

Ngoài làm xe quét rác tự động, trong năm 2019, anh Lê Thành Công với sự hỗ trợ của cô Nguyễn Thị Hồng Bích và cô Trần Thị Thúy Vân (hiệu trưởng và hiệu phó Trường tiểu học Trần Quốc Toản) còn sáng tạo hệ thống báo trộm phản xạ laser. Thiết bị này cũng làm từ những vật liệu tái chế với tổng số tiền chỉ hơn 100 ngàn đồng.

Anh Công đã dựa theo nguyên lý hoạt động của đèn ngủ dùng cảm biến ánh sáng (khi trời sáng đèn tắt, khi trời tối đèn sáng) để làm máy chống trộm phản xạ laser.  “Tôi để ý thấy trong điều kiện trời sáng, khi đưa tay lại gần bóng đèn ngủ thì nó sáng, khi lấy tay ra khỏi thì đèn tắt nên tôi chế tạo máy chống trộm với nguyên tắc hoạt động tương tự. Khi có người đi ngang qua tia laser, tức là ánh sáng bị cản thì mạch tiếp nhận sẽ không có ánh sáng. Lúc này, mạch tiếp nhận sẽ kích một dòng điện cho còi báo làm cho còi báo kêu lên, báo hiệu có kẻ gian đột nhập” - anh Công cho biết.

Điều đặc biệt là anh Công chỉ làm một máy báo trộm lắp ở phòng bảo vệ nhưng có tác dụng báo trộm trong toàn bộ khuôn viên trường nhờ vào hệ thống gương phản chiếu ánh sáng. Có 5 mảng gương gắn cố định tại nhiều khu vực trong trường. Các gương này tiếp nhận được ánh sáng từ đèn và phản xạ ánh sáng qua các gương để ánh sáng phản xạ liên tục đến mạch tiếp nhận nhằm mở rộng phạm vi bảo vệ.

Anh Công chia sẻ: “Ý tưởng làm hệ thống báo trộm phản xạ laser này có được là nhờ những lần xem phim hành động, tôi thấy người ta phải vượt qua hàng rào báo động làm bằng tia laser. Còn việc sử dụng gương chiếu sáng để phản xạ các tia laser này là nhờ áp dụng những kiến thức về quang học đã được học hồi lớp 7, lớp 8”.

Anh Công đã làm hệ thống báo trộm phản xạ này trong suốt hơn một tháng trời. Những khi vợ con đã ngủ say, anh Công lại cặm cụi mày mò, nghiên cứu. Suốt thời gian đó, chị Hoàng không hề biết cho đến khi sản phẩm hoàn thành.

Điều đáng vui mừng là cả 2 sản phẩm do anh Công góp phần sáng tạo nên đều đoạt giải cao tại Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập năm 2019. Trong đó, hệ thống báo trộm phản xạ laser đoạt giải nhì; sản phẩm xe quét rác, hốt rác tự động đoạt giải ba.

Dùng số tiền thưởng cho vợ anh Công chữa bệnh

Để làm được 2 sản phẩm nói trên, anh Lê Thành Công nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ 2 đồng tác giả là cô Nguyễn Thị Hồng Bích và cô Trần Thị Thúy Vân. Với việc đoạt giải nhì và giải ba của hội thi Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập, nhóm tác giả được tổng số tiền thưởng 35 triệu đồng. Cô Nguyễn Thị Hồng Bích đã gửi toàn bộ số tiền này cho vợ chồng anh Công để chạy chữa thuốc men cho chị Hoàng. “Ban đầu Công không chịu nhận, phải nói mãi mới lấy. Vợ chồng Công đều rất hiền lành, chăm chỉ, có trách nhiệm trong công việc nên trường chúng tôi cũng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để hai em yên tâm làm việc” - cô Bích cho hay.

Hải Yến

Tin xem nhiều