Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viêm da cơ địa gây nhiều biến chứng

09:05, 19/05/2020

Viêm da cơ địa (hay còn gọi là chàm da, eczema) gây ra nỗi ám ảnh với nhiều người bởi lẽ khi tái phát, vùng da bị viêm trở nên co cứng, nứt nẻ, chảy máu và ngứa rất khó chịu. Triệu chứng viêm da cơ địa không đe dọa đến tính mạng nhưng dễ gây biến chứng bội nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ. Bệnh thường khởi phát từ tuổi nhỏ, có thể kéo dài suốt đời.

Viêm da cơ địa (hay còn gọi là chàm da, eczema) gây ra nỗi ám ảnh với nhiều người bởi lẽ khi tái phát, vùng da bị viêm trở nên co cứng, nứt nẻ, chảy máu và ngứa rất khó chịu. Triệu chứng viêm da cơ địa không đe dọa đến tính mạng nhưng dễ gây biến chứng bội nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ. Bệnh thường khởi phát từ tuổi nhỏ, có thể kéo dài suốt đời.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: H.Lê

* Nguyên nhân, dấu hiệu viêm da cơ địa

Theo BS Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa được xác định nhưng qua các nghiên cứu cho thấy, viêm da cơ địa có thể do yếu tố di truyền, hay xuất hiện ở những người có bệnh tự miễn hay dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng (60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả cha và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh).

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khởi phát hoặc làm cho bệnh nặng lên như: tiếp xúc hóa chất (sơn, nhựa...), phấn hoa, khói…; tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng (mặc quần áo dày hoặc bó sát, tắm nước quá nóng, ngồi quá gần lò sưởi…); dị ứng một số loại xà phòng, nước hoa, lông động vật; do thay đổi thời tiết bất thường (từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng đột ngột, thời tiết quá khô, nhiều gió hay quá lạnh…); bị nhiễm virus hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn.

Dấu hiệu viêm da cơ địa có thể phân loại thành 2 dạng như sau:

- Viêm da cơ địa cấp tính: nổi ban đỏ hình tròn, da bong trợt, xuất hiện mụn nước, phù nề và ngứa.

- Viêm da cơ địa mãn tính: da xuất hiện các đám mẩn đỏ, dày và bong vảy, da khô, thâm đen do rối loạn sắc tố da, viêm da, da dày, chảy dịch vàng rất khó chịu. Vùng da bị bệnh có thể ngứa âm ỉ hoặc bùng phát dữ dội khi gặp điều kiện thuận lợi.

* Gây nhiều biến chứng

Hầu hết tình trạng da bị viêm đều gây cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Nhưng viêm da cơ địa nguy hiểm ở chỗ nó tái đi tái lại nhiều lần và có thể lan rộng đến nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể, việc điều trị rất tốn kém, mất thời gian. Bệnh này không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng nó cần được điều trị dứt điểm vì có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:

- Gây nhiễm trùng da hoặc bội nhiễm vi khuẩn nếu người bệnh gãi nhiều. Việc gãi vùng da bệnh không những làm tổn thương da mà đó còn là điều kiện để vi khuẩn từ móng tay tiếp xúc với vết thương và gây nhiễm trùng, lở loét hoặc không cẩn thận còn gây hoại tử.

- Bệnh viêm da cơ địa gây ra sẹo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp, tâm lý căng thẳng, lo âu.

- Viêm da cơ địa mãn tính nếu điều trị sai hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khiến người bệnh bị mẩn đỏ toàn thân, rất ngứa và khó điều trị.

- Bệnh viêm da cơ địa gây rối loạn giấc ngủ do ngứa, rối loạn hoạt động, dễ kích ứng, làm giảm chất lượng cuộc sống.

- Ngoài ra, viêm da cơ địa không được điều trị và chăm sóc tốt khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, kém ăn, kém ngủ, chậm phát triển, dễ mắc bệnh hen suyễn…

BS Thủy cho biết, việc chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa không khó nhưng quá trình điều trị còn gặp nhiều thách thức vì tần suất tái phát cao của bệnh. Hiện nay có nhiều thuốc để điều trị viêm da cơ địa, tuy nhiên do bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần nên trong giai đoạn điều trị, người bệnh cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ cũng như kết hợp các phương pháp dưỡng da, giữ ẩm cho da.

 Người bệnh cũng cần tránh các yếu tố thúc đẩy khởi phát hoặc làm bệnh nặng lên như: tránh tiếp xúc khói bụi, hóa chất, phấn hoa, nước hoa, lông động vật...; không nên mặc quần áo quá dày hoặc quá bó sát; tránh thói quen cào, gãi vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm; tránh những thức ăn gây dị ứng, khởi phát bệnh; giữ tinh thần vui vẻ, tránh stress, cũng như tạo môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ. 

“Khi xuất hiện các dấu hiệu viêm da cơ địa, người bệnh cần đến chuyên khoa da liễu để được thăm khám và xác định bệnh cũng như loại trừ các chẩn đoán khác. Không nên tự ý mua và dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Vì trong điều trị bệnh, dùng sai thuốc có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm” - BS Thủy khuyến cáo.

Hoàn Lê

Tin xem nhiều