Báo Đồng Nai điện tử
En

Tinh dầu bưởi - nâng giá trị cho cây bưởi Bình Lợi

10:05, 19/05/2020

Từ những trái bưởi non thải loại trong quá trình chăm sóc vườn cây, ông Trần Hoàn Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi (xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) đã tìm cách chưng cất thành tinh dầu.

Từ những trái bưởi non thải loại trong quá trình chăm sóc vườn cây, ông Trần Hoàn Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi (xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu) đã tìm cách chưng cất thành tinh dầu.

Sau khi đã lấy vỏ để sản xuất tinh dầu, phần quả bưởi non được dùng làm thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen để làm phân hữu cơ. Ảnh: H.Yến
Sau khi đã lấy vỏ để sản xuất tinh dầu, phần quả bưởi non được dùng làm thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen để làm phân hữu cơ. Ảnh: H.Yến

Sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu bưởi Bình Lợi mà còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường ở địa phương.

* Giải quyết vấn đề môi trường

Cách TP.Biên Hòa hơn 10km, xã Bình Lợi còn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ thanh bình của vùng nông thôn. Về nông nghiệp, xã hiện có 2 loại cây trồng chủ lực là bưởi và lúa. Diện tích cây lúa hiện còn hơn 380ha; diện tích trồng bưởi là gần 230ha, trong đó có 165ha đã cho thu hoạch. Do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao, diện tích trồng cây bưởi đang ngày càng được mở rộng, trong đó chủ yếu là giống bưởi da xanh.

HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi hiện có 14 thành viên. Ngoài sản phẩm chủ lực là trái bưởi da xanh, HTX đang phát triển thêm sản phẩm tinh dầu bưởi. Thu nhập trung bình của các hộ thành viên HTX là 700-800 triệu đồng/ha bưởi. HTX cũng đang tiếp tục lập hồ sơ đối với sản phẩm tinh dầu bưởi (dự kiến hoàn thành trong năm 2020).

Trong quá trình chăm sóc cây bưởi, bà con nông dân thường loại bỏ bớt gần 50% trái bưởi non, chỉ để dành khoảng một nửa đến 2/3 trái bưởi trên cây. Điều này nhằm giúp cho cây bưởi phát triển tốt, cho nhiều trái loại nhất, loại nhì với giá bán cao hơn. Số bưởi non thải loại thường vứt trong vườn hoặc ném dưới kênh rạch.

“Cách làm này khiến cho đất bị chua, tăng mầm bệnh hại cây và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tôi đã tìm cách để thử chiết xuất tinh dầu bưởi từ những trái bưởi non” - ông Trần Hoàn Thiện nói về ý tưởng ban đầu của mình.

Nghĩ là làm, ông về mày mò tự tìm cách chiết xuất tinh dầu để dùng thử trong gia đình. Sau đó, vì thấy hiệu quả của việc làm này nên ông quyết định đầu tư máy móc để làm bài bản hơn.

Trước đây, bưởi non gom về phải dùng tay để bào vỏ rồi mới đem xay để chưng cất tinh dầu. Hiện nay, công việc này đã có máy bào vỏ “phụ trách”. Nhờ đó, năng suất chưng cất tinh dầu cũng tăng lên.

Làm được tinh dầu thành công, ông Thiện lại gặp phải một vấn đề khác. Đó là làm sao giải quyết được hết số bưởi non sau khi đã lấy vỏ để chiết xuất tinh dầu. Ông đã tìm cách ủ trái bưởi non này để làm phân hữu cơ. Hiện nay, phương pháp ông đang áp dụng là dùng trái bưởi non làm thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen để tạo thành phân hữu cơ.

Từ ngày có cơ sở sản xuất tinh dầu bưởi tại địa phương, vườn bưởi của bà con nông dân trên địa bàn xã Bình Lợi trở nên sạch sẽ hơn, không còn nỗi lo về ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (ấp 2, xã Bình Lợi) chia sẻ: “Việc gom trái bưởi non, kém hiệu quả để cung cấp cho cơ sở sản xuất tinh dầu vừa giúp sạch vườn, vừa góp phần nâng cao thương hiệu cho HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi”.

* Nâng cao giá trị cây bưởi Bình Lợi

Bình Lợi là một trong 5 xã thuộc khu vực chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều (bao gồm các xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An). Đây là thuận lợi lớn để bà con nông dân nơi đây tiếp tục phát triển diện tích trồng bưởi. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục để xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho trái bưởi da xanh Bình Lợi. Hồ sơ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chấp nhận.

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, được nhiều nước trên thế giới nuôi. Vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 40-45 ngày (trước tiên hình thành trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi). Ấu trùng ruồi lính đen phân hủy chất hữu cơ rất nhanh và tạo thành phân bón hữu cơ, rất tốt cho cây trồng.

Ruồi lính đen đã được Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho tài nguyên cá đang cạn kiệt.

Việc tạo dựng được thương hiệu riêng sẽ giúp ích trong việc tiêu thụ bưởi da xanh Bình Lợi, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân. Sản phẩm tinh dầu bưởi sẽ góp phần nâng cao giá trị cây bưởi Bình Lợi. Trong năm 2020, HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi sẽ tiếp tục làm hồ sơ để xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu bưởi.

Theo ông Thiện, bưởi non dùng làm tinh dầu được anh mua lại với giá 500 đồng/kg. Thông thường, 1 tấn trái bưởi non sẽ bào được 200kg vỏ bưởi, chưng cất được 1 lít tinh dầu với giá bán 6 triệu đồng. Trong năm 2019, gia đình ông Thiện làm được khoảng 10 lít tinh dầu bưởi. Sản phẩm hiện chủ yếu cung cấp cho người dân ở địa phương.

Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết: “Công việc chính của ông Thiện là làm trong lĩnh vực xây dựng và phụ trách HTX Nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp Bình Lợi. Việc sản xuất tinh dầu bưởi là một đóng góp của ông Thiện dành cho xã nông thôn Bình Lợi”.

Cá nhân ông Thiện cũng như bà con nông dân ở Bình Lợi mong muốn sản phẩm tinh dầu bưởi Bình Lợi sẽ đáp ứng được chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và từng bước giới thiệu rộng rãi sản phẩm này ra thị trường.

Hải Yến

Tin xem nhiều