Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần phát hiện sớm bệnh lồng ruột ở trẻ

09:05, 19/05/2020

BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận và điều trị trẻ bị lồng ruột. Bệnh nhẹ sau 3 ngày điều trị có thể xuất viện, nhưng cũng có những trẻ phải điều trị lâu dài do bệnh nặng phải tiến hành phẫu thuật.

BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận và điều trị trẻ bị lồng ruột. Bệnh nhẹ sau 3 ngày điều trị có thể xuất viện, nhưng cũng có những trẻ phải điều trị lâu dài do bệnh nặng phải tiến hành phẫu thuật.

Bác sĩ tái khám cho bé N.T.V. trước khi được xuất viện. Ảnh: M.Chi
Bác sĩ tái khám cho bé N.T.V. trước khi được xuất viện. Ảnh: M.Chi

* Nhận biết đúng bệnh lồng ruột ở trẻ

Lồng ruột có nghĩa là một đoạn ruột non trượt vào lòng của đại tràng, hoặc 2 quai ruột non lồng vào nhau. Điều này khiến lưu thông tiêu hóa bị chặn lại, không đi qua được đoạn ruột bị lồng.

Theo BS Tuấn, hiện nay hơn 95% trường hợp trẻ bị lồng ruột không có nguyên nhân và thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Khoảng 5% trường hợp lồng ruột có nguyên nhân cụ thể như: túi thừa meckel, nang ruột đôi, polyp ruột, u ở thành ruột; một số bệnh lý khác như bị mắc dị vật đường tiêu hóa, sau những cuộc phẫu thuật làm nhu động ruột bị rối loạn. Thường gặp những trẻ hơn 2 tuổi và kể cả người lớn. 

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính gây lồng ruột ở trẻ, tuy nhiên bệnh hay gặp ở mùa nhiễm siêu vi phát triển, trẻ bị các bệnh về hô hấp trên, tiêu hóa. Thường nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (với tỷ lệ nam chiếm 70%), những trẻ có thể trạng bụ bẫm, tuổi từ 4-10 tháng, có nhiễm siêu vi hô hấp trước đó. Ngoài ra, cha mẹ, anh chị em ruột đã từng bị lồng ruột thì trẻ có thể bị lồng ruột.

Những biểu hiện của lồng ruột thường: đau bụng theo từng cơn, khóc thét, giãy giụa, chân đạp lung tung. Mặt xanh tái, có thể ngất xỉu. Các cơn đau kéo dài 5 phút làm cho trẻ mệt mỏi. Những cơn đau này thường tái diễn rất điển hình. Sau khi đau bụng, trẻ bị nôn ói, do những thức ăn chưa tiêu như sữa… sau đó ói dịch xanh, vàng và nếu nặng có thể ói ra phân, sau cùng là đi cầu ra máu. “Do đó, phụ huynh không nên nhầm lẫn và có quan niệm dân gian là do rung lắc, chạy nhảy, vui cười. Cần phân biệt và nhận biết đúng dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đi khám kịp thời” - BS Tuấn nói.

* Cần được phát hiện và điều trị kịp thời

Mới đây, khi đang chơi cùng con trai 15 tháng tuổi, chị N.T.V. (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) thấy con đau bụng, gào khóc dữ dội, chân đạp lung tung, chị vội vàng đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kiểm tra. Qua thăm khám, siêu âm bé được chẩn đoán bị lồng ruột và được điều trị bằng phương pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi. Bé đã được xuất viện 2 ngày sau đó.

Theo BS Tuấn, rất may gia đình đưa bé đến sớm nên phương pháp điều trị đơn giản hơn, đó là tháo khối lồng bằng bơm hơi. Theo đó, các bác sĩ dùng dụng cụ bơm hơi vào qua hậu môn một cách nhẹ nhàng để tháo khối lồng. Đây là biện pháp can thiệp không xâm lấn an toàn và rất ít tai biến. Nếu trẻ phát hiện muộn, dẫn đến tình trạng tắc ruột, sử dụng tháo lồng thất bại thì được chỉ định phẫu thuật.

“Lồng ruột là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ gây tắc ruột, gây rối loạn chất điện giải, không có máu lưu thông để nuôi đoạn ruột bị lồng dẫn đến hoại tử, thủng ruột, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc. Hậu quả lớn là có thể gây tử vong” - BS Tuấn cho biết thêm.

Trẻ đã từng bị lồng ruột thì nguy cơ tái diễn bệnh rất dễ. Do đó, phụ huynh không nên lo lắng mà chỉ cần theo dõi nhiều hơn những trẻ có vấn đề về tiêu hóa, về nhiễm siêu vi, gia đình có người bị lồng ruột. Vì lồng ruột có thể được điều trị thành công và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ về sau.

“Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng, nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Quan trọng là khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột cần đưa trẻ đến bệnh viện để được tư vấn và xử trí kịp thời” - BS Tuấn khuyến cáo.

Mai Chi

Tin xem nhiều