Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm gánh nặng khi tham gia bảo hiểm y tế

08:06, 20/06/2021

Tính đến cuối tháng 5-2021, toàn tỉnh có hơn 2,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 85% dân số toàn tỉnh (đã bao gồm lực lượng vũ trang).

Tính đến cuối tháng 5-2021, toàn tỉnh có hơn 2,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 85% dân số toàn tỉnh (đã bao gồm lực lượng vũ trang).

Người dân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung
Người dân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Việc tham gia BHYT đã góp phần giảm gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình khi chẳng may có thành viên bị bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, cần phải điều trị lâu dài, chi phí điều trị cao.

* Giảm một nửa tiền viện phí

Mới đây, anh V.V.T., 34 tuổi, công nhân làm việc tại một công ty trên địa bàn TP.Biên Hòa đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phẫu thuật sửa van 2 lá, sửa van 3 lá nặng và thay động mạch chủ ngực lên.

Anh T. bị bệnh tim cách đây đã nhiều năm nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chưa có điều kiện để đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Gần đây, khi sức khỏe sa sút nhiều, anh mới đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Anh T. tham gia BHYT tại doanh nghiệp nên được hưởng đầy đủ quyền lợi khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Sau khi được phẫu thuật, điều trị ổn, anh T. được xuất viện. Tổng số tiền viện phí của anh T. là hơn 160 triệu đồng. Trong đó, anh được quỹ BHYT thanh toán 88,6 triệu đồng, còn lại anh T. chỉ phải đóng 79 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với anh T. và gia đình mà nếu như không tham gia BHYT sẽ không được hưởng chính sách này.

Không riêng gì anh T., có nhiều bệnh nhân khác đã được quỹ BHYT thanh toán số tiền rất lớn khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

Cách đây vài tháng, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay, một bệnh nhân 37 tuổi ngụ tại tỉnh Vĩnh Long bị bệnh rối loạn đông máu đã được quỹ BHYT chi trả số tiền lên tới hơn 38 tỷ đồng. Bệnh nhân này có “thâm niên” 11 năm nằm viện, trải qua 25 lần phẫu thuật cắt lọc da hoại tử, hút dịch, tái tạo da bằng kỹ thuật mới và sự kết hợp của đa chuyên khoa như: huyết học, bỏng - chỉnh hình...

Trước đó, một bệnh nhân ngụ tại H.Vĩnh Cửu bị bệnh rối loạn đông máu cũng đã được quỹ BHYT chi trả số tiền hơn 5 tỷ đồng.

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, quỹ BHYT đã giúp cho nhiều bệnh nhân, gia đình bệnh nhân bớt đi phần nào áp lực về chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh tim phải phẫu thuật, đặt stent mạch vành, bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải điều trị lâu dài...

“Ngoài những bệnh nhân có tham gia BHYT, được quỹ BHYT chi trả một phần chi phí, bệnh viện cũng có chính sách hỗ trợ riêng dành cho những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Qua đó, giúp họ có cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn, sớm trở về với cuộc sống đời thường” - BS Dũng nói.

* Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT

Từ ngày 1-7-2021, theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có thêm 3 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Đó là người cao tuổi từ đủ 75-80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với điều kiện: không thuộc trường hợp không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; đang sống tại địa bàn các xã, thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Đối tượng thứ 2 là trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn và không thuộc các trường hợp: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng do bị bỏ rơi mà chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ hoặc cả cha, mẹ đều bị tuyên bố mất tích...; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Đối tượng thứ 3 là người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng (tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng). Nếu các đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT miễn phí mà thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ thì chỉ được cấp một thẻ BHYT có quyền lợi cao nhất.

Thông tin từ BHXH tỉnh, trong tháng 5-2021, cơ quan chức năng đã thực hiện giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hơn 540,8 ngàn lượt người với số tiền 222,9 tỷ đồng, giảm 6% về số lượt người và giảm 4% về số tiền so với tháng 4-2021. Lũy kế từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 2,8 triệu lượt người với số tiền gần 1,1 ngàn tỷ đồng, giảm 15% về số lượt người và tăng 1% về số tiền so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân dẫn đến việc giảm số lượt người tham gia khám, chữa bệnh BHYT thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân có tâm lý e ngại khi đến những nơi đông người như bệnh viện, phòng khám đa khoa. Do đó, chỉ khi bị các bệnh nặng hoặc cần thiết phải đến bệnh viện, bị bệnh mạn tính, người dân mới đến bệnh viện.

Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện khuyến cáo, người dân không nên trì hoãn việc thăm khám và chữa bệnh, tránh tình trạng để bệnh đến giai đoạn nặng mới nhập viện thì việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn nhiều.

 “Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có những diến biến phức tạp, bệnh viện vẫn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho người dân” - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho hay.

Trong tháng 6-2021, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong tỉnh tiếp tục triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thay thế thẻ BHYT giấy trong đăng ký khám, chữa bệnh BHYT.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều