Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

08:02, 18/02/2023

Năm học 2022-2023 là năm học thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời tiến hành thay sách giáo khoa theo chương trình mới. Tuy nhiên, sau 3 năm học thực hiện, đến nay vẫn còn không ít khó khăn, lúng túng cần được tháo gỡ để đảm bảo chất lượng chương trình một cách đồng bộ.

Năm học 2022-2023 là năm học thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, đồng thời tiến hành thay sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới. Tuy nhiên, sau 3 năm học thực hiện, đến nay vẫn còn không ít khó khăn, lúng túng cần được tháo gỡ để đảm bảo chất lượng chương trình một cách đồng bộ.

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, dù đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng khi bắt tay vào thực hiện chương trình GDPT mới thì một loạt khó khăn đã xuất hiện. Có những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách Sở không thể tự ý giải quyết, dẫn đến khó khăn kéo dài, gây ra sự lúng túng cho các trường, thiệt thòi cho học sinh.

* Chưa thể đồng bộ

Tính đến năm học 2022-2023, chương trình GDPT mới đã “phủ” đến học sinh lớp 3 bậc tiểu học, học sinh lớp 7 bậc THCS và học sinh lớp 10 bậc THPT. Theo lộ trình đến năm học 2024-2025, học sinh toàn tỉnh sẽ học hoàn toàn theo chương trình GDPT mới. Khó khăn lớn nhất của các trường khi áp dụng chương trình mới là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Việc lựa chọn SGK cũng gây ra không ít phiền hà cho các trường khi áp dụng nhiều bộ sách cho 1 chương trình GDPT.

Ông Võ Ngọc Thạch cho biết, theo chương trình cũ trước đây, 1 phòng học có thể đáp ứng được 2 lớp học ở 2 buổi khác nhau. Theo chương trình mới thì học sinh phải được học 2 buổi/ngày, nhưng vì nhiều trường thiếu phòng học nên chỉ tổ chức dạy được 1 buổi/ngày. Chương trình GDPT mới mỗi năm học lại được “phủ” rộng hơn nên tình trạng thiếu lớp học càng trở nên trầm trọng, buộc nhiều trường phải tìm cách xoay xở sao cho phù hợp.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG: Chương trình GDPT mới đang đi đúng hướng

Chương trình GDPT mới đang đi đúng hướng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, khó khăn cần được khắc phục, trong đó có những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh và cấp cao hơn. Những kiến nghị của ngành GD-ĐT trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm phản ánh đầy đủ đến Quốc hội trong thời gian tới.

Hay vấn đề thiết bị phục vụ cho chương trình GDPT mới, mặc dù đến nay đã áp dụng đến năm học thứ 3 nhưng hầu hết các trường vẫn chưa được cung cấp thiết bị phục vụ dạy và học. Việc mua sắm thiết bị càng trở nên khó khăn hơn khi thủ tục mua sắm ngày càng siết chặt. Với tình trạng đó, các trường đang phải dạy chương trình mới theo kiểu dạy “chay”, chất lượng sẽ không đảm bảo. Chẳng hạn, với lớp 3 đã phải học môn tin học, nhưng nhiều trường hiện không có phòng máy vi tính.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, chương trình GDPT mới ở bậc THCS-THPT sẽ tổ chức dạy học theo hướng liên môn, điều này đồng nghĩa với việc giáo viên trước đây dạy 1 môn thì nay phải dạy 2, thậm chí 3 môn trong một tổ hợp môn hoặc khoa học tự nhiên, hoặc khoa học xã hội. Để có thể dạy liên môn, giáo viên cần phải được bồi dưỡng, đào tạo, thế nhưng đến nay công tác này Sở GD-ĐT chưa thể thực hiện do vướng các quy định về đơn vị tổ chức bồi dưỡng, đào tạo.

Chương trình GDPT mới đối với bậc THPT, ngoài các môn học bắt buộc còn có những môn học tự chọn như: âm nhạc, mỹ thuật… nhằm phát huy năng lực, sở trường của từng học sinh. Nhưng do thiếu giáo viên các môn học tự chọn nên phần lớn các trường không thể cho học sinh cơ hội tự chọn mà phải định hướng học sinh chọn các môn theo khả năng đáp ứng của nhà trường. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở từng có kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc tuyển thỉnh giảng những người có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vào dạy tại các trường, nhưng Bộ GD-ĐT không cho phép.

* Nhiều kiến nghị cần được tháo gỡ

Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thực hiện buổi giảm sát về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện SGK chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh. Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã nêu một loạt khó khăn, đồng thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình GDPT mới. Trong các kiến nghị này, có nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, có nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, việc thực hiện chương trình GDPT mới khác với chương trình cũ là có nhiều bộ SGK. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các trường, vì năm nào cũng phải tổ chức lựa chọn nên cùng một địa bàn có trường sử dụng bộ sách này, có trường sử dụng bộ sách khác. Bên cạnh đó, giá sách mới hiện còn cao so với khả năng của một bộ phận phụ huynh, nhất là công nhân lao động, hộ nghèo. Do đó, Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị chỉ nên có 1 bộ SGK, những bộ sách còn lại chỉ để tham khảo.

Theo kiến nghị của ngành GD-ĐT, để có thể ngăn chặn thực trạng giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục nghỉ việc, ngành rất cần tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, khi triển khai chương trình GDPT mới, áp lực công việc càng đè nặng lên giáo viên, do đó càng có thêm nhiều giáo viên và nhân viên trường học xin nghỉ việc. Thêm vào đó, việc tuyển dụng giáo viên mới ở các trường công lập hiện ngày càng trở nên khó khăn hơn, phần lớn do chế độ chính sách đãi ngộ chưa hợp lý.

Tại buổi giám sát nêu trên, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội phù hợp với thực tiễn cuộc sống và đang đi đúng với xu thế của thế giới. Do đó, cần tiếp tục nâng cao về quan điểm nhận thức, cả hệ thống chính trị cùng tham mưu cho UBND tỉnh và Sở GD-ĐT thực hiện chương trình GDPT mới một cách hiệu quả nhất. Tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội, trong đó có phụ huynh hiểu rõ về sự cần thiết thực hiện chương trình GDPT mới, đồng thời ngành GD-ĐT phải có trách nhiệm lớn hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện.

Chia sẻ khó khăn với ngành GD-ĐT khi triển khai chương trình GDPT mới, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường nhấn mạnh, tất cả học sinh phải được quan tâm đầy đủ, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Phải tính toán kỹ nhu cầu về trường lớp, đội ngũ giáo viên và số lượng học sinh trong thời gian tới để có sự chuẩn bị đầu tư chu đáo cho giáo dục. Bên cạnh đó, phải lưu ý chống các biểu hiện tiêu cực trong việc mua và sử dụng SGK. Để có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, tốt về chất lượng, Sở GD-ĐT cần tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chương trình mới…

Công Nghĩa

Tin xem nhiều