Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa Xuân và những cơ hội mới

11:02, 06/02/2013

Mùa Xuân là thời điểm khép lại một năm cũ và bước vào một năm mới mang theo những hy vọng vào những gì tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Năm cũ Nhâm Thìn đầy thách thức còn năm mới Quý Tỵ cũng đừng mong những thách thức đó tự nhiên biến mất như phép màu của tự nhiên. Năm mới sẽ tốt lành hơn phải bằng những nỗ lực của mỗi người.

Mùa Xuân là thời điểm khép lại một năm cũ và bước vào một năm mới mang theo những hy vọng vào những gì tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Năm cũ Nhâm Thìn đầy thách thức còn năm mới Quý Tỵ cũng đừng mong những thách thức đó tự nhiên biến mất như phép màu của tự nhiên. Năm mới sẽ tốt lành hơn phải bằng những nỗ lực của mỗi người.

Mùa xuân

Trong những việc năm cũ chuyển giao cho năm mới có câu chuyện sửa đổi Hiến pháp. Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XIII đã ra nghị quyết về bản Hiến pháp sửa đổi đã hoàn thành dự thảo, nay được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân với hạn định 3 tháng để kỳ họp thứ 5 sắp tới tiếp thu hoàn thiện với mục tiêu kỳ họp thứ 6 vào cuối năm sẽ thông qua, tạo ra nền tảng pháp lý thúc đẩy sự phát triển của Đất nước trong một tiến trình dài hạn sắp tới.

Cuộc vận động lấy ý kiến đã được triển khai trước Tết, rồi qua một cái Tết dễ bị quên lãng bởi những lo toan và công việc của một dịp lễ trọng nhất của năm, thời gian còn lại của ba tháng sẽ còn chẳng là bao. Hiến pháp cuối cùng sẽ được thông qua, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được xem như là một phương thức thực hiện cái nguyên lý quan trọng của Hiến pháp là “được nhân dân phúc quyết”.

Buổi giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội Luật gia tỉnh tổ chức ngày 18-1.
Buổi giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội Luật gia tỉnh tổ chức ngày 18-1.

Bản dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992 đã được công bố và việc lấy ý kiến của nhân dân không chỉ được khẳng định bằng những kế hoạch triển khai rộng khắp mà còn nhận được những thông điệp khích lệ của những nhà lãnh đạo kêu gọi toàn dân hưởng ứng với tinh thần phát huy dân chủ, không e ngại những ý kiến khác biệt, thậm chí không có “vùng cấm” khi đưa ra chính kiến miễn sao nó xuất phát từ thiện chí và trách nhiệm v.v...

Hiến pháp

Bởi thế, nếu các công dân bàng quan không nhận thấy tính thiết thực của Hiến pháp đối với mình và quốc gia mà mình đang là công dân thì cũng chính là tự tước đoạt quyền công dân của mình để ít nhất là phải vài chục năm nữa mới có cơ hội bàn lại... Vì thế Mùa Xuân này đừng ai bỏ lỡ cơ hội thể hiện quyền của mỗi người...

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, câu “thơ thần” bên dòng sông Như Nguyệt- tên chiến tuyến chống xâm lăng phương Bắc gắn với tên tuổi của Lý Thường Kiệt “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư...” vẫn được xem như là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta cho đến những tư tưởng toát lên từ “Hịch tướng sĩ văn” đời Trần, “Bình Ngô Đại Cáo” thời Lê, hay những lời tuyên ngôn hào sảng của Nguyễn Huệ-Tây Sơn... thể hiện ý chí của một dân tộc quyết vươn lên xây dựng nền tự chủ...

Nhưng chỉ đến cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc đánh đổ cả chế độ thuộc địa lẫn chế độ quân chủ bằng một cuộc nổi dậy của toàn dân thì những nền tảng của một nước Việt Nam hiện đại mới thực sự được xác lập và vì thế ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập thì thông qua một cuộc Tổng tuyển cử tiến hành bằng chế độ phổ thông đầu phiếu, một Quốc hội được thành lập và một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của quốc gia Việt Nam.

Điều đáng nói, mặc dù mới thoát thai từ một thuộc địa cùng với chế độ phong kiến trị vì hàng ngàn năm trong hoàn cảnh đói nghèo, mù chữ và còn nhiều vết tích lạc hậu, nhưng nước Việt Nam đã được đặt vào đúng quỹ đạo của một sự phát triển theo một mô hình tiên tiến nhất trong bối cảnh lịch sử đương thời. Không phải tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn 2 nguyên lý bất hủ gắn với hai cái mốc lịch sử phát triển của nhân loại thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền (1791) của Pháp. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam thể hiện sự kế thừa văn minh của nhân loại như những bước tiến bộ và dân tộc Việt Nam chấp nhận và nhập cuộc.

Tại sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ cộng sản, người đã từng sống tại Liên Xô, là một nhà hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản khi nắm được chính quyền lại không du nhập vào Việt Nam mô hình xô-viết?  Khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập đọc ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập thể chế chính trị của nước Việt Nam độc lập là chế độ Dân chủ Cộng hòa. Nhắc đến quốc hiệu này cũng như những mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” hay nguyên lý về một nhà nước “của dân - do dân - vì dân” chúng ta nhận ra những tư tưởng của các thể chế chính trị của Hoa Kỳ mà nguyên lý về nhà nước của dân, do dân, vì dân của vị Tổng thống thứ 16 Abraham Lincohn và những mục tiêu mà chủ nghĩa Tam dân của Nhà Dân chủ Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc (Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc). Chính từ nền tảng thể chế chính trị ấy mà bản Hiến pháp dù chỉ do một Ủy ban bao gồm một số nhà cách mạng chuyên nghiệp và phần đông là những trí thức am hiểu luật học được đào tạo trong chế độ cũ nhưng những nội dung của Hiến pháp 1946 đến nay vẫn được đánh giá là mẫu mực. Biết tiếp thu mà không vay mượn, mà tiếp nhận phù hợp với trình độ phát triển của nhân loại cũng như khả vọng của nhân dân.

Hướng tới tương lai (Ảnh: Văn Cón)
Hướng tới tương lai (Ảnh: Văn Cón)

Vì thế, ngay sau khi soạn thảo và đưa lên báo chí để lấy ý kiến nhân dân, thực ra trong hoàn cảnh năm 1946, hiệu ứng thu thập ý kiến không nhiều vì phương tiện truyền thông rất giới hạn nhưng tính minh bạch được khẳng định ngay từ trong quá trình soạn thảo. Và trong bối cảnh lịch sử hồi đó, trong Quốc hội có nhiều đảng phái (mà chính Bác Hồ chủ động mời 70 thành viên các đảng  phái không tham gia Tổng tuyển cử bổ sung để có diễn đàn dân chủ hơn thì cuộc tranh luận cũng nhất trí rất cao về thể chế Dân chủ Cộng hòa, chi tiết duy nhất có tranh luận là chế độ 1 viện hay 2 viện (thượng và hạ viện). Trong 242 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết chỉ có 2 là không tán thành, 1 người (đại biểu Quốc dân Đảng là đòi 2 viện và bỏ kiểm duyệt), một đại biểu là doanh nhân Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng cho rằng Hiến pháp chưa bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài (vì lúc đó ta bị ràng buộc một số cam kết với Pháp bởi Hiệp định 6-3).

Chỉ có điều, Hiến pháp 1946 được thông qua với tỷ lệ tán thành cao (240/242) nhưng tình hình chiến tranh sớm bùng nổ nên nó chưa kịp ban hành. Chưa kịp ban hành nhưng bản Hiến pháp này, với những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhà thiết kế, người sáng lập nền Dân chủ-Cộng hòa vẫn có giá trị soi đưòng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi cho đến Hiến pháp được thông qua năm 1959 và ban hành vào ngày đầu năm 1960.

Nhắc lại một khuôn mẫu tựa như một nền tảng vững chãi của lịch sử Hiến pháp gắn với lịch sử Cách mạng Việt Nam để chúng ta thấy cả tính thừa kế đúng đắn cũng như những yếu tố duy ý chí khi xa rời nền tảng của Hiếp pháp 1946, là những bài học phải tiếp thu khi đóng góp vào lần sửa đổi Hiến pháp lần này. Trở lại với Hiến pháp năm 1946 về tính thực tiễn sâu sắc, năng lực hội nhập với thế giới những giá trị bền vững của nhân loại, khắc phục tính duy ý chí, đặc biệt thể hiện trong Hiến pháp 1980 gắn với việc thay đổi quốc danh, chế độ sở hữu và có phần bị ảnh hưởng của những mô hình xô- viết, phát huy nhưng nhân tố tích cực của thực tiễn Đổi Mới, đồng thời nhìn nhận đúng tầm mức của thách đố do biến đổi khí hậu đang tác động lâu dài vào đất nước ta, chắc chắn chúng ta sớm có một Hiến pháp có giá trị bền vững hơn, tương xứng với vị thế cực kỳ quan trọng tác động vào vận mệnh quốc gia và dân tộc của một bản Hiến pháp.

Rất cần tạo ra những công cụ để ngưòi dân có thể biểu thị được quyền phúc quyết của mình bằng việc thực hiện luật hóa những quyền đã được viết trong các bản Hiến pháp đã ban hành: đó là quyền biểu tình, quyền lập hội đã được các kỳ họp của Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa có (nói cách khác là khắc phục tình trạng “treo” của những quyền mà Hiến pháp đã xác lập), đặc biệt là sớm có Luật Trưng cầu dân ý, một công cụ rất hữu hiệu và từ lâu đã trở thành phổ quát của thế giới  dân chủ và hiện đại mà đến nay ta vẫn chưa có. Với Luật Trưng cầu dân ý, nhân dân sẽ biểu thị quyền phúc quyết để xác lập một Hiến pháp thực sự của Nhân dân...

Cơ hội và Hy vọng đang chờ ta trước thềm một Xuân mới.

Dương Trung Quốc 

 

 

 

Tin xem nhiều