Báo Đồng Nai điện tử
En

Cồn Tàu anh hùng...

10:07, 01/07/2013

Cách đây 52 năm, ngay trong lòng địch, quân dân ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (thuộc tỉnh Trà Vinh hiện nay) đã thành lập bến Cồn Tàu để tiếp nhận vũ khí chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Cách đây 52 năm, ngay trong lòng địch, quân dân ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (thuộc tỉnh Trà Vinh hiện nay) đã thành lập bến Cồn Tàu để tiếp nhận vũ khí chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Tàu tiếp vũ khí năm 1964.
Tàu tiếp vũ khí năm 1964.

Lần lại lịch sử ra đời của bến Cồn Tàu, thời điểm đó, ở miền Nam chính quyền Ngô Đình Diệm với Luật 10/59 và chiến dịch Trương Tấn Bửu đã lật lọng không thi hành Hiệp định Genève, tiến hành khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, bắt bớ, giết hại cán bộ kháng chiến. Nhân dân miền Nam sôi sục căm hờn, nhiều nơi vùng dậy phản kháng lại chế độ độc tài của gia đình họ Ngô, nhưng thiếu thốn lớn nhất của các phong trào cách mạng là vũ khí. Trước tình hình đó, chủ trương của Đảng và Tổng quân ủy là tìm cách chi viện vũ khí cho cách mạng miền Nam. Tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường biển từ Bắc vào Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời từ đó. Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu đã trở thành một trong những mắt xích quan trọng hình thành nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ.

Những người con Cồn Tàu anh hùng

Bí thư Huyện ủy Duyên Hải Nguyễn Văn Cách kể, trước đây Cồn Tàu chỉ là một bến nhỏ để ngư dân địa phương ra khơi mưu sinh hàng ngày. Đầu năm 1961, Trung ương Cục miền Nam chỉ thị cho các tỉnh: Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau tổ chức bến bãi và đưa thuyền ra Bắc, vừa thăm dò mở đường, vừa nghiên cứu tình hình để nếu có điều kiện thì đưa vũ khí về miền Nam.

Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu là một trong những mắt xích quan trọng hình thành nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ.

Ở Trà Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Long sau khi nghiên cứu tình hình, đã quyết định chọn bến Cồn Tàu làm nơi tiếp nhận vũ khí không chỉ vì địa hình thuận lợi, mà còn vì người dân nơi đây rất kiên cường, gắn bó thủy chung với cách mạng, một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Tỉnh ủy cũng tuyển chọn được 6 đồng chí là những cán bộ dũng cảm, có kinh nghiệm đi biển để tìm đường ra Bắc, gồm: Trần Văn Mao, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Chấp, Lê Văn Lòng, Hồ Văn In và Ngô Văn Tôi. Các đồng chí đã được đổi bí danh lần lượt là: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi để thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới thăm di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới thăm di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu.

Ngày 3-8-1961, lúc 17 giờ, có một chiếc tàu đánh cá bình thường như bao con tàu khác từ bến Cồn Tàu giương buồm ra khơi. Tàu trang bị rất thô sơ, ngoài ngư cụ đánh bắt cá chỉ có một chiếc la bàn, bản đồ và một radio. Nhưng những ngư dân trên tàu không quan tâm đến việc đánh bắt cá mà chỉ tìm cách hướng tàu về phía Bắc. Giữa biển khơi bao la mịt mùng, con tàu nhỏ bé như chiếc lá lênh đênh, lại không có động cơ, chỉ chạy bằng sức gió nên việc vượt biển hết sức khó khăn. Có lúc gặp bão lớn, tàu bị dạt qua tận Ma Cao (Trung Quốc), lại còn phải lo đối phó với tàu tuần duyên của địch cày đi xới lại suốt vùng biển phía Nam, kiểm tra rất gắt gao các tàu đánh cá hoạt động trong hải phận. Những người ra đi năm ấy đã sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất, có thể hy sinh tính mạng. Nhưng với niềm tin sắt son vào cách mạng, sau nhiều tháng kiên trì, cuối cùng tàu cũng cập được bến Hải Phòng trong sự mừng vui tột đỉnh của mọi người. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được hình thành và sẵn sàng...

Chi viện cho chiến trường miền Nam

Ngày 19-2-1962, Trung ương Cục miền Nam thành lập Đoàn 926 có nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí tại các bến. Ở Trà Vinh, Phó chính ủy Đoàn 926 Nguyễn Văn Sến trực tiếp chỉ huy việc tiếp nhận. Để phối hợp với Đoàn 926, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức một trung đội đóng tại bến Cồn Tàu dưới vỏ bọc là những người đánh cá, làm muối, vừa tự túc lương thực vừa chuẩn bị cho việc đón tàu, xây dựng bến Cồn Tàu để có thể tiếp nhận, vận chuyển vũ khí lên bờ, cất giấu an toàn và bảo vệ bến.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, cho biết năm 2004 bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và đã được xây dựng lại. Công trình xây dựng có kinh phí 1,7 tỷ đồng, gồm bia tưởng niệm được cách điệu hình cánh buồm và nhà trưng bày trên 100 hình ảnh, gần 50 hiện vật lịch sử về quá trình vận chuyển vũ khí, đoàn tàu không số gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Hàng năm, địa phương đều tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại đây.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 17-3-1963, chiếc tàu đầu tiên vận chuyển vũ khí chi viện của thuyền trưởng Đinh Đạt đã cập bến an toàn tại Trà Vinh, đánh dấu sự thành công của đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng thời số vũ khí được chi viện đã hỗ trợ rất đắc lực cho chiến trường miền Nam.

Cùng với các điểm bến khác, như: Phước Thiện, Rạch Cỏ, La Ghi, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước, Cồn Tàu, trong 3 năm từ 1963 đến 1966, tỉnh Trà Vinh đã đón nhận 16 chuyến tàu với trên 680 tấn vũ khí, trong đó bến Cồn Tàu đã tiếp nhận 10 chuyến tàu với trên 400 tấn vũ khí, góp phần đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi trong cuộc chiến không cân sức với đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều