Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển biến vì dân ở An Phước

09:10, 22/10/2014

Phòng họp của Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Phước (huyện Long Thành) dành một vị trí trang trọng để đặt bàn thờ Bác Hồ nhằm tưởng nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc.

Phòng họp của Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Phước (huyện Long Thành) dành một vị trí trang trọng để đặt bàn thờ Bác Hồ nhằm tưởng nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bí thư Đảng ủy xã An Phước Dương Quang Linh cho biết, việc đặt bàn thờ của Bác Hồ tại phòng họp chung còn để nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn nhớ đến những lời dặn trong Di chúc của Bác Hồ cũng như luôn có ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

* Chuyển biến ở An Phước

 Ông Trần Văn Điểm, ở ấp 8, cho biết cứ 7 giờ sáng vào các ngày làm việc, bộ phận một cửa, công an, quân sự, phòng tiếp dân của xã đã mở cửa để giải quyết yêu cầu của người dân. Cán bộ, công chức tiếp dân niềm nở, giải thích nhiệt tình và trả hồ sơ đúng hẹn, nhất là việc mở cửa làm việc sớm hơn quy định (quy định 7 giờ 30) giúp nhiều người không phải nghỉ việc để đi làm thủ tục.

Công an xã An Phước (huyện Long Thành) hướng dẫn người dân làm thủ tục .
Công an xã An Phước (huyện Long Thành) hướng dẫn người dân làm thủ tục .

Bên cạnh nỗ lực trong cải cách hành chính của chính quyền địa phương, hệ thống chính trị của xã đã tập trung vận động xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn đạt chuẩn theo quy định, cũng như tìm ra các giải pháp cụ thể chăm lo cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trương Phương Nam, ở ấp 6, chia sẻ cách đây 7 năm, ấp 6 còn là ấp khó khăn nhất của xã vì hầu hết các tuyến đường trong ấp đều là đường đất đỏ, đi lại rất khó khăn, nắng bụi, mưa lầy; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đến nay, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều tuyến đường trong ấp đã được bê tông, nhựa nóng. Nhiều hộ nghèo thoát nghèo nhờ được vay vốn ngân hàng và chuyển đổi nghề nghiệp từ làm nông nghiệp sang cho thuê nhà trọ. An Phước hiện chỉ còn 20 hộ nghèo, chiếm 0,33% tổng số hộ dân.

Đặc biệt, nguồn quỹ khuyến học ở địa phương đã giúp nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải nghỉ học giữa chừng. Nhờ đó, sau khi ra trường có việc làm, các em đã giúp gia đình thoát nghèo.

* Nhiều mô hình vì cộng đồng

Đồng chí Bùi Đình Duy, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã An Phước, cho biết những năm qua, xã đã triển khai thực hiện 9 mô hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có chung một đích vì cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội. Đơn cử như mô hình “Mỗi ngày làm một việc tốt vì cộng đồng” trong cán bộ, đảng viên. Theo đó đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên làm được việc tốt cho cộng đồng, như: tiết kiệm điện, nước, thu gom và xử lý rác thải tại chỗ, tham gia phát quang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương...

Nhiều năm liền, Đảng ủy xã An Phước đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của huyện. Theo Bí thư Đảng ủy xã An Phước Dương Quang Linh, có được kết quả này là nhờ Đảng ủy xã duy trì được sự đoàn kết trong nội bộ từ trên xuống dưới như lời căn dặn trong Di chúc của Bác Hồ “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Các tổ chức đoàn thể cũng triển khai nhiều mô hình vì cộng đồng. Cụ thể như mô hình “Nuôi heo đất xây dựng mái ấm tình thương” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã với trên 2 ngàn hội viên tham gia. Đến nay Hội đã tiết kiệm được trên 176 triệu đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp và xây 2 mái ấm tình thương cho hội viên nghèo. Hay như mô hình “Nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh xã đã đóng góp 13 triệu đồng để xây nhà đồng đội. Đặc biệt, các hội viên còn ủng hộ thường xuyên cho 7 hội viên có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 500 ngàn đồng.

Đặc biệt, mô hình “Chung tay xây dựng nông thôn mới” được nhân rộng trong tất cả đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Tổng số tiền cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp để xã hội hóa giao thông nông thôn lên đến gần 6,7 tỷ đồng và nhân dân hiến 2,9 hécta đất vườn để mở đường. Với gần 16km đường trục chính và trên 12km đường ngõ xóm được bê tông, nhựa nóng, bộ mặt xã An Phước đã có nhiều chuyển biến. Đầu năm 2014, xã An Phước là xã đầu tiên của huyện Long Thành được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới. 

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều