Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn giải pháp cho những vấn đề 'nóng' phát sinh

03:12, 06/12/2019

Ngày 5-12, tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề "nóng" phát sinh trên địa bàn tỉnh như: hàng loạt dự án chậm triển khai; tình trạng sử dụng ma túy trong các quán bar...

Ngày 5-12, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX tiếp tục các nội dung theo chương trình làm việc. Các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề “nóng” phát sinh trên địa bàn tỉnh như: hàng loạt dự án chậm triển khai; tình trạng sử dụng ma túy trong các quán bar, karaoke; xe đưa rước học sinh mất an toàn… và đề xuất nhiều giải pháp để xử lý.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Phạm Tùng

[links()]Thời gian qua, 3 vấn đề trên khá nổi cộm tại Đồng Nai vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, dư luận rất quan tâm. Nhiều cử tri bày tỏ mong muốn tỉnh sẽ có giải pháp xử lý triệt để những vấn đề trên nhằm đảm bảo an ninh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

* Phải rút giấy phép các quán bar “trá hình” và karaoke vi phạm

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 87 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm bị xử phạt, trong đó có 7 cơ sở để xảy ra thực trạng đối tượng sử dụng ma túy với số lượng lớn (tăng 3 cơ sở so với cùng kỳ năm 2018). Thực tế, nhiều quán chỉ được cấp phép kinh doanh ăn uống nhưng lại hoạt động kiểu quán bar “trá hình” khiến dư luận lo lắng.

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng thông tin tại buổi thảo luận. Ảnh: Huy Anh
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng thông tin tại buổi thảo luận. Ảnh: Huy Anh

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng thông tin rõ, tỉnh chỉ cấp phép kinh doanh cho 2 quán bar thuộc Khách sạn 57 và Khách sạn Central Park, nhưng vì xảy ra vi phạm nên cả 2 cơ sở này đã bị rút giấy phép kinh doanh. Còn lại các quán bar khác trên địa bàn tỉnh đều là các quán ăn kinh doanh “trá hình”.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng có hơn 800 hộ kinh doanh karaoke cá thể và nhiều hộ vì lợi nhuận đã tiếp tay cho các đối tượng sử dụng ma túy. “Các hộ kinh doanh karaoke chủ yếu do địa phương cấp phép, do đó khi phát hiện có đối tượng sử sụng ma túy có thể tiến hành thu hồi giấy phép. Hiện nay, các đối tượng sử dụng ma túy trong quán karaoke chủ yếu là ma túy tổng hợp. Với loại ma túy này, hiện vẫn chưa có liệu pháp điều trị cai nghiện hiệu quả nên bắt được đối tượng sử dụng ở quán này, đối tượng lại tìm đến quán khác” - ông Bằng cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, có 2 giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy hàng loạt là ngăn chặn được nguồn cung và hạn chế gia tăng đối tượng bị nghiện. Sở sẽ phối hợp với lực lượng công an, kịp thời phát hiện các cơ sở karaoke có đối tượng sử dụng ma túy để xử lý nghiêm. Đồng thời, Sở sẽ tạo ra những sân chơi lành mạnh để thanh, thiếu niên tham gia, tránh xa ma túy.

Đại biểu Lê Ngọc Minh, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Lê Ngọc Minh, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Tùng

Liên quan đến vấn nạn trên, Phó giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Kim khẳng định, có nhiều quán bar “trá hình”, quán karaoke trên địa bàn tỉnh có chứa chấp đối tượng sử dụng ma túy. Lực lượng công an nhiều lần phát hiện vây bắt nhưng các đối tượng khá tinh vi nên rất khó xử lý. Do đó, Công an tỉnh cũng đề xuất, các sở, ngành liên quan phải siết chặt công tác quản lý cấp phép kinh doanh các quán karaoke. Nếu phát hiện cơ sở kinh doanh karaoke lần thứ hai “tiếp tay” cho đối tượng sử dụng ma túy thì rút giấy phép kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đề xuất Trung ương bổ sung thêm những văn bản quy phạm pháp luật là trong cơ sở kinh doanh có ma túy thì phải xử lý hình sự. Phía ngành công an trong thời gian tới cũng sẽ tập trung lực lượng truy quét ma túy trong các quán karaoke để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

* Không để xe hết hạn đăng kiểm lưu thông

Mới đây, tại TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom gây xôn xao dư luận về việc 2 chiếc xe ô tô đang chở học sinh nhưng lại… đánh rơi học sinh xuống đường.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai chất vấn: “Từ vụ việc xe ô tô để văng học sinh xuống đường khi đang lưu thông, nhiều cử tri đặt ra câu hỏi về quản lý xe hết hạn sử dụng, xe hết hạn đăng kiểm như thế nào? Các cơ quan quản lý đã xử lý các phương tiện hết hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm ra sao?”.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, Sở liên tục thông báo cho ngành công an, các địa phương các phương tiện hết hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm. Trong đó, phương tiện hết hạn sử dụng trong 15 ngày các địa phương sẽ thu hồi biển số và một số giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, nhiều người dân có phương tiện đã đi khỏi địa phương nên việc thông báo rất khó khăn”.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành giải đáp vẫn đề xe hết hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành giải đáp vẫn đề xe hết hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm. Ảnh: Huy Anh

Ông Thành cũng cho biết thêm, thời gian qua đã có 48 phương tiện hết hạn sử dụng được đưa đi tiêu hủy. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cương kiểm tra các bến bãi, hợp tác xã để kịp thời xử lý các phương tiện hết hạn và nhắc nhở các chủ phương tiện đưa xe hết hạn đăng kiểm đi đăng kiểm lại. Các trường hợp hết hạn nhưng chưa đưa xe ô tô đi đăng kiểm sẽ bị xử phạt hành chính.

Phó giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Kim cho hay: “Những xe ô tô hết hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm nhưng chủ phương tiện cố tình chạy xe ra đường nếu phát hiện sẽ xử lý thật nghiêm. Vụ việc xe ô tô đánh rớt học sinh xuống đường Công an tỉnh sẽ phối hợp với ngành giao thông làm rõ sai phạm để xử lý. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng phối hợp với Sở Giao thông - vận tải thu hồi xử lý các phương tiện hết hạn đăng kiểm”.

Ông Kim cho rằng, thời gian qua tại Đồng Nai vẫn còn tình trạng vì quen biết đã nể nang, bỏ qua cho một số trường hợp vi phạm về đăng kiểm. Việc này sẽ được chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường chỉ đạo: “Xe hết hạn sử dụng phải phát hiện thu hồi kịp thời, không để lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông cho người đi đường. Với xe hết hạn đăng kiểm thì nên xử phạt nặng và buộc đăng kiểm kịp thời”.

Cần “gỡ khó” để xử lý các dự án kéo dài

Đồng Nai là nơi có hơn 2 ngàn dự án của cả Trung ương lẫn địa phương đang triển khai. Trong đó, có nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chính kéo dài vẫn là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch dự án...

Đại biểu Ngô Thế Ân, Chủ tịch HĐND huyện Long Thành nêu ý kiến, trong thời gian qua, nhiều dự án bằng nguồn vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách được đầu tư xây dựng một số công trình khi đưa vào sử dụng, khai thác đã phát huy hiệu quả và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án thực hiện chậm so với tiến độ đề ra, trong đó chủ yếu do vướng mắc về thủ tục bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Ngô Thế Ân, Chủ tịch HĐND huyện Long Thành nêu ý kiến tại buổi thảo luận
Đại biểu Ngô Thế Ân, Chủ tịch HĐND huyện Long Thành nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Huy Anh

“Chúng ta có dự án rồi nhưng không có mặt bằng, không có mặt bằng nên các bước tiếp theo phải chậm lại” - ông Ân nói. Nguyên nhân khiến cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, theo ông Ân có nhiều lý do như: phân cấp thực hiện, trình tự thủ tục, chính sách hỗ trợ còn bất cập.

Trong đó, khía cạnh bất cập về chính sách là nguyên nhân gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Chế độ chính sách về công tác bồi thường hiện nay đang thực hiện theo Luật Đất đai, trong đó có nội dung bồi thường, hỗ trợ tái sản xuất của các hộ gia đình có sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, hộ nào sản xuất trực tiếp nông nghiệp, sống từ sản phẩm nông nghiệp thì được hỗ trợ thêm để tái sản xuất bằng suất hỗ trợ bằng 1,5 lần giá bồi thường. Phần hỗ trợ này có giá trị rất lớn, nhưng khi thực hiện thì lại giao hết cho các xã, mà trực tiếp là Hội Nông dân xã xác nhận hộ nào tham gia sản xuất nông nghiệp trực tiếp. Đây là một “kẽ hở” trong chính sách, trong quản lý dẫn đến việc có thực trạng “muốn cho có là có, cho không là không”.

Do đó, đại biểu Ngô Thế Ân cho rằng, cần xem xét theo hướng đã là đất nông nghiệp nếu như không bỏ hoang có cho ra sản phẩm nông nghiệp và là tài sản của một hộ gia đình, cá nhân thì dù họ không trực tiếp sản xuất nhưng có thể thuê mướn lao động để sản xuất và sản phẩm nông nghiệp vẫn được đưa ra xã hội thì được hưởng chính sách hỗ trợ.

Trả lời kiến nghị của đại biểu Ngô Thế Ân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng phần hỗ trợ thêm là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người có lao động trực tiếp trên mảnh đất của mình. Nghĩa là một người là nông dân, khi bị thu hồi đất, không có điều kiện làm nông dân nữa nên chuyển sang làm công nhân, tiểu thương thì mới hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Thực tế, có trường hợp ở TP.Hồ Chí Minh sở hữu đất ở Đồng Nai và cho người khác thuê sản xuất thì không thể hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp được.

Hương Giang - Phạm Tùng

Tin xem nhiều