Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp dân yên tâm ở nhà chống dịch

11:08, 27/08/2021

Để không người dân nào bị đói, bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội...

Để không người dân nào bị đói, bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm giúp người dân yên tâm ở trong nhà; tin tưởng, đồng hành với Đảng và Nhà nước để sớm khống chế được dịch bệnh, trở về cuộc sống bình thường.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Trần Đức Hòa (phải) tặng quà cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh địa phương cung cấp
Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Trần Đức Hòa (phải) tặng quà cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh địa phương cung cấp

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị bí thư các cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để cam kết không để người dân nào thiếu đói trong lúc này. Đó là cam kết bằng cả tấm lòng, trách nhiệm của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh với nhân dân.

* Cung cấp kịp thời gạo và nhu yếu phẩm cho nhân dân

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho biết, tính đến ngày 25-8, toàn huyện có 1.773 trường hợp nhiễm SARS-Cov-2; 24 vùng bị phong tỏa tại các xã, thị trấn với 38.299 hộ và 133.895 nhân khẩu. Thời gian qua, Ban thường vụ Huyện ủy đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị địa phương trên địa bàn thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp thực tế của huyện.

Một mặt tập trung chống dịch, mặt khác Ban thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và hệ thống chính trị tập trung chăm lo đời sống nhân dân, nhất là những vùng bị phong tỏa, cách ly y tế, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị mất việc làm, người yếu thế, y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu bị nhiễm Covid-19.

Tuyệt đối không để người dân bị đói

Theo Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không để người dân bị đói. Các bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo việc này. Nếu để một hộ dân nào đói thì bí thư phải chịu trách nhiệm. Mỗi xã, phường phải có kho lương thực và phải có nguồn quỹ để hỗ trợ ngay những hộ dân đang gặp khó khăn. Bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thành lập tổ công tác đưa những người lang thang trở về nhà, hoặc vào các cơ sở bảo trợ, không để ảnh hưởng đến xã hội, vì nếu họ là F0 thì rất nguy hiểm cho cộng đồng. Phải xem họ là nạn nhân để hết lòng, hết sức giúp đỡ. Khi giải quyết các vấn đề xã hội phải ứng xử vừa nhân văn, vừa xử lý quyết liệt để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, huyện đã hỗ trợ 4.113 đối tượng với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ cho 2.368 đối tượng với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.

Huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh đã phân bổ 18,173 tấn gạo cho huyện. Sau khi nhận được gạo, huyện đã đưa ngay về các xã, thị trấn để phát đến người dân với 7,5kg/người. Để đảm bảo không một người dân nào bị thiếu đói trong lúc này, huyện tiếp tục đề xuất với tỉnh hỗ trợ 142,47 tấn gạo để hỗ trợ cho 9.498 người dân
trên địa bàn huyện.

Cùng với việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, huyện đã tích cực vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho nhân dân. Đến nay, huyện đã vận động được hơn 128 tấn gạo; hơn 1.300 thùng mì gói; hơn 236 tấn rau củ; 8,6 tấn thịt, cá; 96.340 suất cơm… “Các cơ quan, đơn vị của huyện thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân và theo dõi thông tin trên Facebook để kịp thời giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Qua nắm bắt tình hình, huyện nhận thấy trẻ em đang rất cần sữa uống nên đã vận động được 20 thùng sữa tươi cho trẻ em” - Bí thư Huyện ủy Trảng Bom thông tin.

Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng chia sẻ, thời gian qua, huyện đã nỗ lực để thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Đến nay, huyện đã thực hiện chi trả cho 100% lao động tự do bị mất việc và các đối tượng đặc thù theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Huyện đang trình tỉnh để hỗ trợ tiếp hơn 4 ngàn trường hợp. Ngoài việc được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho người dân với tổng trị giá hàng hóa và tiền mặt hơn 16 tỷ đồng. Khi nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, huyện và xã chuyển ngay tới tay người dân. Do đó, huyện đã đảm bảo được công tác an sinh xã hội trên địa bàn, kịp thời giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các khu nhà trọ tập trung đông người, công nhân lao động bị mất việc làm…

Không chỉ lo cho người dân không bị thiếu đói, Bí thư Huyện ủy Long Thành còn kiến nghị với tỉnh chỉ đạo các ngân hàng trong thời gian này khi khách hàng đến kỳ trả nợ, đáo hạn thì cần gia hạn, vì toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

* Nỗ lực chăm lo cho nhân dân

Là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động đến làm việc nên toàn H.Nhơn Trạch có 41.420 phòng trọ. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều công ty phải ngừng sản xuất để chống dịch nên nhiều công nhân không có việc làm, thu nhập giảm sút. Để giúp đỡ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và công nhân lao động trên địa bàn huyện, các cơ quan, đơn vị của huyện và xã, thị trấn đã kịp thời vận động được 250 tấn gạo và các loại nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ người dân. Đến nay, mỗi hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, công nhân trong các khu nhà trọ được nhận từ 1-2 phần quà. Đồng thời, huyện cũng đã vận động được 260 triệu đồng hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và tiếp nhận 585 triệu đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để giúp các hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Huyện cũng đã thành lập các đường dây nóng trên lĩnh vực an sinh xã hội và y tế để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người dân khi có nhu cầu. Theo đó, đường dây nóng ở huyện có các số điện thoại của đồng chí Bí thư, Phó bí thư thường trực Huyện ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện và trưởng, phó các cơ quan, đơn vị của huyện. Đối với cấp xã, đường dây nóng là các số điện thoại của đồng chí bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và chủ tịch ủy ban MTTQ, các đoàn thể, y tế, công an, quân sự…

Thiếu tướng VŨ HỒNG VĂN, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội lúc này là điều kiện rất quan trọng để người dân đồng lòng, yên tâm vào công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và ngành chức năng. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Địa phương nào làm không tốt chính sách an sinh xã hội sẽ khó tránh khỏi phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Các số điện thoại được công bố rộng rãi để nhân dân biết, liên hệ khi cần thiết. Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ nhận định, hiện nay đời sống nhân dân ở các khu dân cư của huyện ổn định; các khu nhà trọ, người dân có hoàn cảnh khó khăn đã cơ bản được đáp ứng đủ nhu yếu phẩm. Huyện đang tiếp tục huy động các nguồn lực để chăm lo cho nhân dân, giúp người dân yên tâm chống dịch.

Tại H.Cẩm Mỹ, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội để góp phần cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao. Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành khẳng định, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, trên địa bàn huyện không có hộ đói. Toàn huyện có 750 hộ nghèo và cận nghèo đều được hỗ trợ gạo và các loại lương thực, thực phẩm khác.

Đối với các hộ trong khu phong tỏa, cách ly y tế cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức xã hội, mạnh thường quân. Đến nay, huyện đã nhận được các nguồn hỗ trợ hơn 100 tấn gạo, 150 tấn rau củ quả, hơn 10 ngàn phần quà… Tất cả gạo và quà đều được chuyển tới người dân, đảm bảo không người dân nào bị đói trong lúc này. Nếu phát hiện người dân nào đói, huyện hỗ trợ ngay.

Trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và các huyện, thành phố, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần lan tỏa tinh thần nhân văn, có trách nhiệm thông tin, kết nối, khi thấy các trường hợp cần giúp đỡ thì báo ngay đến cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời. Cán bộ cơ sở cần đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để xem hộ nào có khó khăn mà chưa được giúp đỡ thì bổ sung, đưa vào danh sách giúp đỡ ngay, trong đó đặc biệt quan tâm đến các khu nhà trọ, công nhân lao động nghèo để không bỏ sót một ai bị đói.

Phương Hằng

Tin xem nhiều