Báo Đồng Nai điện tử
En

Kể chuyện bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người con bất tử

03:07, 27/07/2022

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhiều người đã nằm lại trong lòng đất mẹ khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng hình ảnh của các anh mãi mãi sống trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhiều người đã nằm lại trong lòng đất mẹ khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng hình ảnh của các anh mãi mãi sống trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.

Các đại biểu tham quan triển lãm Huyền thoại Mẹ tại Thư viện tỉnh
Các đại biểu tham quan triển lãm Huyền thoại Mẹ tại Thư viện tỉnh. Ảnh: M.NY

Những câu chuyện về các liệt sĩ, các thương binh, câu chuyện về cuộc đời, sự cống hiến của các bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) trên mảnh đất Đồng Nai đã và đang được kể đến các tầng lớp nhân dân, với các thế hệ trẻ.

70 câu chuyện về mẹ VNAH

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, Thư viện tỉnh đã tổ chức triển lãm ảnh Huyền thoại Mẹ. Triển lãm trưng bày 70 hình ảnh về mẹ VNAH tỉnh Đồng Nai, bên cạnh mỗi bức chân dung đều có chú thích rõ về họ tên, địa chỉ và những cống hiến của các mẹ trên mảnh đất Đồng Nai. Các thông tin được viết nên từ đức hy sinh, mồ hôi, nước mắt và máu mà các mẹ đã trải qua. Có mẹ dù không sinh ra ở Đồng Nai nhưng đã xem Đồng Nai là quê hương ruột thịt, cùng với gia đình vượt qua bom đạn chiến tranh, vượt qua sự nghèo đói, lạc hậu, nhẫn nại, dũng cảm và kiên cường trước nỗi đau khi chồng, con hy sinh trên chiến trường…

Thường xuyên tham gia các hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, cựu chiến binh PHAN THỊ DIỆU (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mỗi lần có dịp đến dâng hương cho đồng đội, nhất là trong ngày 27-7, trong lòng chúng tôi lại dâng lên niềm cảm xúc bâng khuâng, thương nhớ, xen lẫn tự hào, bởi vì xương máu của đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để có được hòa bình. Mong các anh yên nghỉ, những người còn sống như chúng tôi có trách nhiệm sẽ tiếp bước truyền thống ấy”.

Đó là câu chuyện của mẹ Lê Thị Khánh sinh ra tại làng Mỹ Khánh (nay thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Cách mạng Tháng Tám thành công, 3 người con của mẹ đều tham gia dân quân du kích xã, bản thân Mẹ Khánh thường xuyên góp tiền, góp gạo để nuôi du kích hằng ngày luyện tập quân sự. Năm 1950, địch đóng tua bót dày đặc trên đất Biên Hòa, con trai cả của mẹ trong một trận chống càn đã hy sinh. Nuốt nỗi đau vào trong, Mẹ Khánh vay nợ ở Sài Gòn để phục vụ kháng chiến và nuôi các con. Đến năm 1951, Mẹ Khánh tiếp tục đón tin dữ khi con trai Tư Đức - Trưởng đoàn vũ trang tuyên truyền số 4 TX.Biên Hòa hy sinh.

Đó còn là câu chuyện về Mẹ Đào Thị Bía, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương. Năm 1936, vợ chồng Mẹ Bía vào Nam, làm cao su ở đồn điền Quản Lợi (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, gia đình Mẹ Bía chuyển về đồn điền cao su Cẩm Mỹ sinh sống và làm việc. 4 người con của mẹ đều tham gia du kích. Trong khoảng thời gian từ năm 1972, mẹ Bía lần lượt nhận tin hy sinh của chồng và 2 con trai. Bản thân mẹ cũng bị địch bắt giam và tra tấn dã man, song nỗi đau da thịt không “quật ngã” được người mẹ anh hùng. Mẹ Bía vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, tiếp tục lao động, cống hiến cho đến ngày đất nước hòa bình, non sông thu về một mối.

Hiểu hơn sự hy sinh của những người đi trước

Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành cho biết, 70 câu chuyện của các mẹ VNAH trưng bày tại Thư viện tỉnh đã và đang mang đến cho người xem nhiều cảm xúc khác nhau. Những đau thương, mất mát lớn lao của những bà mẹ VNAH như Mẹ Khánh, Mẹ Bía… được kể chuyện dù bằng cách gián tiếp qua hình ảnh trưng bày cũng sẽ góp phần giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về sự hy sinh của những người đi trước.

“Ngoài triển lãm ảnh Huyền thoại Mẹ, Thư viện tỉnh còn thực hiện và công chiếu phim tư liệu chủ đề Anh hùng đất Đồng Nai; trưng bày và xếp hơn 500 bản sách nghệ thuật với 3 tiêu đề chính: Những linh hồn bất tử vì Tổ quốc; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Chân dung những bà mẹ VNAH; nói chuyện chuyên đề... Các hoạt động được tổ chức một cách trang trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, đạo lý uống nước nhớ nguồn với thương binh, gia đình liệt sĩ, những người đã hiến dâng cuộc đời và một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc” - ông Thành chia sẻ.

Em Vũ Thị Thu An, học sinh lớp 7, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) cho hay: “Những ngày nghỉ hè, được đến Thư viện tỉnh đọc sách, tham quan và nghe, xem thuyết minh, giới thiệu mẹ VNAH Đồng Nai, em cảm thấy rất xúc động và biết ơn. Câu chuyện về cuộc đời, nỗi đau, sự hy sinh không mệt mỏi của các mẹ đã chạm đến trái tim của em và rất nhiều người đến tham quan triển lãm”.

Tri ân “những linh hồn bất tử”...

Nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, nhiều năm nay, trong khuôn viên gia đình cựu chiến binh Đặng Trọng Thành (KP.5, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) dành căn phòng trang trọng nhất để thờ các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn Đặc công 113 hy sinh tại Biên Hòa. Ông Thành cho hay, những năm 2000, ông cùng với đồng đội đi tìm các phần mộ liệt sĩ trong đơn vị, sau đó đem bài vị liệt sĩ về thờ cúng tại nhà.

Học sinh tham quan mô hình xếp sách nghệ thuật chủ đề Những linh hồn bất tử tại Thư viện tỉnh
Học sinh tham quan mô hình xếp sách nghệ thuật chủ đề Những linh hồn bất tử tại Thư viện tỉnh

“Hiện tại, trong gia đình tôi thờ 40 bài vị liệt sĩ, đó phần lớn là những đồng đội của tôi đã hy sinh trong thời điểm ngày 30-4 lịch sử. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, tôi thường xuyên tổ chức hoạt động dâng hương, làm mâm cơm cúng giỗ anh hùng, liệt sĩ ngay tại nhà để các cựu chiến binh cùng ngồi lại với nhau, ôn lại quá khứ hào hùng và những kỷ niệm với người đã khuất. Tôi xem việc thờ cúng liệt sĩ là một phần của đời mình, là sự tri ân sâu sắc…” - ông Thành nói.

Là người lính từng đi qua các cuộc kháng chiến như:  chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, giải phóng Campuchia, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) hiểu rõ những mất mát, hy sinh của đồng đội trên chiến trường. Bởi vậy, ông cho rằng bổn phận là người lính trở về sau chiến tranh, ông phải kết nối với đồng đội để thực hiện những việc tri ân anh hùng, liệt sĩ. Trong đó, có việc vận động xây dựng tượng đài liệt sĩ Đoàn Đặc công 113 (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa); tổ chức các chuyến đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…

Ông Hoàn bộc bạch: “Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cá nhân, đơn vị liên quan khôi phục tên liệt sĩ trong các nghĩa trang ở Trảng Bom, Long Khánh. Mới đây nhất (tháng 6-2022), chúng tôi tổ chức lễ bàn giao tên liệt sĩ (đã bị thất lạc) cho các thân nhân tại H.Định Quán. Suốt mấy chục năm qua, thân nhân của các liệt sĩ đã chờ đợi trong vô vọng, nhờ sự kết nối ấy mà họ tìm lại được danh sách người thân của mình và đón nhận”.

Để kể lại những câu chuyện về thời chiến, về những đồng đội đã hy sinh, quá trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trả lại tên cho các anh…, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn đã tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về thương binh, liệt sĩ cho thanh thiếu nhi tại Thư viện tỉnh trong ngày 26-7. Theo ông Hoàn, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn song các đối tượng thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống ngày càng cải thiện. Đặc biệt, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung, diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả, phần nào sưởi ấm những mất mát, hy sinh.

“Trên chặng đường dài qua các cuộc kháng chiến, hàng triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Đó là những linh hồn bất tử, thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp tục nỗ lực, ra sức học tập, phấn đấu, phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ cha ông đi trước; ra sức rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh” - ông Hoàn bày tỏ.

My Ny

Tin xem nhiều