Báo Đồng Nai điện tử
En

Những thương binh, bệnh binh"tàn nhưng không phế"

03:07, 27/07/2022

Năm nay, những cựu chiến binh đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh đã ở vào tuổi 70, 80, 90 năm của cuộc đời. Tuy tuổi cao và chịu nhiều thương tật do chiến tranh song mỗi người vẫn thể hiện tinh thần nhiệt huyết của người lính khi tiếp tục đóng góp vào xây dựng địa phương...

Năm nay, những cựu chiến binh đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh đã ở vào tuổi 70, 80, 90 năm của cuộc đời. Tuy tuổi cao và chịu nhiều thương tật do chiến tranh song mỗi người vẫn thể hiện tinh thần nhiệt huyết của người lính khi tiếp tục đóng góp vào xây dựng địa phương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, kết nối cộng đồng dân cư thực hiện các công trình công cộng.

Bệnh binh hưởng chế độ thương tật 61% Lê Văn Châu (ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) sửa lại bóng đèn chiếu sáng trên tuyến đường khu dân cư
Bệnh binh hưởng chế độ thương tật 61% Lê Văn Châu (ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) sửa lại bóng đèn chiếu sáng trên tuyến đường khu dân cư. Ảnh: S.THAO

Nỗ lực giữa đời thường

Ông Lê Văn Châu (quê tỉnh Nghệ An, hiện ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) là bệnh binh đang hưởng chế độ thương tật 61%.

Ông Châu cho hay, 3/4 anh chị em ông đều hoạt động kháng chiến. Riêng bản thân ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau khi trở về từ chiến trường, ông tiếp tục tham gia công tác trong quân ngũ, rồi đoàn thể ở địa bàn dân cư. Năm 2006, ông theo gia đình từ tỉnh Nghệ An đến Đồng Nai sinh sống.

Thương binh PHÙNG THỊ THẬN cùng gia đình mỗi năm ủng hộ từ 20-50 triệu đồng để cùng địa phương, đoàn thể, tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn. “Trong khả năng của bản thân và gia đình, tôi cố gắng giúp đỡ những người kém may mắn trong cuộc sống” - bà Thận nói.

Khi sinh sống tại Đồng Nai, người cựu chiến binh, thương binh 70 tuổi đời, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng này tiếp tục tham gia hoạt động hội đoàn thể tại ấp Thọ Chánh, xã Xuân Thọ. Những năm qua, ông là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cựu chiến binh, ông đã vận động bà con trong tổ nhân dân do mình làm tổ trưởng thực hiện xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn.

Cụ thể, ông cùng 41 hộ dân cùng đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng từ năng lượng mặt trời. Qua vận động của ông, những người có điều kiện tự nguyện đóng góp cao hơn mức trung bình để choàng gánh giúp gia đình khó khăn hơn. Tổ nhân dân do ông phụ trách định kỳ ra quân phát quang bụi rậm, chăm sóc hoa, cây xanh mỗi tháng/lần. Hay khi bóng đèn chiếu sáng ở vị trí nào hư hỏng, ông đều chủ động đến kiểm tra, sửa chữa. Hoặc những lần đi đường thấy cỏ hai bên đường mọc cao, nhánh cây sà ra đường, ảnh hưởng đến việc di chuyển của bà con, ông lại chủ động lấy máy cắt cỏ, cưa để cùng con trai phát dọn cho gọn gàng.

Theo bà Huỳnh Thị Hương Ngọc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Thọ, cùng với tích cực trong hoạt động địa bàn dân cư, ông Châu còn là tấm gương sáng trong việc quan tâm, hỗ trợ người khó khăn thông qua vận động người dân chung tay cùng tổ chức Hội trợ giúp người khó khăn ở cộng đồng.

Tương tự, thương binh 3/4 Nguyễn Doanh đang từng ngày tham gia đóng góp vào sự ổn định ở địa bàn dân cư với vai trò Trưởng KP.1, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa).

Ông Doanh chia sẻ, ông bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau khi về nước, ông tiếp tục tham gia phục vụ trong quân đội một thời gian rồi mới nghỉ hưởng chế độ. Về với cuộc sống đời thường, ông tiếp tục được chính quyền địa phương, người dân tín nhiệm giao vai trò trưởng khu phố và Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố.

Ở tuổi gần 70, song ông Doanh sử dụng thành thạo phần mềm tin học nên được người dân, hội đoàn thể khu phố nhờ trợ giúp khi có việc cần. Để công việc phục vụ bà con thêm thuận tiện, ông mua và mang máy vi tính, máy in đến văn phòng khu phố để vừa có phương tiện làm việc, vừa phục vụ miễn phí cho người dân.

Ông Doanh cho biết thêm, khu phố có nhiều trục đường chính chạy qua như: Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận, Dương Bạch Mai… Đây cũng là vị trí mà nhiều người sử dụng để treo dán đủ loại quảng cáo mua bán nhà đất, khoan hút hầm cầu, cho vay tiền…, gây mất mỹ quan đô thị. Do vậy, để cải thiện hình ảnh, ông cùng chi bộ, ban ấp vận động người dân định kỳ ra quân bóc, tách quảng cáo, tờ rơi trên trụ điện, thân cây xanh và dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, mỗi năm với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu phố, ông vận động từ 20-30 phần quà để trao cho bà con hoàn cảnh khó khăn.

Vươn lên và trợ giúp cộng đồng

Cùng với việc đảm nhận vai trò trưởng các tổ chức hội đoàn thể, nhiều thương binh, bệnh binh còn vượt khó xây dựng đời sống kinh tế gia đình và trợ giúp thực hiện các vấn đề an sinh xã hội.

Thương binh 3/4 Nguyễn Doanh, Trưởng KP.1, P.Tân Mai, TP.Biên Hòa bên máy vi tính, máy in do ông bỏ tiền mua để phục vụ công việc chung
Thương binh 3/4 Nguyễn Doanh, Trưởng KP.1, P.Tân Mai, TP.Biên Hòa bên máy vi tính, máy in do ông bỏ tiền mua để phục vụ công việc chung

Bà Phùng Thị Thận, thương binh 81%, đang sinh sống tại P.Xuân Hòa (TP.Long Khánh) là một trong số đó. Bà Thận chia sẻ, bà xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng với 7 thành viên đều tham gia cách mạng. Trong đó, cha bà là cán bộ tiền khởi nghĩa; mẹ bà hoạt động cách mạng. Gia đình có người là liệt sĩ, là thương binh, là cựu tù chính trị bị địch bắt tù đày.

Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ở tuổi gần 70, bà tiếp tục thử sức với vai trò kinh doanh. Hiện cơ sở vận tải, kinh doanh xăng dầu của bà đang tạo việc cho 20 lao động cố định cùng hơn 30 người làm việc thời vụ. Khi kinh tế gia đình ổn định, bà Thận có thêm điều kiện tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.

Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Chủ tịch UBND P.Xuân Hòa, những năm qua, trước mỗi đợt tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, bà Thận đều chủ động tìm đến liên hệ với UBND phường để trao tặng quà động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Số quà này được trích từ tiền lương hưu của bà Thận.

Tương tự, cựu chiến binh - thương binh 4/4 Nguyễn Văn Khoanh (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cũng trở thành tấm gương sáng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của một gia đình có công.

Ông Khoanh nói: “Cha tôi tham gia nuôi giấu cách mạng. Anh và em trai tôi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau chiến tranh, ai cũng khó khăn và bắt tay xây dựng lại cuộc sống. Gia đình người có công cũng không là ngoại lệ. Mình còn phải nỗ lực nhiều hơn so với những gia đình khác để thể hiện được sự kiên trì, quyết tâm xây dựng cuộc sống tốt đẹp; đồng thời, nhắc nhở con cháu làm ăn lương thiện, chấp hành tốt quy định của pháp luật”.

Từ một hộ thiếu ăn, ở nhà tạm trước kia, nay gia đình ông Khoanh và các con đã có cuộc sống ổn định. Nhiều thành viên gia đình ông đang tham gia công tác đoàn thể xã hội ở địa phương, tiếp nối truyền thống gia đình cống hiến xây dựng quê hương.

Sông Thao

Tin xem nhiều