Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày tập kích thắng lợi vào sân bay Biên Hòa (11-5-1967 - 11-5-2007)
Tự hào là những cựu chiến binh trung đoàn 724

04:05, 04/05/2007

Sân bay Biên Hòa sau hai lần bị bộ đội đặc công và pháo binh (súng cối) của ta tập kích (tháng 10-1964 và tháng 8-1965) gây thiệt hại nặng nên địch đã phải tăng cường phòng bị và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Để có thể tấn công vào sân bay chiến lược này, bộ đội ta phải sử dụng đến tên lửa với tầm bắn trên chục cây số, vì không thể tiếp cận được mục tiêu như trước. Và Trung đoàn pháo hỏa tiễn 724 được chi viện từ miền Bắc vào đã một lần nữa dội bão lửa lên căn cứ không quân Biên Hòa vào ngày 11-5-1967 gây thiệt hại lớn cho địch.

Máy bay Mỹ bị cháy rụi một đợt quân giải phóng pháo kích sân bay Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa sau hai lần bị bộ đội đặc công và pháo binh (súng cối) của ta tập kích (tháng 10-1964 và tháng 8-1965) gây thiệt hại nặng nên địch đã phải tăng cường phòng bị và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Để có thể tấn công vào sân bay chiến lược này, bộ đội ta phải sử dụng đến tên lửa với tầm bắn trên chục cây số, vì không thể tiếp cận được mục tiêu như trước. Và Trung đoàn pháo hỏa tiễn 724 được chi viện từ miền Bắc vào đã một lần nữa dội bão lửa lên căn cứ không quân Biên Hòa vào ngày 11-5-1967 gây thiệt hại lớn cho địch. Cũng vào dịp này hàng năm, Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn thường tổ chức họp mặt truyền thống đơn vị.

Trung đoàn pháo hỏa tiễn 724 được thành lập tại làng Xa Cát, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây vào năm 1965 với gần 1.500 cán bộ chiến sĩ. Đây là đơn vị pháo hỏa tiễn mang vai đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tầm bắn của loại hỏa tiễn này xa trên 11.000 mét rất phù hợp với chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Trung đoàn hành quân từ tháng 3-1966 đến tháng 10-1966 thì đến  Chiến khu Đ.

Sân bay Biên Hòa lúc đó là sân bay quân sự chiến lược của  Mỹ ở miền Nam. Diện tích sân bay rộng hơn 20 cây số vuông với nhiều khu vực để các loại máy bay, thường xuyên có từ 200 chiếc máy bay trở lên. Quân số ở đây có khoảng 5.000 gồm giặc lái, nhân viên kỹ thuật và quân số của nhiều đơn vị. Ngoài ra, địch còn bố trí các đơn vị lính dù, biệt động quân, pháo binh, xe bọc thép... trực tiếp bảo vệ sân bay. Bao bọc sân bay là nhiều lớp hàng rào kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp và chúng gài đủ loại mìn để ngăn bộ đội đặc công của ta xâm nhập. Bên ngoài sân bay còn có nhiều đồn bót, có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho sân bay Biên Hòa.

Vào đầu tháng 5-1967, toàn Trung đoàn 724 được lệnh tập trung để chuẩn bị trận đánh vào sân bay Biên Hòa. Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho Quân khu miền Đông chỉ đạo các đơn vị chủ lực cùng bộ đội địa phương hợp đồng tác chiến, hỗ trợ cho Trung đoàn pháo hỏa tiễn 724 hoàn thành nhiệm vụ. Điều trọng yếu nhất là phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn cho loại vũ khí mới của quân đội ta lần đầu tiên sử dụng ở chiến trường miền Nam. Ngày 10-5-1967, trung đoàn rời căn cứ thẳng tiến về hướng sân bay Biên Hòa. Chiều ngày 11-5-1967, các tiểu đoàn 1,2,3 của trung đoàn đã chiếm lĩnh trận địa. Đến khoảng 20 giờ, các đơn vị này đã chuẩn bị xong các thiết bị kỹ thuật pháo, tiếp nhận đạn hỏa tiễn, mắc nối xong hệ thống thông tin... Đến 22 giờ 50, ở tất cả các trận địa, hỏa tiễn đã lên dàn phóng chỉ chờ lệnh khai hỏa từ Sở chỉ huy. Đúng 23 giờ, toàn tuyến trận địa dài hơn 1 km dọc sông Đồng Nai thuộc các xã Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang... đồng loạt gầm vang tiếng pháo của 54 khẩu hỏa tiễn ĐKB của Trung đoàn 724. Cả trận địa bừng lên ánh sáng rực lửa của hỏa tiễn bay vút vào sân bay Biên Hòa. Cả sân bay như chìm trong lửa đỏ  với những cột khói bốc cao hàng trăm mét. Các đám cháy sân bay làm sáng rực cả một góc trời. Thị xã Biên Hòa lúc đó rung lên trong những tiếng nổ của đạn pháo bộ đội ta và tiếng nổ của bom đạn địch bị phá hủy. Sau 15 phút dội bão lửa vào căn cứ không quân Biên Hòa, bộ đội Trung đoàn nhanh chóng thu dọn trận địa và rút quân về căn cứ an toàn. Quân địch vẫn còn ngỡ ngàng, choáng váng vì đòn tập kích bất ngờ của bộ đội ta. Sáng ngày 12-5-1967, sân bay Biên Hòa bị tê liệt hoàn toàn và vẫn còn chìm trong khói lửa. Trận tập kích đã phá hủy 150 máy bay Mỹ, cùng nhiều phương tiện kỹ thuật chiến tranh, kho tàng, vũ khí, khí tài của địch. Có hơn 800 tên địch bị tiêu diệt, trong đó chủ yếu là giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ. Ngày 14-5-1967, toàn Trung đoàn 724 về đến căn cứ an toàn. Các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới đều đưa tin về trận tập kích của Quân giải phóng vào sân bay Biên Hòa vào đêm 11-5-1967.

Dàn phóng pháo ĐKB và đạn hỏa tiễn trưng bày ở nhà bảo tàng Đồng Nai.

Ông Lê Hải Lý, nguyên là cán bộ thông tin của Trung đoàn 724 hiện là giám đốc Công ty phát hành sách Đồng Nai cho biết: Do yêu cầu của chiến trường, đến năm 1971 đơn vị pháo hỏa tiễn này đã giải thể. Tuy đơn vị không còn, nhưng hàng năm các cựu chiến binh của Trung đoàn đều gặp nhau vào ngày kỷ niệm pháo kích sân bay chiến lược của địch để ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị. Đến nay, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 724 đã tổ chức được 2 lần họp mặt kỷ niệm 30 năm và 35 năm ngày tập kích vào sân bay Biên Hòa. Quân số trung đoàn hiện nay còn khoảng 300 người ở cả hai miền Nam, Bắc. Năm nay, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho các CCB Trung đoàn 724 họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày tập kích sân bay Biên Hòa. Sự ưu ái này đã tạo nên niềm khích lệ cho các CCB trở lại chiến trường xưa, ôn lại truyền thống của đơn vị và niềm tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

            Thanh Toàn

 

 

Tin xem nhiều