Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự kiên quyết cần thiết

09:04, 12/04/2019

Lần đầu tiên, tại Đồng Nai đã áp dụng biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài.

Lần đầu tiên, tại Đồng Nai đã áp dụng biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài. Đó là cấm xuất cảnh tạm thời với người đại diện theo pháp luật của 6 doanh nghiệp đang phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do nợ bảo hiểm cho đến khi trả hết nợ.

Biện pháp này bước đầu tỏ ra có hiệu quả khi chủ một doanh nghiệp là người Hàn Quốc sau khi bị cấm xuất cảnh đã chịu nộp hơn 4,7 tỷ đồng trong tổng số nợ 9,8 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 911 lao động.

Các đơn vị chức năng của Đồng Nai đã làm việc với hệ thống ngân hàng để tiến hành cưỡng chế, khấu trừ tiền nợ bảo hiểm khi tài khoản doanh nghiệp có tiền. Tỉnh cũng kiên quyết chuyển sang cơ quan công an xem xét, xử lý 7 doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ nhiều, nợ lâu tiền bảo hiểm của người lao động. Trong đó có những doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm của người lao động gần 20 tỷ đồng, kéo dài 3-4 năm và mặc dù được nhắc nhở, xử phạt hành chính nhiều lần vẫn không chấp hành.

Sở dĩ Đồng Nai áp dụng các biện pháp mạnh trong xử lý nợ bảo hiểm là do thời gian qua đã có những bài học cho thấy nếu không kiên quyết, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt thòi nhiều nhất không chỉ là người lao động mà còn liên quan đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Sau hơn 1 năm chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) bỏ về nước, việc giải quyết hậu quả cho đến nay vẫn chưa xong. Người lao động thì mong ngóng cơ quan chức năng sớm giải quyết được phần nào số tiền nợ lương, nợ bảo hiểm mà doanh nghiệp nợ, còn địa phương phải tìm giải pháp phù hợp nhất có thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động…

Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định rõ tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với mức phạt tiền cao nhất từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm đối với các hành vi: trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên, không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng tùy mức độ vi phạm.

Rõ ràng là luật đã quy định rất rõ. Vấn đề còn lại là sự phối hợp giải quyết xử lý ra sao để vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền lợi của người lao động vừa giữ vững môi trường đầu tư an toàn, biểu dương được những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại.    

Minh Ngọc

Tin xem nhiều