Báo Đồng Nai điện tử
En

Thuốc đắng dã tật

10:11, 21/11/2016

1,2 triệu người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của 67 công ty có giấy phép kinh doanh hàng hóa theo mô hình đa cấp tại Việt Nam trong năm 2015 là số liệu do Bộ Công thương công bố. Đến nay, sau 11 tháng thanh tra, kiểm tra gắt gao, Bộ đã rút giấy phép của 25/67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên cả nước và số người tham gia mạng lưới này giảm 57%, còn lại nửa triệu người.

1,2 triệu người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của 67 công ty có giấy phép kinh doanh hàng hóa theo mô hình đa cấp tại Việt Nam trong năm 2015 là số liệu do Bộ Công thương công bố. Đến nay, sau 11 tháng thanh tra, kiểm tra gắt gao, Bộ đã rút giấy phép của 25/67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên cả nước và số người tham gia mạng lưới này giảm 57%, còn lại nửa triệu người.

Đây quả là một nỗ lực lớn của cơ quan chủ quản sau khi có quá nhiều thông tin phản ánh về những hoạt động biến tướng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo mô hình đa cấp. Theo Bộ Công thương, từ tháng 6-2015 đến tháng 11-2016, Bộ đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng. Bộ đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp. Cũng trên trang web của Bộ, số liệu cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công thương đã tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công thương ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với 65 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là gần 4 tỷ đồng.         

Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31,65%), đồ gia dụng (12,33%). Nhiều năm qua, các mạng lưới bán hàng đa cấp đã len lỏi từ thành thị đến nông thôn, “chen chân” cả vào các trường đại học, công sở… với các tiêu chí tuyển người tham gia bán hàng một cách dễ dãi, đánh vào lòng tham và ham muốn kiếm tiền của người tham gia, gây nhiều hệ lụy. Có những mặt hàng có giá bán chênh lệch với giá nhập khẩu cả ngàn lần, hoặc được quảng cáo “vống”, sai sự thật khiến nhiều người tiêu dùng tiền mất, tật mang. Thậm chí, một số doanh nghiệp lừa đảo trắng trợn đã phải xử lý hình sự. Chính vì vậy, lần đầu tiên, Bộ Công thương đã có một cuộc kiểm tra, chấn chỉnh trên quy mô lớn các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp để thanh lọc lại thị trường. Hiện tại, dư luận vẫn đang tiếp tục chờ Bộ cung cấp thông tin về thanh, kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và kinh doanh đa cấp lớn, có thương hiệu và thị phần cao nhằm củng cố lại môi trường kinh doanh khá đặc biệt và nhạy cảm này.

Không thể “vơ đũa cả nắm” khi cho rằng doanh nghiệp đa cấp nào cũng sai phạm hoặc bán hàng thiếu chất lượng. Trên thực tế, có những doanh nghiệp có bề dày hoạt động lâu đời và hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng, hợp túi tiền. Song cũng chính vì vậy, thị trường đa cấp cần những liều “thuốc đắng” nhằm loại bỏ bớt những doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh và tạo điều kiện cho những công ty chân chính phát triển lành mạnh hơn.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều