Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sản xuất nông nghiệp bền vững

05:06, 28/06/2011

Tình trạng nông dân chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt, rồi lao theo chặt cây này để chuyển sang trồng cây khác, bất chấp vấn đề tiêu thụ có căn cơ hay không là việc làm đang xảy ra ở nhiều nơi.

Sản xuất nông nghiệp
Ảnh minh họa

Tình trạng nông dân chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt, rồi lao theo chặt cây này để chuyển sang trồng cây khác, bất chấp vấn đề tiêu thụ có căn cơ hay không là việc làm đang xảy ra ở nhiều nơi. Thực tế, không phải chỉ có riêng nông dân Đồng Nai mới đây ồ ạt chặt bỏ các loại cây lâu năm để chuyển qua trồng mít, rồi lâm vào cảnh sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá giảm..., mà nông dân nhiều nơi ở nước ta cũng xảy ra tình trạng tương tự.

 

Nhiều năm về trước, ở các tỉnh miền Tây, nhất là tỉnh Bến Tre, có thời gian thương lái từ các nơi đổ xô về các nhà vườn tranh nhau thu mua nhãn xuất sang Trung Quốc đã đẩy giá loại trái cây này lên cao, giúp nhiều chủ vườn bỗng dưng trở thành tỷ phú! Thấy trồng nhãn coi bề “dễ ăn”, nhiều nhà vườn sau đó đua nhau chặt bỏ dừa, cam, quýt...chuyển sang trồng loại cây này với ước vọng sẽ nhanh chóng làm giàu. Vậy rồi, vài ba năm sau, khi các vườn nhãn mọc lên khắp nơi, thì đó cũng là lúc các thương lái biệt tăm, bỏ lại miền Tây, nhiều nhà vườn sống dở, chết dở...

Từ năm 2002, để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, giúp nông dân ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTG, nhằm gắn kết “4 nhà” (Nhà nước-Nhà nông-Nhà băng-Nhà kinh doanh) thông qua hình thức hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm. Quyết định này khi được áp dụng vào thực tiễn đã phát huy hiệu quả. Bằng chứng là ở huyện Xuân Lộc, nhờ có sự tham gia hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các công ty: Mía-đường La Ngà, Donafoods, Vedan, Nhà máy cồn Xuân Tâm..., mà các vùng nguyên liệu mía, điều, mì...vẫn được duy trì ổn định, nông dân yên tâm phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào sợi dây liên kết này cũng bền vững. Bởi có lúc, có nơi, nông dân vì thấy thương lái bên ngoài thu mua với giá cao hơn các doanh nghiệp hợp đồng nên đã tranh thủ bán sản phẩm ra ngoài kiếm lợi. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp, không thu hồi được vốn đầu tư và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất nên dần dần cũng không dám hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm; còn nông dân thì tiếp tục rơi vào vòng lẩn quẩn trồng-chặt, chặt-trồng...       

Để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, rõ ràng ngoài việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, thì việc cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt hình thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp...là những việc hết sức cần thiết. Kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy, việc nông dân cứ vì lợi ích trước mắt chuyển hết cây trồng này sang cây trồng khác là điều không nên làm. Bằng chứng là từ giữa năm 2010 đến nay, việc các sản phẩm cà phê, tiêu tăng giá trở lại, thậm chí còn tăng gấp 2-3 lần và những hộ vẫn chăm sóc tốt cho 2 loại cây này đã có lãi vài trăm triệu đồng/năm vẫn còn là bài học lớn.

Hoàn Vũ

 

Tin xem nhiều