Báo Đồng Nai điện tử
En

Đô thị của mỗi người

11:05, 27/05/2018

Thật không dễ để đưa ra một mô hình hoàn hảo cho sự phát triển các đô thị mà ở đó mỗi người dân đều tìm thấy "chỗ" của mình, bởi đô thị vừa có tính hình thành tự phát vừa phải tuân theo quy hoạch chung.

Thật không dễ để đưa ra một mô hình hoàn hảo cho sự phát triển các đô thị mà ở đó mỗi người dân đều tìm thấy “chỗ” của mình, bởi đô thị vừa có tính hình thành tự phát vừa phải tuân theo quy hoạch chung. Như một mái nhà chung rộng lớn, đô thị đó phải vừa đủ rộng cho những sinh hoạt dân cư cộng đồng, đồng thời mỗi người cũng có không gian riêng để sống, hít thở và cảm nhận.

Một hình mẫu đô thị cho những vùng đất đang phát triển nóng về kinh tế và có sự biến động dân cư liên tục lại càng khó. Bởi, đối tượng nào cũng cần được lưu tâm: người nghèo đô thị, người nhập cư, người trung lưu và cả những người có thu nhập cao muốn ở trong những khu dân cư cao cấp… Đô thị cũng cần có chỗ cho trẻ em, người già, khách du lịch. Và có lẽ khi tính toán hình thành nên các đô thị thì không một lớp người dân nào được phép bị bỏ quên.

đô thị không chỉ là những công trình kiến trúc, mà còn là văn hóa, còn phải phù hợp với những nếp sống lâu đời, phù hợp với tín ngưỡng, với cảnh quan thiên nhiên… và dù có đặt ra một mô hình phát triển hiện đại cách mấy, đô thị cũng không được phép bỏ qua những điều trên. Chưa kể, mỗi đô thị trong quá trình hình thành và phát triển còn phải tuân theo những trật tự và tính liên kết chung với các đô thị lân cận, đô thị khác trong vùng, trong khu vực để không manh mún và lãng phí nguồn lực đất nước.

Với tất cả những yêu cầu vừa có tính riêng biệt vừa mang tính tổng thể, việc phát triển đô thị thế nào, chọn lựa mô hình ra sao luôn là bài toán không dễ tìm lời giải cho những người có trách nhiệm quy hoạch đô thị từ bao năm nay.

Thời gian qua, thành thực mà nói sự phát triển nóng của các đô thị nhìn chung vẫn đang “chạy” theo thực tế phát triển xã hội là chính, bởi tốc độ dân di cư, nhập cư quá lớn kéo theo quá trình đô thị hóa nóng bỏng khó kiểm soát. Chủ yếu trong đó là sự hình thành các khu dân cư rộng lớn một cách tự phát, thiếu và yếu đủ chỗ: hệ thống đường giao thông, thoát nước, trường học, bệnh viện, công viên, chợ…, chứ chưa kể đến những công trình phục vụ cho đời sống giải trí, văn hóa, tinh thần như: rạp hát, nhà văn hóa, sân vận động… Sự phát triển nóng này, một mặt phá vỡ quy hoạch chung của các địa phương, đồng thời sẽ là những “lỗi” rất khó sửa chữa trong tương lai khi đời sống kinh tế đã ổn định hơn. Và chính quyền bị đặt trong tình thế vừa vất vả giữ đúng quy hoạch hiện tại, vừa tìm kiếm nguồn lực để hình thành những đô thị tương lai.

Tại Đồng Nai, sự phát triển đô thị trong thời gian qua được cho là “nóng” do sự phát triển “nóng” về kinh tế - xã hội. Cho đến lúc này, những hình mẫu đô thị mà Đồng Nai hướng tới vẫn chưa được hoàn thiện trên thực tế.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, 3 huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao, du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đô thị. TX.Long Khánh và các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu sẽ đóng vai trò là “cực tăng trưởng” trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51 và quốc lộ 1.

Hình mẫu quy hoạch đã có, song có thực hiện được hay không không phải chỉ nhờ vào ý chí chủ quan của chính quyền, mà nó còn nằm ở chỗ ý thức chung của người dân trong việc giữ gìn quy hoạch chung của địa phương nơi mình sinh sống, để đô thị hiện tại và cả tương lai thực sự là những đô thị mà mỗi người dân đều tìm thấy chỗ của mình và chung sống hài hòa với nó.

KIM NGÂN

Tin xem nhiều