Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi bất cập hại

10:12, 02/12/2018

Chú Tám xe ôm ngạc nhiên nói:

- Nè, lần đầu tiên tao mới nghe nói thiên hạ có người nuôi sâu chít để bán, giá lên tới 4 triệu đồng/kg.

Chú Tám xe ôm ngạc nhiên nói:

- Nè, lần đầu tiên tao mới nghe nói thiên hạ có người nuôi sâu chít để bán, giá lên tới 4 triệu đồng/kg.

Anh Tư Bốn gật đầu:

- Có gì lạ đâu chú. Sâu chít sống trong thân cây chít ở các tỉnh miền núi phía Bắc, giống như con đuông sống trong thân cây dừa ở miền Nam vậy mà. Hồi xưa người dân bắt đuông, bắt sâu chít để bảo vệ cây, nhân tiện “xơi” luôn vì đây cũng là nguồn thực phẩm có dinh dưỡng. Nhưng hồi đó chỉ có người nghèo mới ăn sâu nha, còn bây giờ sâu trở thành “đặc sản” vì quý hiếm, nhất là vì “đồn rằng” đây là món “ông ăn bà khen”.

Chú Tám lắc đầu quầy quậy:

- Hồi xưa vì nghèo nên mới phải “ăn bậy”, còn bây giờ giàu quá nên cũng xoay qua “ăn bậy” là sao? Sâu trong tự nhiên có hại cho cây trồng nên mới phải bắt, còn bây giờ quay qua “nuôi trồng” sâu là sao?

Anh Tư Bốn đồng tình:

- Nuôi sâu trong thân cây để bán, cái lợi trước mắt là có tiền, nhưng cái hại về lâu dài không thể nói hết được. Về cơ chế hoạt động, sâu đục khoét và ăn hết chất sinh trưởng trong cây khiến cây “kiệt sức” rồi chết, đó là sự phá hoại. Việc nuôi sâu kiểu tự phát trong dân dễ dẫn đến sâu phát triển tràn lan, không được kiểm soát đúng mức, kịp thời có thể trở thành đại họa. Ở tỉnh Bến Tre đã cấm nuôi, cấm mua bán con đuông từ năm 2015, còn hổng biết vụ nuôi sâu chít thì sao.

Chú Tám ngán ngẩm:

- Nghe nói, một số trang mạng còn tán tụng nuôi sâu chít như giải pháp thoát nghèo cho nông dân. Vì lợi ích của một vài người có thể gây hại cho hàng triệu người thì lợi bất cập hại. Mong là nông dân mình đừng tin lời xúi dại này, kẻo thoát nghèo rồi tới… mạt thì khổ.

Ong mật

 

Tin xem nhiều