Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi là Zlatan Ibrahimovic

08:04, 17/04/2020

Ở tuổi 39 (sinh ngày 3-10-1981), nhiều cầu thủ đồng trang lứa "xế chiều" đã giã từ sự nghiệp "quần đùi áo số", du hí ở bãi biển nên thơ nào đó, hoặc học lấy bằng huấn luyện viên, thì Zlatan Ibrahimovic (Ibra) vẫn kiêu hùng xỏ giày ra sân và ghi bàn tại Serie A - một trong 5 giải vô địch quốc gia lớn nhất châu Âu.

Ở tuổi 39 (sinh ngày 3-10-1981), nhiều cầu thủ đồng trang lứa “xế chiều” đã giã từ sự nghiệp “quần đùi áo số”, du hí ở bãi biển nên thơ nào đó, hoặc học lấy bằng huấn luyện viên, thì Zlatan Ibrahimovic (Ibra) vẫn kiêu hùng xỏ giày ra sân và ghi bàn tại Serie A - một trong 5 giải vô địch quốc gia lớn nhất châu Âu.

* Gừng càng già càng cay

Những cú đá cắt kéo như karate hay volley “chổng xe đạp” ngoạn mục. Kiểu tung mình vẩy gót chân đưa bóng vào lưới đối phương đẹp như đá cầu mây. Những hiệu suất bàn thắng nhiều đến kinh ngạc ở mọi giải vô địch quốc gia từng thi đấu. Những chiếc cúp giương cao mỗi năm. Những phát ngôn kiêu hãnh và có phần bạt mạng (ầm ĩ nhất chính là: “Tôi đã đến như một ông vua, và ra đi như một huyền thoại” khi rời CLB số 1 của Pháp Paris Saint-Germain năm 2016 sau 4 chức vô địch Ligue 1 liên tiếp). Đó là những gì bạn thấy và rành rẽ ở cầu thủ nổi tiếng nhất Thụy Điển: Zlatan Ibrahimovic.

Sau khi sang Mỹ chơi rất thành công cho CLB Los Angeles Galaxy từ tháng 3-2018 đến tháng 11-2019, Ibra quay trở lại châu Âu để tiếp tục khoác áo sọc đỏ đen cho AC Milan hồi tháng 1-2020. Đây là CLB mà Ibra từng thi đấu rất nổi bật ở mùa giải 2010-2011. Với kinh nghiệm dày dạn, chân sút người Thụy Điển hòa nhập rất nhanh và ghi bàn thắng đầu tiên cho Milan kể từ khi trở lại trong chiến thắng 2-0 trên sân khách trước Cagliari ngày 11-1. Đây cũng là bàn thắng đánh dấu Ibra đã ghi được bàn thắng trong suốt 4 thập niên qua (1990, 2000, 2010 và 2020). Vào ngày 9-2, anh ghi bàn thứ hai cho Milan trong trận thua 4-2 trước Inter - lập thêm kỷ lục là cầu thủ nhiều tuổi nhất ghi bàn ở các trận thư hùng Derby giữa hai đội cùng thành phố Milan và Inter.

“Có cả ngàn cách để quyết định cuộc đời mình, cách đặc biệt nhất, lạ lùng nhất thường là cách tốt nhất…”

Nhìn lại sự nghiệp của Ibra, anh thường khiến thế giới túc cầu rợp mũ cúi chào với hiệu suất ghi bàn đều như vắt chanh cho những CLB hàng đầu châu Âu mà Ibra từng khoác áo từ Ajax Amsterdam (110 trận - 48 bàn), Juventus (92 trận -26 bàn), Inter Milan (117 trận - 66 bàn), Barcelona (46 trận - 22 bàn), AC Milan lần đầu (85 trận - 56 bàn), Paris Saint-Germain (180 trận - 156 bàn), Manchester United (53 trận - 29 bàn), Los Angeles Galaxy (58 trận - 53 bàn). Năm 2020, tính cả Serie A lẫn Cúp quốc gia, Ibra đá 10 trận và ghi 4 bàn cho Milan trong thời gian ngắn ngủi. Tiếc là dịch Covid-19 đã khiến bóng đá Italy đình lại vô thời hạn từ ngày 9-3 khiến Ibra chưa có cơ hội ghi thêm bàn thắng. Trong thời gian ngừng thi đấu vì Covid-19, Ibra tạm rời Italy để bay về Thụy Điển và duy trì thể lực qua việc tập luyện cùng CLB Hammarby ở thủ đô Stockholm.

Đằng sau thành công trên của cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Thụy Điển - ghi 62 bàn sau 116 trận khoác áo đội tuyển quốc gia trong 15 năm (2001-2016) - là gì?

* “Tôi là Zlatan Ibrahimovic”

Đó là tên cuốn tự truyện của Zlatan Ibrahimovic do nhà văn David Lagercrantz chấp bút, một tư liệu đáng giá cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về Ibra. Trong quyển sách gần 400 trang, chính đương sự đã lý giải ngọn ngành cuộc đời, sự nghiệp và thành công của anh với tràn ngập những tình tiết lẫn chuyện hậu trường hấp dẫn, sống động và chân thành. Ibra nói hành trình đời anh là “câu chuyện thần tiên”. Đó là câu chuyện thần tiên bắt đầu từ ở Rosengard (ngoại ô Malmo, miền Nam Thụy Điển) có một chú bé “gầy gò, mũi to và bị ngọng”, ba nghiện rượu, mẹ tiêu thụ đồ gian, cả hai li dị khi Ibra chưa tròn 2 tuổi. Cậu bé “không có bạn lẫn thức ăn” này may mắn không dính vào ma túy hay trở thành tội phạm nhờ bóng đá (“Tôi cảm thấy mình thật may khi có bóng đá” - Ibra viết).

Theo lời tự kể, trong giai đoạn đầu sự nghiệp quần đùi áo số, Ibra cũng “liên tục vấp phải những trở ngại” đến tuyệt vọng, trong đó có nguyên nhân do Ibra vốn là một cậu bé “khác biệt, kiêu ngạo và nóng đầu”. Khi đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, một tiền đạo như Ibra luôn phải ghi bàn và “Áp lực lên tôi quả là kinh khủng”. Trên sân cỏ, Ibra đối đầu với “đủ loại hậu vệ khiêu khích”. Cách giải quyết của anh dường như chả sợ một ai: “Mày muốn đánh nhau hả? Sao nhát vậy, chơi tay đôi đi, cần trọng tài không” (nói với Chiellini của Juventus khi đá Serie A).

Ngoài sân cỏ, Ibra còn có những màn đối đầu nghẹt thở hơn với… các HLV mà theo anh kể, những thảm họa chính là với Ronald Koeman, Van Gaal ở Ajax, đặc biệt là với Pep Guardiola ở Barcelona. Những ngày tháng bị Pep “đì” ở Tây Ban Nha (2009-2010) “biến tôi thành một cầu thủ đơn giản hơn và tệ hơn” - Ibra thú nhận, khiến anh “đánh mất niềm vui trên sân và nghĩ đến chuyện giã từ bóng đá”.

“Trên sân, tôi cần phải tự do như một cánh chim. Tôi là mẫu cầu thủ luôn muốn tạo ra khác biệt và cần không gian cho việc ấy”

Nhưng ông trời luôn công bằng. Một Ibra vật vã, khổ lên khổ xuống với những HLV không ưa anh thì cũng có nhiều HLV trân trọng tài năng khác biệt của anh, tạo cơ hội cho anh phát huy tài năng và thậm chí còn giúp đỡ anh hoàn thiện mình để phục vụ cho lợi ích chung của đội bóng. Đó là Fabio Capello muốn Ibra tập khả năng di chuyển trong vòng cấm địa tốt như huyền thoại Hà Lan Marco Van Basten, hay lời khuyên đáng giá của chính Van Basten dành cho Ibra: “Hãy dồn hết năng lượng cho tấn công, dồn hết sức cho việc ghi bàn”.

Nhưng José Mourinho mới là HLV tâm đầu ý hợp nhất với Ibra, có lẽ xuất phát từ hai gã đàn ông có cá tính mạnh và ngông tương đồng. Không chỉ ca tụng Mourinho là “người mà tôi sẵn sàng chết vì ông ấy”, Ibra còn đưa ra so sánh rất chất như: “Nếu Mourinho thắp sáng căn phòng thì Guardiola là tên tắt đèn để mọi người chìm trong bóng tối”. Ibra thật may mắn khi có một người sếp như Mourinho - người mà anh đánh giá là “chuyên gia kích thích đội bóng, luôn giúp cho mọi người chơi tốt hơn khả năng thực sự của họ”.

* Hai người hậu phương

Ông trời cũng mang đến cho Ibra một người phụ nữ tuyệt vời. Helena - người Ibra xem như “vừa là vợ, vừa là chị, vừa là bạn”, là một ví dụ cụ thể cho câu “đằng sau thành công của người đàn ông là bóng dáng của người đàn bà”. Thế giới chỉ cần biết Ibra nhưng Ibra thì cần biết có Helena đứng đằng sau mình, là điểm tựa cho bất cứ khi nào anh mệt mỏi hay thất vọng. “Anh đã trở thành một người cha tốt hơn. Nếu như đội bóng không làm anh thấy thoải mái vậy thì cứ về nhà mà lập đội đá bóng với em và các con này” - Helena từng an ủi Ibra và khiến chồng cô vui vẻ trở lại trong giai đoạn gặp khó khăn và rắc rối lớn ở Barca.

Trong đời Ibra còn có một người quan trọng khác chính là người bạn chí cốt, người đại diện cho các hợp đồng chuyển nhượng của anh mà anh gọi là “gã mập”: Mino Raiola. Ibra và Mino thường nói chuyện với nhau rất cá tính và sỗ sàng như hai gã đàn ông cửa miệng võ biền, song việc hợp tác giữa họ rất hiệu quả và bền chặt qua bao năm tháng. Điều làm nên phong thái và thành công của “một tên khó bảo, một gã bất trị” như Ibra chính là anh luôn tâm thế và hành xử như “một chiến binh sống với con người thật của mình”.            

                Trung Nghĩa
 

Tin xem nhiều