Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấm ăn mừng bàn thắng, đổi áo, phun nước bọt?

04:05, 08/05/2020

Hàng loạt giao thức quy định mới chưa từng có để ngăn ngừa Covid-19 sẽ được Premier League áp dụng như: cấm các cầu thủ ăn mừng bàn thắng, đổi áo cho nhau hay phun nước bọt khi thi đấu. Và dĩ nhiên, không có khán giả vào sân!

* Giải ngoại hạng Anh dự kiến tái đấu vào tháng 6 tới

Hàng loạt giao thức quy định mới chưa từng có để ngăn ngừa Covid-19 sẽ được Premier League áp dụng như: cấm các cầu thủ ăn mừng bàn thắng, đổi áo cho nhau hay phun nước bọt khi thi đấu. Và dĩ nhiên, không có khán giả vào sân!

Các cầu thủ tái đấu tại Premier League phải tuân thủ nhiều quy định mới để ngăn ngừa Covid-19
Các cầu thủ tái đấu tại Premier League phải tuân thủ nhiều quy định mới để ngăn ngừa Covid-19

* Muốn đá phải “chấp vá”?

Ban tổ chức giải ngoại hạng Anh, các CLB và cả những người hâm mộ đang rất khát khao được chứng kiến mùa giải Premier League 2019/2020 hoàn thành vào những tháng hè tới. Dự kiến giải đấu ngoại hạng được quan tâm nhất hành tinh này sẽ khởi tranh trở lại từ ngày 12-6 tới.

Khát vọng đưa môn thể thao vua trở lại ở nơi sinh ra chính nó là rất lớn, không chỉ từ Ban tổ chức giải ngoại hạng (vốn lo lắng không yên việc hoàn thành hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá hơn 4 tỷ bảng Anh) mà còn có sự ủng hộ nhất định của chính phủ nước này (hy vọng bóng đá tái đấu sẽ giúp quốc gia “lên tinh thần”, dân chúng được giải khuây bù đắp những tổn thất trong suốt thời gian cách ly, phong tỏa vì dịch bệnh) và dĩ nhiên, sự trông chờ của hàng triệu tín đồ bóng đá đam mê theo dõi Premier League.

Trang tin The Telegraph ngày 7-5 đưa tin, để quả bóng Premier League được phép lăn trở lại, hàng loạt quy định mới chưa từng có tiền lệ sẽ được áp dụng trong vòng 12 tháng tới, giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch Covid-19. “Dự án tái thi đấu” (Project Restart) là tên gọi của kế hoạch quyết tâm đưa Premier League trở lại. Ý tưởng của kế hoạch là tạo ra một môi trường ít rủi ro, đủ an toàn để các đội bóng bắt đầu tập luyện lại với nhau và cuối cùng là thi đấu để hoàn thành mùa giải Ngoại hạng Anh 2019/2020.

Dự kiến có thể việc các cầu thủ ôm nhau ăn mừng bàn thắng, nhổ nước bọt trong trận đấu, trao đổi áo sau trận đấu, chia sẻ chai nước uống đều sẽ bị cấm. Thậm chí cả lễ đăng quang vô địch của đội bóng đoạt Cúp tại Premier League cũng sẽ không tổ chức.

Nhiều biện pháp khác được thảo luận, trong đó có việc các CLB Premier League phải thực hiện việc xét nghiệm, đánh giá rủi ro sức khỏe của mọi cầu thủ trước khi họ được phép trở lại tập luyện (dự kiến từ ngày 18-5 tới). Các vấn đề về tim mạch, hệ hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn cấp tính, có thể khiến cầu thủ dễ bị nhiễm Covid-19 hơn, đều được kiểm tra và báo cáo minh bạch. Ước tính có từ 40 ngàn xét nghiệm sẽ phải tiến hành - một khối lượng công việc không hề nhỏ.

* Chỉ đá tập trung ở 8-10 sân?

Để hoàn thành nốt chặng cuối mùa giải đang dở dang, kế hoạch của Premier League là tổ chức các trận đấu tập trung tại 8-10 sân vận động trung lập được cấp giấy chứng nhận về sự an toàn. Tỷ lệ nhiễm virus tại địa phương cũng sẽ được xem xét.

Lịch thi đấu sẽ xếp hài hòa sao cho không đội nào có lợi thế sân nhà. Premier League vẫn chưa quyết định sân vận động trung lập nào có thể tổ chức 92 trận còn lại, nhưng phân tích của Telegraph Sport, dựa trên hệ thống phân loại hiện thời cho thấy các sân đấu của West Ham United, Manchester City, Brighton & Hove Albion, Southampton, Arsenal, Leicester City và Aston Villa tương đối phù hợp. Manchester United, Wolverhampton Wanderers, Bournemouth, Tottenham, Chelsea và Norwich đều có thể đáp ứng các tiêu chí quan trọng. Trong khi sân nhà của Liverpool, Everton, Watford, Burnley, Sheffield United, Crystal Palace và Newcastle United có lẽ sẽ không được sử dụng. Thánh địa Wembley ở London cũng là một lựa chọn cho các trận đấu quan trọng.

* Chỉ có “khán giả ảo” dự khán

Chắc chắn sẽ không có khán giả vào sân xem trực tiếp trong tương lai gần, bởi việc tập hợp đông người có khả năng bị Chính phủ Anh cấm đến tận năm 2021. Các sáng kiến khác nhau đang được xem xét để giảm thiểu việc “trống vắng cò bay” trên khán đài và làm cầu thủ mất nhuệ khí thi đấu. Chẳng hạn như việc phát ra tiếng ồn nhân tạo từ quạt gió, hoặc “lấp đầy” sân vận động bằng các pano giấy in hình ảnh người hâm mộ ngồi xem (như ở Đức đã thử nghiệm!). Dù gì đi nữa, việc không được thi đấu trên sân nhà và không có sự cổ vũ từ hàng chục ngàn cổ động viên cuồng nhiệt khắp cầu trường chắc chắn sẽ làm giảm đi sức hấp dẫn của các trận cầu.

Theo nhật báo The Guardian, các giao thức mới phải được sự chấp thuận bằng lá phiếu của ít nhất 14 trong số 20 CLB dự tranh Premier League thì mới đi vào áp dụng thật sự.          

Một số đề xuất từ “Dự án tái thi đấu” Premier League:

1. Cầu thủ đeo khẩu trang tại sân tập

2. Tất cả thiết bị phục vụ thi đấu, bao gồm cả quả bóng, được khử trùng trước và sau khi sử dụng

3. Cầu thủ phải xét nghiệm y tế 48 giờ trước khi trở lại tập luyện

4. Hoạt động xoa bóp phục hồi (massage) chỉ được phép khi được chấp thuận bởi bác sĩ CLB

5. Tập luyện giới hạn trong từng nhóm 5 cầu thủ

6. Cấm nhổ nước bọt

7. Tuân thủ giãn cách xã hội

8. Ô tô phải đậu cách nhau 3 chỗ

Long Khánh

Tin xem nhiều