Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa trong học tập trực tuyến

08:07, 09/07/2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, hình thức học tập trực tuyến trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều đối tượng người học, giáo viên và cả phụ huynh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, hình thức học tập trực tuyến trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều đối tượng người học, giáo viên và cả phụ huynh.

Một sinh viên chuẩn bị bước vào giờ học trực tuyến. Ảnh: N.Hạ
Một sinh viên chuẩn bị bước vào giờ học trực tuyến. Ảnh: N.Hạ

Không chỉ là hình thức học tập mang tính cấp bách, tình thế, học tập trực tuyến còn là xu hướng của tương lai khi chuyển đổi số trong giáo dục được đẩy mạnh, đi kèm với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Với việc trở thành hình thức học tập thường xuyên, rộng mở, bên cạnh chất lượng thì việc xây dựng văn hóa trong học tập trực tuyến cũng cần được chú trọng.

1. Trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, cụm từ học trực tuyến hay học online trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên. Tính hiệu quả và cả những hạn chế của hình thức học tập này cũng được đề cập nhiều song không thể phủ nhận, học tập trực tuyến đang trở thành công cụ hữu ích trong giáo dục, đào tạo, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Cùng với sự cần thiết, tiện ích của hình thức học tập qua internet trong điều kiện dịch bệnh thì có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hình thức học tập này phát triển. Theo số liệu của ngành thông tin - truyền thông, Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến. Theo đó, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Học sinh học tập trực tuyến tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giáo viên và các học sinh khác. Giáo viên dạy học trực tuyến tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Hoạt động dạy và học trực tuyến không chỉ giúp phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, mà còn là cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc. Thế nhưng hình thức học tập này lại bị ảnh hưởng bởi yếu tố đường truyền, phụ thuộc nhiều vào chất lượng hình ảnh, âm thanh. Do không có sự giao tiếp trực tiếp giữa người dạy và người học và giữa người học với nhau nên hình thức này cũng được cho là hạn chế sự tương tác và kỹ năng giao tiếp của người học. Người học cũng cần đòi hỏi sự tự giác và biết cách quản lý thời gian vì dễ mất tập trung nếu bài học quá dài hoặc kém hấp dẫn. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin người dùng, đánh giá kiểm tra chất lượng dạy và học trực tuyến cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, để có được những giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả không phải điều dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả giáo viên và người học.

2. Bên cạnh chất lượng thì yếu tố văn hóa đang được đặt ra trong mỗi giờ học trực tuyến. Thực tế, có không ít trường hợp sinh viên vẫn vô tư ăn uống, nói chuyện riêng hoặc có trang phục không phù hợp trong các buổi học. Có những giờ học trực tuyến đã xuất hiện cả tiếng chó sủa, tiếng nhạc xập xình hay thậm chí là tiếng cãi lộn từ bên ngoài vọng vào khi người học quên tắt mic. Mới đây, một sinh viên tại TP.HCM đã để lộ những hình ảnh nhạy cảm ngay khi đang tham gia lớp học trực tuyến trên nền tảng Google Meet. Điều này cũng đặt ra vấn đề về văn hóa trong môi trường giáo dục online hiện nay.

Đã khá quen thuộc với hình thức học tập trực tuyến, Vũ Minh Đức, sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Đồng Nai cho biết, để có giờ học trực tuyến chất lượng thì đòi hỏi sinh viên phải xác định rõ mục tiêu học tập và nghiêm túc, tích cực khi tham gia lớp học. “Trước khi tham gia lớp học trực tuyến mình lựa chọn không gian riêng, phù hợp để không bị gián đoạn trong quá trình học bởi nếu không thì hình ảnh những người thân hay những âm thanh trong sinh hoạt gia đình có thể vô tình lọt vào. Trang phục khi tham gia lớp học cũng phải lịch sự, gọn gàng vì khi học giảng viên có thể yêu cầu sinh viên bật webcam để quan sát và tương tác tốt hơn” - Minh Đức cho hay.

3. Là người có kinh nghiệm dạy học trực tuyến cho sinh viên và cả cán bộ quản lý, TS Bùi Quang Xuân cho rằng, văn hóa trong giờ học trực tuyến là hệ các chuẩn mực, giá trị giúp giảng viên, học viên có suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp. Làm cho mọi người học có tinh thần, thái độ học tập chủ động, sáng tạo khi học tập trực tuyến. Xây dựng quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa người dạy và người học. Đó còn là văn hóa phản biện, xử lý các tình huống phát sinh trong các giờ học.

Theo TS Bùi Quang Xuân, để giờ học trực tuyến có chất lượng thì vai trò của giảng viên rất quan trọng. Giảng viên phải xây dựng được chương trình dạy học trực tuyến bài bản, phương pháp giảng dạy lôi cuốn, tăng sự tương tác và kích thích sự tiếp thu kiến thức một cách chủ động từ học viên. Nếu bài giảng quá dài, kém hấp dẫn, giảng viên chỉ giảng mà thiếu quan sát, tương tác với học viên thì rất dễ khiến người học chán nản, mất tập trung dẫn đến làm việc riêng khi học. Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức cơ bản theo giáo trình, giảng viên cần đưa cho học viên nhiều hoạt động như thuyết trình và phân tích một tình huống, lựa chọn giải pháp tối ưu, bài tập trắc nghiệm. Từ đó giúp học viên xây dựng văn hóa đương đầu với các tình huống thách thức, chủ động học tập và giải quyết vấn đề và quan trọng là kỹ năng giao tiếp, tương tác với giảng viên.

“Thực tế dạy học trực tuyến vất vả hơn dạy tập trung trên lớp. Giảng viên phải chuẩn bị kỹ bài giảng, các tình huống phải thú vị, công phu hơn, phải tương tác nhiều hơn với sinh viên. Đôi khi cần có khoảng lặng trong giờ học để đánh giá mức độ tương giác của giảng viên và người học” - TS Bùi Quang Xuân nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có những kiến tạo hiện diện trực tuyến để tạo ra môi trường trong đó người học cảm nhận được người thật và giao tiếp thật, sự hiện diện của người học được quan tâm. Điều này đòi hỏi giảng viên có phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, quan sát và xử lý tình huống phát sinh một cách phù hợp. Đối với học viên, cũng cần hiểu rõ các nguyên tắc lịch sự như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi...

Nhật Hạ

Tin xem nhiều