Báo Đồng Nai điện tử
En

Xe ôm công nghệ: Chật vật khi giá xăng tăng cao

09:04, 22/04/2022

Giá xăng, dầu lên ở mức cao thời gian gần đây đã khiến những người hành nghề lái xe công nghệ (cả chở khách và vận chuyển hàng hóa) gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giá cước vận chuyển tăng, lượng khách hàng giảm khiến thu nhập của lái xe cũng thấp hơn trước đây.

Giá xăng, dầu lên ở mức cao thời gian gần đây đã khiến những người hành nghề lái xe công nghệ (cả chở khách và vận chuyển hàng hóa) gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giá cước vận chuyển tăng, lượng khách hàng giảm khiến thu nhập của lái xe cũng thấp hơn trước đây.

Thời gian gần đây, những người lái xe công nghệ gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một tài xế xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa chở khách sau một ngày dài ế ẩm
Thời gian gần đây, những người lái xe công nghệ gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một tài xế xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa chở khách sau một ngày dài ế ẩm

Trong năm 2021, nghề lái xe công nghệ không hoạt động được nhiều do dịch bệnh và các đợt giãn cách xã hội.

* Thu nhập ngày càng giảm

Từ đầu năm 2022, thị trường xe công nghệ bắt đầu khởi sắc, các tài xế luôn bật app (ứng dụng gọi xe) để hoạt động. Tuy nhiên, khi giá xăng, dầu tăng cao thời gian gần đây đã khiến những người làm công việc này thực sự lâm vào cảnh khó khăn.

Anh Phạm Văn Bình (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ anh đã gắn bó với nghề lái xe công nghệ được hơn 5 năm. Thời gian đầu, anh chạy cho hãng Grab chủ yếu ở khu vực các quận trung tâm của TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ được vài năm đầu, về sau công việc này dần hết lợi thế khi có nhiều người cùng tham gia. “Miếng bánh” nhỏ lại, anh chuyển sang hoạt động ở các quận vùng ven thành phố nhưng cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Cuối cùng thì chuyển hẳn về TP.Biên Hòa chạy xe.

Trưa 16-4, anh Bình đứng chờ khách trước khu vực Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hơn 2 giờ nhưng vẫn chưa có khách nào đi. Thường mỗi ngày có khoảng 15 cuốc xe (cả chở khách lẫn giao hàng) với doanh thu khoảng 400-500 ngàn đồng. Đến nay, số chuyến giảm xuống còn một nửa, trong khi đó chi phí cho xăng xe lại cao hơn trước rất nhiều. Tiền xăng lúc trước đổ đầy bình cho xe máy khoảng 50 ngàn đồng thì nay đã tăng lên gần 80 ngàn đồng chỉ đủ để chạy loanh quanh khu vực TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu.

Trên các nhóm về xe công nghệ ở Đồng Nai, rất nhiều tài xế than phiền tình cảnh khó khăn sau khi giá xăng, dầu tăng cao. Trong đó, những người chạy xe ô tô công nghệ gặp nhiều trở ngại hơn, bởi hiện nay giá cước loại hình này cao gần bằng xe taxi truyền thống. Nhiều người cũng lựa chọn tắt app để chạy ngoài, không chia mức chiết khấu cho các hãng xe. Các lái xe kỳ vọng dịp nghỉ lễ 30-4 sắp tới, nhu cầu người dân thuê xe đi du lịch sẽ giúp công việc này thuận lợi hơn.

“Mỗi chuyến xe kết thúc là app tự động trừ hơn 30% số tiền mà cuốc xe nhận được. Số tiền còn lại tài xế tự lo các chi phí như: tiền xăng, điện thoại, hao mòn xe, ăn uống... Khi tiền xăng cao lên mà mức chiết khấu vẫn giữ nguyên, giá cước tăng mức cao thì tài xế chịu thiệt” - anh Bình nói.

Ông Lê Văn Chí (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) làm nghề chạy xe công nghệ cũng nản lòng vì một ngày dài vắng khách. Gần 3 năm gắn bó với công việc này, chưa khi nào ông gặp khó khăn như bây giờ. Giá xăng hiện tăng quá cao, tiền cước chạy xe mỗi ngày vẫn chưa thấm gì so với công sức, chi phí tài xế bỏ ra.

Theo ông Chí, đối với những người làm nghề lái xe công nghệ không phân biệt dịch vụ chở khách hay giao hàng. Thế nhưng, chở khách vẫn nhận được nhiều lựa chọn hơn bởi nếu phục vụ tốt khách sẽ thưởng thêm tiền. Chưa kể, quãng đường chạy càng xa tài xế càng hưởng lợi. Khi giá xăng tăng thì ông không còn sự lựa chọn nào, cả giao hàng lẫn chở khách cứ có đơn là nhận.

Trước sức ép của giá xăng dầu, mới đây dù hãng xe công nghệ đã tăng giá cước để bù đắp lại phần tăng của giá xăng dầu thời gian qua nhưng cũng không thấm vào đâu. Bởi có những cuốc xe chạy 10-15km, giá cước tăng vài ngàn đồng so với trước thì thực tế thu nhập của tài xế vẫn không thay đổi bao nhiêu do tiền xăng chiếm quá cao.

“Hơn nữa, việc tăng giá cước chỉ áp dụng đối với quãng đường điểm đặt xe đến nơi khách tới, còn quãng đường di chuyển tìm đến vị trí để chở khách lại không được tính. Có nhiều nơi khách ở khu vực các phường: Trảng Dài, Long Bình lái xe phải mất hơn 10-15 phút chạy từ điểm đứng chờ đến nơi đón khách. Tiền xăng chạy lòng vòng có khi đủ hoàn thành giá cước của cuốc xe” - ông Chí bộc bạch.

* Tài xế tự xoay xở khi giá xăng tăng cao

Theo chia sẻ của một số người chạy xe công nghệ ở TP.Biên Hòa, hiện tỷ lệ khấu trừ với hãng là 31,5% (trước đây là 33%, đã bao gồm phần thu hộ thuế thu nhập cá nhân của tài xế) do giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% từ đầu tháng 2-2022). Do đó, cho dù giá xăng tăng thì không ảnh hưởng đến doanh thu của hãng xe, phần thiệt thuộc về lái xe và khách hàng.

Ông Hà Thanh Phát (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) làm nghề giao hàng qua app cho biết, ông làm từ thời kỳ giá xăng chưa vượt quá 20 ngàn đồng/lít, nay giá xăng tăng cao mà lợi nhuận cũng không nhiều hơn bao nhiêu. Để có thể duy trì thu nhập, khoảng 2 tháng nay ông quyết định ngưng chạy trên app và đứng đợi ngoài đường.

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa chuyển sang giao hàng qua ứng dụng công nghệ cũng gặp khó khăn do xăng, dầu tăng cao
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ ở TP.Biên Hòa chuyển sang giao hàng qua ứng dụng công nghệ cũng gặp khó khăn do xăng, dầu tăng cao

“Khi tắt app, chúng tôi vẫn chở khách, giao hàng giá thấp hơn, vì không mất hơn 30% tiền chiết khấu, số tiền này để bù qua tiền xăng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi hiện nay khách hàng chủ yếu đặt xe qua app. Chỉ số ít khách quen, giao hàng cho các cửa hàng, mối quen mới gọi xe ngoài” - ông Phát nói.

Trên thị trường xe công nghệ hiện nay, hầu hết các hãng xe đều đã tăng giá cước lên mức mới. Sau khi điều chỉnh thì mức giá khách hàng bỏ ra để đi xe công nghệ đã tiệm cận giá cước của xe ôm, xe taxi truyền thống. Nếu tăng cước thêm nữa, khó có lợi thế để cạnh tranh kéo theo nguy cơ mất khách hàng.

Ông Trần Ngọc Tài, Đội trưởng của một hãng xe tại TP.Biên Hòa cho biết, tiện ích của xe công nghệ là cước phí đi lại thấp, dễ dàng, thuận tiện trong việc đặt xe nên được khách hàng lựa chọn trong những năm gần đây. Nhưng hiện nay, người hành nghề ai nấy đều lo lắng số lượng khách sẽ bị giảm do người dân hạn chế đi lại nếu giá cước tăng cao.

Ông Tài quản lý gần 50 đầu xe công nghệ, trong đó phần lớn là giao hàng, đồ ăn, nước uống. Mấy tháng trở lại đây, tài xế có xu hướng chuyển từ chở khách sang chở hàng vì lĩnh vực này ổn định, nhu cầu lớn. Giá cước giao hàng tuy thấp hơn nhiều so với chở khách nhưng lái xe có thể gộp các đơn vào với nhau cho một quãng đường di chuyển. Vì vậy, chi phí cho nhiên liệu, hao tổn phương tiện thấp hơn.

“Nếu giá xăng tăng mà tài xế nhận đều đặn đơn hàng thì vẫn đảm bảo tốt thu nhập. Nhu cầu di chuyển của người dân giảm khiến cánh tài xế công nghệ lâm vào cảnh khó khăn, ảm đạm. Để ổn định thị trường và đảm bảo lợi ích cho tài xế thì các hãng xe cần tăng mức chiết khấu hơn nữa mới giữ chân được họ” - ông Tài nói.

Thanh Hải

Tin xem nhiều