Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chiếc bẫy" lớn nhất nằm ở lòng tham

09:06, 02/06/2022

Những biến tướng, chiêu trò "dụ" người dân vay tiền với lãi suất cao "cắt cổ" và những hệ lụy đi kèm đã liên tục được báo chí cảnh báo trong mấy năm qua, nhưng vẫn rất nhiều người dùng "mắc bẫy". Đặc thù của những chiêu trò dụ dỗ này là nhắm vào những người có nhu cầu vay tiền gấp và thường là các khoản tiền không quá lớn (dưới 50 triệu đồng).

Những biến tướng, chiêu trò “dụ” người dân vay tiền với lãi suất cao “cắt cổ” và những hệ lụy đi kèm đã liên tục được báo chí cảnh báo trong mấy năm qua, nhưng vẫn rất nhiều người dùng “mắc bẫy”. Đặc thù của những chiêu trò dụ dỗ này là nhắm vào những người có nhu cầu vay tiền gấp và thường là các khoản tiền không quá lớn (dưới 50 triệu đồng). Chỉ cần “quẹt app”, điền thông tin và làm theo hướng dẫn là dễ dàng vay được vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, lãi suất cực kỳ cao, thường là 300-400%/năm.

Nếu ngày trước, dạng “tín dụng đen vi mô” này núp bóng dưới “cô Tư, chị Tám” hay cho “vay góp” trong vùng, hoặc là các công ty tài chính, các ngân hàng bán lẻ cho vay (tuy lãi suất cao nhưng vẫn chưa quá mức và vẫn đòi hỏi thủ tục đi kèm), thì nay tất cả đều được giải quyết bằng vài ba lần “quẹt app” trên chiếc điện thoại thông minh.

Nhưng hậu quả thì vô cùng lớn. Bị đòi nợ, hăm dọa, bêu rếu, gây áp lực, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Hiện nay, ngoài vay “nóng”, nhiều người còn đổ tiền đầu tư vào những kênh đầu tư ảo vì ham lợi nhuận “khủng”. Chủ các kênh đầu tư này thường tạo vẻ ngoài là doanh nhân thành đạt, các chủ sàn tiền ảo rao giảng về “vị thế nhà đầu tư”, tài chính hợp pháp, lôi kéo nhiều người nộp tiền rồi chiếm đoạt, đa số dưới hình thức đa cấp. Họ ăn mặc bóng bẩy, tổ chức “phát triển thị trường”, kêu gọi đầu tư bằng cách tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo ở TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu... hoặc online qua các ứng dụng mạng xã hội.

Nhưng thực sự, những chủ kênh đầu tư ảo hay những người cho vay nóng có thể thành công là do họ đang đánh trúng “chiếc bẫy” lớn nhất của người dùng: lòng tham. Những người tham gia các kênh này, lún mỗi lúc một sâu là do tham lợi nhuận một cách thiếu tỉnh táo. Nếu tìm hiểu kỹ, sẽ thấy rằng gần như không có ngành kinh doanh nào cho nổi lợi nhuận “gấp đôi, gấp ba” số vốn ban đầu. Các ngành dịch vụ, thương mại, sản xuất thường chỉ có khung lợi nhuận dao động từ 20-40% là đã tốt, trong khi các kênh “dụ” đầu tư lại cam kết lợi nhuận 8-9%/tuần, nghĩa là cam kết một khoản lợi nhuận không tưởng, lên đến gần 500%/năm.

Tương tự, khi vay tiền “nóng”, cần bình tĩnh suy xét xem mức lãi suất 300-400%/năm là có quá sức vô lý không và người vay có cáng đáng nổi không khi các ngân hàng đang cho vay tiêu dùng ở mức 9-12%/năm?

Vậy nên, quy luật là khi xã hội càng phát triển, nhất là khi công nghệ, khoa học, khi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và con người có thể dễ dàng tiếp cận mọi kênh vay tiền, đầu tư, làm ăn, kinh doanh… chỉ bằng một cái điện thoại thông minh có kết nối internet, thì có lẽ thứ cần tiết chế nhất chính là lòng tham của mỗi người.     

Vi Lâm

Tin xem nhiều