Báo Đồng Nai điện tử
En

Bom Bo không còn đuốc lồ ô

09:01, 22/01/2013

Cũng như hàng ngàn buôn làng khác của nước ta, nhưng cái tên Bom Bo đã trở thành nổi tiếng hơn nửa thế kỷ qua vì từng được đi vào những câu hát tuyệt vời của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. 38 năm sau ngày thống nhất, cùng với sự phát triển chung, sóc Bom Bo giờ đây cũng thay da đổi thịt nhưng đồng thời vẫn giữ những nét đẹp truyền thống.

Cũng như hàng ngàn buôn làng khác của nước ta, nhưng cái tên Bom Bo đã trở thành nổi tiếng hơn nửa thế kỷ qua vì từng được đi vào những câu hát tuyệt vời của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. 38 năm sau ngày thống nhất, cùng với sự phát triển chung, sóc Bom Bo giờ đây cũng thay da đổi thịt nhưng đồng thời vẫn giữ những nét đẹp truyền thống.

Nhịp chày vẫn còn vang trên sóc Bom Bo hôm nay.
Nhịp chày vẫn còn vang trên sóc Bom Bo hôm nay.

Từ TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước theo quốc lộ 14 đi về hướng Bù Đăng khoảng 50km, rẽ trái 6km, sẽ tới sóc Bom Bo. Hiện nay, về địa danh hành chính, đây là ấp 1, xã Bom Bo,  nơi cư trú của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc S’Tiêng.

Ngày nay, thế hệ của những người dân Bom Bo “sẵn có đôi bàn tay giã gạo đêm đêm” để nuôi cán bộ, chiến sĩ trong chiến tranh chống Mỹ không còn nhiều người. Các chiến sĩ du kích trẻ trước đây, như: Điểu Lên, Điểu Sen giờ đã thành các già làng. Ký ức về những năm tháng hào hùng, các cụ nhớ nhớ quên quên.

Bom Bo bây giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới hiện đại. Hai bên con đường nhựa uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều và các loại cây trái, đã có nhiều căn nhà xây mới, những căn biệt thự sang trọng mọc lên thay cho những căn nhà sàn đơn sơ thuở trước. Buổi tối ở xã Bom Bo giờ không còn ánh “đuốc lồ ô bập bùng” mà thay vào đó là ánh sáng của điện lưới quốc gia về đến từng căn nhà…

Thế hệ trẻ S’Tiêng hôm nay cũng biết đánh cồng chiêng, gìn giữ nét đẹp rượu cần; thế hệ già làng S’Tiêng hôm nay cũng thường kể chuyện lịch sử bằng các trường ca…

Nhưng, nếu đến Bom Bo trong những dịp lễ hội, chúng ta vẫn có cơ hội nghe lại, xem lại nhịp chày giã gạo của đồng bào S’Tiêng bên bếp lửa bập bùng do các nghệ nhân trẻ tái hiện.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Bom Bo giờ đây được chăm sóc tốt hơn. Một nhà văn hóa quy mô lớn được xây dựng nhằm giúp cho cộng đồng bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở đây. Những làn điệu dân ca, múa truyền thống cũng được lưu giữ cùng với những dụng cụ săn bắn, công cụ sản xuất, nữ trang… từ hàng trăm năm trước. Một số phong tục, tập quán lạc hậu đã dần bị xóa sổ.

Bom Bo giờ đây không còn xa ngái như trong suy nghĩ của người dân Việt một thời vì hạ tầng giao thông hôm nay đã phát triển, chỉ cần 4 giờ đi xe từ TP.Hồ Chí Minh là có thể đến nơi.

Bom Bo, một địa điểm hành hương, một địa chỉ đỏ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, sẵn sàng chào đón chúng ta về nguồn, như trong lời ca thôi thúc: “Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày, về đường này, thăm sóc Bom Bo”.

Dũng Nguyễn

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều