Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2012: Sẽ không lo thiếu vốn?

08:02, 03/02/2012

Năm 2011 khép lại với bộn bề lo toan về đồng vốn khi nhiều DN không tiếp cận được vốn hoặc phải trả lãi suất rất cao. Mặt khác, năm qua là năm đầu tiên tín dụng bị “khóa van” do được điều hành theo hướng thận trọng, chặt chẽ, đúng với tinh thần Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát. Năm 2012 đang bắt đầu, và nhiều DN rất muốn biết, liệu nguồn vốn dành cho năm nay có đủ cho nhu cầu?

Năm 2011 khép lại với bộn bề lo toan về đồng vốn khi nhiều DN không tiếp cận được vốn hoặc phải trả lãi suất rất cao. Mặt khác, năm qua là năm đầu tiên tín dụng bị “khóa van” do được điều hành theo hướng thận trọng, chặt chẽ, đúng với tinh thần Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát. Năm 2012 đang bắt đầu, và nhiều DN rất muốn biết, liệu nguồn vốn dành cho năm nay có đủ cho nhu cầu?

Khẳng định rằng về mặt điều hành chung, “vốn liếng” dành cho năm 2012 tại Đồng Nai là “không thiếu”, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 12 - 13% trong năm tới, Đồng Nai cần một mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.

* Sẽ tăng trên 10 ngàn tỷ đồng

Theo ông Tuấn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 của Đồng Nai khoảng từ 20 - 22%, xấp xỉ kết quả năm 2011. “Chính sách điều hành tiền tệ năm 2012 của NHNN Việt Nam vẫn theo hướng chặt chẽ để ưu tiên kiềm chế lạm phát, song có thêm yếu tố linh hoạt, tùy theo diễn biến thị trường” - ông Tuấn phân tích. Cũng theo đó, tùy tình hình địa phương, NHNN Việt Nam có thể sẽ “nới” hoặc “co” mức tăng trưởng tín dụng ở từng nơi khác nhau để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, miễn là điều hành chung không vượt quá 15 - 17% tăng trưởng tín dụng năm 2012. Do đó, với đặc điểm tập trung nhiều ngành sản xuất - xuất khẩu quy mô lớn, tăng trưởng tín dụng 2012 của Đồng Nai dự kiến sẽ phải trên 20%. Trên 10 ngàn tỷ đồng là con số mà các tổ chức tín dụng tại Đồng Nai có khả năng “bơm” ra thị trường. Theo số liệu từ NHNN, trong 5 năm gần đây, trung bình lượng vốn mà các DN Đồng Nai cần vào khoảng 9 - 10 ngàn tỷ đồng mỗi năm, do đó con số trên 10 ngàn tỷ của năm 2012, theo ông Tuấn là đủ cho nhu cầu hợp lý, cần thiết để phát triển kinh tế địa phương.

Trên 10 ngàn tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được “bơm” ra thị trường ở  Đồng Nai năm 2012. Trong ảnh: Chuẩn bị cho khách hàng vay ở Vietcombank Đồng Nai. Ảnh: V.L
Trên 10 ngàn tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được “bơm” ra thị trường ở Đồng Nai năm 2012. Trong ảnh: Chuẩn bị cho khách hàng vay ở Vietcombank Đồng Nai. Ảnh: V.L

Một số chi nhánh ngân hàng có quy mô lớn tại Đồng Nai cũng cho biết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2012 sẽ dựa trên nhu cầu khách hàng và từ chỉ tiêu hội sở giao, các chi nhánh vẫn có thể tìm cách tăng trưởng cho vay thêm nếu thị trường tốt và đồng vốn xoay vòng hiệu quả. Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai (Agribank Đồng Nai) cho biết, năm 2012, tăng trưởng tín dụng của Agribank Đồng Nai được giao khoảng 5,7%, tương đương 401 tỷ đồng và toàn bộ số vốn này tập trung vào khu vực nông nghiệp - nông thôn, vì khu vực doanh nghiệp dự kiến sẽ phải giảm dư nợ do một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2012 của chi nhánh là 9,3%, tương đương 638 tỷ đồng, trong đó dành cho nông nghiệp - nông thôn khoảng 595 tỷ đồng. “Đây là chỉ tiêu vừa tầm, có thể thực hiện được. Trong trường hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên, Agribank Đồng Nai vẫn có thể tăng dư nợ do nguồn vốn của chi nhánh rất lớn, gần 12 ngàn tỷ đồng” - ông Trinh nói.

* Ngân hàng muốn cho vay thêm

TÌM HƯỚNG GIẢM LÃI SUẤT CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

Theo khảo sát về mức lãi suất trên thị trường ở thời điểm này cho thấy, đa số DN vừa và nhỏ vẫn đang phải tiếp cận mức lãi suất từ 18 - 20%, và mong muốn lớn nhất của DN chính là giảm lãi suất, gần nhất là trong quý 1 năm 2012. Ông Lê Hữu Tịnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Á (Đại Á Bank) nhận xét, năm 2012, dự báo còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với nhóm DN vừa và nhỏ. Theo đó, trở ngại lớn cho các DN vừa và nhỏ là khả năng ứng phó với thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Về vốn cho kinh doanh, DN sẽ không gặp khó về quy mô lượng vốn mà là lãi suất, vì  lãi suất cho vay vẫn chưa thể giảm ngay do nhiều yếu tố kinh tế khác.

Theo đó, năm 2011, vốn cho doanh nghiệp vay của Đại Á Bank chiếm khoảng 60% và tập trung vào các DN có quy mô vừa và nhỏ. Từ vài năm qua và đến hiện nay, Đại Á được sử dụng nguồn vốn từ chương trình Tài chính nông thôn của World Bank và chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Nhật Bản nên lãi suất ưu đãi cho các đối tượng phát triển kinh tế nông thôn và DN có liên quan. Ngoài nguồn vốn này, trong năm tới, Đại Á cũng ưu tiên nguồn vốn và lãi suất linh hoạt phù hợp cho các DN vừa và nhỏ, dựa trên ngành nghề (ưu tiên xuất khẩu), có năng lực kinh doanh, có hiệu quả và tài sản đảm bảo tốt.

Gia Hân

Dù khẳng định của NHNN là lượng vốn được đưa ra thị trường năm 2012 sẽ đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế hợp lý của Đồng Nai, song một số ngân hàng cho biết, họ vẫn muốn tăng trưởng tín dụng nhiều hơn chỉ tiêu được giao. Ông Võ Văn Tý, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đồng Nai cho biết, BIDV Đồng Nai được giao tăng trưởng khoảng 15% dư nợ so với năm 2011. Theo nhận định của ông Tý, mức 15% còn hơi thấp so với nhu cầu. Theo đó, chi nhánh muốn tăng khoảng 20% dư nợ so với năm 2011. “Với mức tăng được giao, chúng tôi vẫn phải lựa chọn khách hàng thật tốt, chủ yếu tập trung sản xuất - xuất khẩu, kinh doanh tư nhân cá thể… Tuy nhiên, nếu nhu cầu vốn tăng lên, thị trường tốt, chúng tôi vẫn có thể xoay sở thêm nguồn vốn để cho vay” - ông Tý nói.

Tương tự, Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Đồng Nai cũng được giao tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở mức 15% so với năm 2011, tương đương với 200 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, giám đốc chi nhánh thì mức tăng trên sẽ thiếu so với nhu cầu. Theo đó, nhu cầu cho vay tại chi nhánh hiện tại ít nhất phải gấp đôi con số được giao trên. Song, theo ông Kiệt, dựa trên hiệu quả cho vay của chi nhánh cũng như tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn, con số này có thể sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, một số ngân hàng thuộc nhóm các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ cho biết, hiện chưa có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể cho năm 2012, tuy nhiên tỷ lệ tăng thường cũng được giao thêm ở mức từ 15 - 20% so với năm trước. Nhiều nhận định cho rằng nếu ở mức này, các ngân hàng nhỏ có thể đáp ứng khá tốt cho các khách hàng hiện hữu, song để mở rộng thị trường và đáp ứng thêm cho khách hàng mới thì buộc phải tìm cách nâng cao huy động vốn. Đây cũng là điều được đánh giá là khá khó khăn đối với ngân hàng nhỏ, ít nhất là trong bối cảnh lãi huy động cào bằng như hiện tại.

Vi Lâm

 

 

 

 

Tin xem nhiều