Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông trại thực nghiệm của thầy giáo về hưu

08:07, 30/07/2018

Từng là hiệu trưởng của một trường tiểu học, ông Hồ Quế Vân (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) quyết định nghỉ hưu trước tuổi để "khởi nghiệp" với mô hình nông trại giáo dục thực nghiệm mang tên Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm) trên mảnh đất của gia đình.

Từng là hiệu trưởng của một trường tiểu học, ông Hồ Quế Vân (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) quyết định nghỉ hưu trước tuổi để “khởi nghiệp” với mô hình nông trại giáo dục thực nghiệm mang tên Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm) trên mảnh đất của gia đình.

Ông Hồ Quế Vân chia sẻ với học sinh về những hoạt động thực nghiệm tại Nông trại Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm) của gia đình.Ông Hồ Quế Vân chia sẻ với học sinh về những hoạt động thực nghiệm tại Nông trại Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm) của gia đình.
Ông Hồ Quế Vân chia sẻ với học sinh về những hoạt động thực nghiệm tại Nông trại Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm) của gia đình.Ông Hồ Quế Vân chia sẻ với học sinh về những hoạt động thực nghiệm tại Nông trại Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm) của gia đình.

Green Life Farm bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10-2017, trong khuôn viên thiết kế các mô hình thực tế giúp cho học sinh có thêm trải nghiệm, hiểu về công việc thường nhật của người nông dân.

* Tạo môi trường giáo dục kỹ năng sống

Ông Vân chia sẻ, khi còn là Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hiệp (huyện Long Thành), ông có nhiều dịp tham quan các nông trại giáo dục thực nghiệm tại nhiều địa phương trên cả nước. Trải qua thời gian tìm tòi, nhiều lần đắn đo, bàn bạc với gia đình, ông quyết định nghỉ hưu sớm 5 năm để thực hiện ý tưởng tạo nên một sân chơi, mô hình du lịch kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

“Từng làm quản lý giáo dục nên tôi hiểu được sự cần thiết của các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế dành cho học sinh. Green Life Farm ra đời nhằm mục đích tạo môi trường giúp các em học sinh dạn dĩ, vận động và nâng cao các kỹ năng trong cuộc sống. Đối tượng chính mà chúng tôi hướng đến là học sinh từ mẫu giáo đến THCS” - ông Vân bày tỏ.

Theo ông Vân, tính đến nay nông trại được đầu tư khoảng 4 tỷ đồng với các mô hình về chăn nuôi, trồng trọt đa dạng, các trò chơi tái hiện công việc của nông dân như: be mương bắt cá, cấy lúa, cho thú ăn... kết hợp với các trò chơi vận động nâng cao tinh thần đồng đội sôi động như: đấu trường súng nước, vượt chướng ngại vật, kéo co, bịt mắt bắt vịt...

Nông trại cũng đặt tên những con đường dẫn vào các tiểu cảnh, mô hình bằng các động từ, tính từ gắn liền với những đức tính tốt, sự khám phá, tò mò của tuổi học trò như: đại lộ Nhân Văn, đường Vị Tha, đường Yêu Thương, đường Khám Phá, đường Trải Nghiệm... để hướng tới truyền đạt những thông điệp tốt đẹp đến các em” - ông Vân cho biết.

* Tăng tính tương tác

Từ khoảng 2 hécta ban đầu, đến nay Green Life Farm đã mở rộng lên 5 hécta với nhiều phân khu chức năng chuyên biệt. Ngoài các khu vực dành cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế, nông trại còn kết hợp thêm các chương trình khác để phục vụ, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các dịch vụ ăn uống kèm theo... 

Nông trại chủ động kết hợp với các công ty dịch vụ du lịch - lữ hành, các trường đào tạo về nghiệp vụ du lịch trong và ngoài tỉnh để chủ động về lượng khách, cũng như đội ngũ hướng dẫn, cộng tác viên chuyên nghiệp.

Theo ông Vân, Green Life Farm đang dần trở thành điểm đến ngoại khóa yêu thích của nhiều trường học, trung tâm giáo dục, trung tâm ngoại ngữ không chỉ ở Đồng Nai mà còn các tỉnh, thành lân cận. Vào những dịp cao điểm, Green Life Farm đón khoảng hơn 1 ngàn lượt học sinh, phụ huynh đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày.

“Trong thời gian tới, nông trại sẽ tổ chức thêm nhiều buổi huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó có thêm những kỹ năng sinh tồn, ứng phó khi đi lạc, thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, sự cố; phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em...” - ông Vân chia sẻ.

Hải Quân

Tin xem nhiều