Báo Đồng Nai điện tử
En

Quá hạn, nhiều lò gạch vẫn không di dời

09:12, 03/12/2018

Đồng Nai hiện có 140 lò vòng (hoffman) sản xuất gạch đất sét nung. Theo lộ trình của UBND tỉnh, đến cuối năm 2017 có 76 lò và năm 2018 là 95 lò phải dừng hoạt động, di dời đến nơi quy hoạch mới...

Đồng Nai hiện có 140 lò vòng (hoffman) sản xuất gạch đất sét nung. Theo lộ trình của UBND tỉnh, đến cuối năm 2017 có 76 lò và năm 2018 là 95 lò phải dừng hoạt động, di dời đến nơi quy hoạch và chuyển đổi sang lò tuynel. Nhưng đến nay, các lò vẫn hoạt động và chưa di dời.

Một lò gạch nung ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đến lộ trình di dời vẫn hoạt động.
Một lò gạch nung ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đến lộ trình di dời vẫn hoạt động.

Theo Sở Xây dựng, các lò sản xuất gạch nung hiện tập trung tại các huyện Long Thành, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Tỉnh đã yêu cầu những lò vòng ở những khu dân cư buộc phải ngưng hoạt động, dời đến những nơi phù hợp với quy hoạch và chuyển sang lò tuynel, nhưng hiện các lò vẫn hoạt động.

* Khói, bụi, đường xuống cấp

Thời gian qua, nhiều người dân sống gần các khu lò gạch ở TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành bức xúc vì tình trạng ô nhiễm khói, bụi do các lò gạch gây nên. Ngoài ra, quá trình vận chuyển đất ra vào lò rơi vãi cũng gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Một số chủ lò gạch còn lén lút dùng vải vụn công nghiệp đốt, gây ô nhiễm khói, mùi nặng nề.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, tỉnh sẽ không cấp phép cho lò gạch nung mới mà khuyến khích các chủ lò chuyển sang sản xuất gạch không nung để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên có cầu ắt có cung, hiện đa số người dân vẫn sử dụng gạch nung trong xây dựng các công trình và chưa có thói quen chọn gạch không nung vì giá thành mắc gấp 2-2,5 lần và còn e ngại chất lượng của gạch không nung.

Bà Nguyễn Thị Hà, người dân sống gần một lò gạch ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết: “Các xe chở đất ra vào các lò gạch liên tục và không được che chắn, vệ sinh xe kỹ nên đất rơi vãi đầy đường. Những ngày nắng thì bụi mù mịt, còn ngày mưa đường lầy lội khiến người dân đi lại khó khăn. Tôi chỉ mong các lò gạch sớm di dời”.

TP.Biên Hòa hiện là nơi tập trung nhiều lò gạch nung nhất với 42 lò. Trong đó, xã An Hòa 23 lò, Phước Tân 12 lò, Tam Phước 6 lò và Long Hưng 1 lò. Ông Phạm Văn Màu, cán bộ môi trường xã An Hòa cho hay: “Theo lộ trình của tỉnh thì 23 lò gạch nung ở An Hòa phải dừng hoạt động trong năm nay, nhưng đã gần hết năm vẫn chưa có lò nào dừng hoạt động. Người dân trong xã rất bức xúc vì việc vận chuyển đất ra vào các lò gạch bị rơi vãi, một số lò lén dùng rác công nghiệp để đốt, gây ô nhiễm mùi”.

Tại huyện Trảng Bom, nhiều lò gạch đang gây ô nhiễm bụi, khói, làm đường xuống cấp khiến người dân khá bất bình. Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Trên địa bàn huyện có 14 lò gạch nung nằm trong lộ trình phải dừng hoạt động và di dời trong năm 2017 và 2018 để bảo vệ môi trường khu dân cư, nhưng chưa có lò nào thực hiện. Một phần chưa có điểm đến cho họ đầu tư công nghệ mới để sản xuất”. Cũng theo ông Đảng, huyện có quy hoạch cụm công nghiệp cho các lò gạch di dời đến, nhưng chưa làm xong hạ tầng cụm công nghiệp nên chưa thể di dời vào.

* Siết chặt quy định về môi trường

Theo Sở Xây dựng, Quyết định 1469 của Chính phủ chỉ buộc ngừng hoạt động với lò gạch nung đứng, lò dùng nhiên liệu hóa thạch (than đá), đồng thời chỉ khuyến khích các địa phương dừng các lò vòng không sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Tại Đồng Nai, các lò vòng hầu hết không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vì thế UBND tỉnh tuy có lộ trình yêu cầu các lò vòng dừng hoạt động và di dời nhưng do chưa chỉ được điểm đến nên nhiều lò vẫn tiếp tục hoạt động.

Ông Hồ Bá Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho hay: “Hiện nay, TP.Biên Hòa dùng biện pháp siết chặt về môi trường với các lò vòng. Những lò vi phạm sẽ bị xử phạt nặng để hạn chế họ mở rộng sản xuất”. Theo Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, thành phố không quy hoạch nơi sản xuất gạch nung và cũng không cấp phép cho dự án gạch nung nữa dù là lò tuynel (lò không thuộc danh mục phải dừng hoạt động hay di dời).

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc chia sẻ: “Theo lộ trình, huyện có 35 lò vòng phải dừng hoạt động trong năm 2017, song chưa có lò nào dừng. Huyện đang dùng giải pháp quản chặt về môi trường và buộc 3 lò nằm trong khu dân cư phải di dời” Cũng theo bà Nguyễn Thị Cát Tiên, các chủ lò đề xuất kéo dài lộ trình dừng hoạt động, vì trước đây, Chính phủ yêu cầu lò đứng phải ngưng hoạt động rồi chuyển sang lò vòng, họ mới đầu tư công nghệ lò vòng hết 20-30 tỷ đồng/lò và hoạt động được 3-4 năm chưa thu hồi đủ vốn. Nếu bây giờ huyện bắt họ ngưng ngay nhiều chủ lò sẽ phá sản. Do đó, huyện đang đợi quyết định mới của UBND tỉnh về vấn đề này.

Hương Giang

Tin xem nhiều