Báo Đồng Nai điện tử
En

Để giảm được khiếu nại về đất đai?

02:02, 18/02/2019

Những năm gần đây, 90% đơn khiếu nại của người dân trong tỉnh gửi các cấp rơi vào lĩnh vực đất đai. Trong đó, tập trung chủ yếu ở việc bồi thường, thu hồi đất để triển khai các dự án...

Những năm gần đây, 90% đơn khiếu nại của người dân trong tỉnh gửi các cấp rơi vào lĩnh vực đất đai. Trong đó, tập trung chủ yếu ở việc bồi thường, thu hồi đất để triển khai các dự án và khiếu nại phát sinh do quy hoạch kéo dài nhiều năm.

Cây dâu của người dân An Phước (huyện Long Thành) cho thu nhập 4-6 triệu đồng/cây/năm nhưng dự kiến thu hồi chỉ bồi thường 400-500 ngàn đồng/cây
Cây dâu của người dân An Phước (huyện Long Thành) cho thu nhập 4-6 triệu đồng/cây/năm nhưng dự kiến thu hồi chỉ bồi thường 400-500 ngàn đồng/cây. Ảnh: Hương Giang

Theo UBND tỉnh, năm 2018 trong tỉnh có hơn 7 ngàn lượt với 7.252 người khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị; tăng 681 lượt và tăng 607 người so với năm trước đó. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy hoạch kéo dài không thực hiện, không xóa bỏ.

* “Chịu hết xiết” vì dự án kéo dài

Hầu hết người dân khiếu nại đều cho biết không muốn nơi mình đang sinh sống sẽ quy hoạch, thực hiện các dự án. Bởi khi Nhà nước thu hồi đất và nhà ở, họ phải di dời, tái định cư đến nơi khác. Trường hợp dự án kéo dài nhiều năm, người dân sẽ gặp phải tình trạng “đi không được, ở không xong” do muốn đi nhưng chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc dự án chưa bố trí được nơi tái định cư. Còn ở lại thì mọi quyền lợi trên mảnh đất bị hạn chế, muốn sửa sang nhà cửa hoặc chia đất cho con cái ra ở riêng cũng không được.

Ông Đặng Văn Minh ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Hơn 4.100m2 đất của gia đình tôi bị quy hoạch làm dự án nhà ở liên kế cao tầng, chung cư. Nhưng 16 năm nay, chủ đầu tư đã lấy đất sang nhượng cho nhiều người mà chưa thực hiện bồi thường, tái định cư cho gia đình tôi và nhiều hộ có đất trong dự án. Vì thế, 3 năm nay tôi và nhiều hộ dân buộc phải làm đơn khiếu nại ở nhiều nơi”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều dự án kéo dài 5-7 năm chưa thực hiện khiến người dân khốn khổ vì chờ đợi. Theo quy định, nếu 2 năm không triển khai dự án, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất, nhưng trên thực tế nếu quy hoạch vẫn còn hiệu lực, chưa được được xóa bỏ thì người dân vẫn phải chịu cảnh quy hoạch “treo”, thậm chí có những dự án “treo đi treo lại”. Đây là điều khiến nhiều người dân trong vùng thuộc dự án bức xúc khiếu nại.

Người dân khiếu nại vì dự án dân cư ở huyện Nhơn Trạch nhiều năm chưa triển khai.
Người dân khiếu nại vì dự án dân cư ở huyện Nhơn Trạch nhiều năm chưa triển khai.

Đồng Nai đang quy hoạch và triển khai gần 1.500 dự án, công trình, tập trung ở TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom... và những địa phương kể trên cũng là những nơi có dự án “treo” nhiều nhất.

* “Điểm nghẽn” giá bồi thường

Nội dung khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh lâu nay nhiều nhất vẫn là về giá bồi thường. Nhiều người dân cho rằng giá bồi thường của nhiều dự án hiện nay quá thấp so với giá thị trường khiến họ thiệt thòi. Trong nhiều trường hợp, sau khi Nhà nước bồi thường tiền đất, dân cầm số tiền đó đi mua lại đất canh tác ở nơi xa hơn nhiều so với nơi mình đang sinh sống nhưng cũng chỉ mua được diện tích đất bằng 30-50% nơi đã bị thu hồi. Bên cạnh đó, giá bồi thường với các loại cây trồng trên đất cũng rất thấp.

Ông Huỳnh Văn Sơn ngụ ấp 1, xã An Phước (huyện Long Thành) bày tỏ: “Gia đình tôi có 0,9 hécta dâu, mỗi năm thu lời 350-400 triệu đồng/hécta. Theo quy hoạch, đất của tôi sẽ phải thu hồi để làm đường điện. Chủ đầu tư tính toán sẽ bồi thường khoảng 500 ngàn đồng/cây dâu nhưng tôi không đồng ý vì giá bồi thường chỉ bằng 10% thu nhập của 1 cây dâu/năm”. Ông Sơn nhấn mạnh, người dân như ông ủng hộ chủ trương của Nhà nước làm dự án cung cấp điện cho cộng đồng, song việc thu hồi đất khiến họ chịu thiệt thòi, mất đi nguồn thu nhập ổn định hằng năm. Vì thế giá bồi thường không nên định quá thấp, các hộ dân khó chấp thuận. Ông Sơn không phải là trường hợp hiếm hoi, mà là ý kiến mang tính điển hình trong nhiều dự án đang triển khai tại Đồng Nai, đặc biệt những nơi đất đai đang có giá.

Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nhận xét: “Các khiếu nại về đất đai tại huyện trong thời gian qua phần lớn liên quan đến giá bồi thường thấp. Thực tế, giá bồi thường của Nhà nước ở nhiều dự án còn thấp hơn rất nhiều so với giá người dân giao dịch ngoài thị trường nên nhiều hộ dân không chấp thuận, gây khó khăn trong triển khai các dự án”. Qua khảo sát, ở những khu vực gần các tuyến đường lớn tại huyện Nhơn Trạch, với đất không vướng quy hoạch dự án người dân hiện đang sang nhượng 6-10 tỷ đồng/hécta, trong khi Nhà nước thu hồi đất thì giá bồi thường chỉ 1-2 tỷ đồng/hécta.

Tổng số lượt, người khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 và 2018  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Tổng số lượt, người khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 và 2018 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Tại TP.Biên Hòa, giá đất nông nghiệp ở nhiều phường, xã người dân giao dịch lên đến 20-40 tỷ đồng/hécta, song Nhà nước thu hồi đất làm dự án thì giá bồi thường chỉ bằng khoảng 10%. “Trong những đơn khiếu nại TP.Biên Hòa nhận được, hầu hết liên quan đến giá bồi thường đất đai quá thấp. Đây cũng là lĩnh vực hay xảy ra khiếu kiện đông người”- Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay.

* Cần rà soát liên tục

Đồng Nai đang triển khai rất nhiều dự án của Trung ương, tỉnh, địa phương. Do đó nếu trong công tác thẩm định giá bồi thường còn thấp hơn quá nhiều so với giá ngoài thị trường thì việc khiếu kiện về đất đai là khó tránh khỏi. Nếu giải quyết không tốt, rất dễ phát sinh khiếu kiện đông người, kéo dài nhiều năm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhận xét: “Trong các vụ khiếu  kiện gửi về tỉnh, có gần 90% liên quan đến đất đai và chủ yếu là giá đất. Gần 2 năm qua, giá đất lên cơn sốt “ảo” làm ảnh hưởng đến việc tính toán giá bồi thường. Nhưng việc thuê các đơn vị tư vấn giá đất bồi thường chưa phù hợp cũng gây bức xúc cho người dân”. Ông Chánh dẫn chứng, có trường hợp bị thu hồi thửa đất ngang 50m, dài 70m và chủ mảnh đất đề nghị chỉ cần trả lại cho họ mảnh đất ngang 25m, dài 50m ở sâu vào trong cũng được và không cần nhận tiền bồi thường. Điều này chứng tỏ khâu tính toán, giá bồi thường chưa thỏa đáng. Tương tự, nhiều người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án đề xuất không cần nhận bồi thường, chỉ cần thu hồi đất 1 hécta thì trả lại 0,7-0,8 hécta ở khu vực khác xa hơn, giá trị thấp hơn một chút nhưng có đường đi lại là được. Tuy nhiên điều này khó có thể thực hiện vì không có sẵn quỹ đất để đổi đất cho dân.

Trong đợt giám sát đầu tháng 1-2019 tại Đồng Nai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Dương Quốc Anh nhấn mạnh: “Đồng Nai là nơi phải thu hồi nhiều đất để triển khai nhiều dự án của Trung ương, địa phương. Do đó, tỉnh chú ý xây dựng giá bồi thường, tái định cư cho người dân hợp lý sẽ giảm được khiếu kiện”. 

Hương Giang

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

 

“Đồng Nai là nơi đông dân cư, thời gian qua là tâm điểm của cơn “sốt” đất, điều này ảnh hưởng  lớn đến công tác bồi thường, khó tránh khỏi khiếu kiện về giá bồi thường. Trong thời gian tới, tỉnh nên tiến hành rà soát lại các dự án, không để xảy ra dự án “treo” kéo dài, hoặc giá bồi thường quá thấp ảnh hưởng đến người dân”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh:

“Giá bồi thường ở nhiều dự án còn thấp gây thiệt thòi cho người dân, dẫn đến việc khiếu kiện liên quan đến đất, đặc biệt là giá đất còn nhiều. Đây là hạn chế trong quá trình chọn đơn vị tư vấn giá bồi thường chưa thích hợp. Những dự án khiếu kiện nhiều thì càng cần phải xem xét lại tính toán cho phù hợp”.

 

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường:

“Giá bồi thường đất đai trên địa bàn tỉnh được tính theo từng dự án. Do đó, trong quá trình tính toán giá bồi thường, các địa phương có dự án nên chú ý nếu thấy mức giá quá thấp so với giá thực tế có thể đề xuất xem xét, tính toán lại. Như vậy khi dự án tiến hành bồi thường sẽ thuận lợi hơn”.

 

Tin xem nhiều