Báo Đồng Nai điện tử
En

Trái cây Tết lo mất mùa, mất giá

04:12, 09/12/2019

Thời điểm này, nhiều mặt hàng trái cây cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2020 như: bưởi, xoài, thanh long... đang gặp cảnh mất mùa. Điều khiến nhiều nhà vườn lo lắng là tuy nguồn cung giảm do mất mùa nhưng giá bán của nhiều loại trái cây hiện đang khá thấp.

Thời điểm này, nhiều mặt hàng trái cây cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2020 như: bưởi, xoài, thanh long... đang gặp cảnh mất mùa. Điều khiến nhiều nhà vườn lo lắng là tuy nguồn cung giảm do mất mùa nhưng giá bán của nhiều loại trái cây hiện đang khá thấp.

Một vườn bưởi đường lá cam tại xã Bình Lợi. Ảnh: L.QUYÊN
Một vườn bưởi đường lá cam tại xã Bình Lợi. Ảnh: L.QUYÊN

Kỳ vọng các loại trái cây sẽ có giá tốt vào mùa Tết cũng không cao vì áp lực cạnh tranh với trái cây nhập khẩu. Ngoài ra, trái cây Đồng Nai sẽ phải cạnh tranh với trái cây từ các vùng, miền khác trong cả nước rộ mùa cùng thời điểm, đặc biệt trong vòng vài năm nay trên cả nước, nhiều loại cây ăn trái tăng nhanh về diện tích khiến nguồn cung trở nên dồi dào.

* Trái cây nghịch vụ mất mùa

Đa số các loại trái cây cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2020 như: xoài, thanh long, bưởi... hiện đều được nông dân Đồng Nai làm nghịch vụ. Nông dân thường phải đầu tư chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng... nhiều hơn để “ép” cây cho thu hoạch khác thời điểm với mùa vụ chính. Năm nay do thời tiết bất thường, các loại trái cây trên đều bị mất mùa nặng gây khó khăn không nhỏ cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc), vụ xoài nghịch vụ năm nay, sản lượng xoài hợp tác xã cung cấp ra thị trường giảm mạnh do nhiều nông dân cải tạo vườn, đổi từ giống xoài ba mùa mưa sang giống xoài bưởi cho giá trị cao hơn vì xuất khẩu được. Hiện do đầu vụ ít hàng, giá xoài giống Đài Loan bán ra tại vườn được 30 ngàn đồng/kg, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 5 ngàn đồng/kg.  Nhưng nông dân vẫn kém vui vì hầu như nhiều nhà vườn không có xoài cung cấp ra thị trường Tết. Mặt khác, hiện xoài keo giá rẻ đang tràn về “phủ sóng” khắp thị trường nội địa nên nông dân trồng xoài không quá kỳ vọng mặt hàng này sẽ còn giữ giá tốt trong thời gian tới.

Hiện tại, các địa phương của Đồng Nai đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch xoài nghịch vụ. Mùa thu hoạch sẽ vào cao điểm trong Tết Nguyên đán 2020. Đáng lo là năm nay, nhiều vùng xoài lớn trong tỉnh giảm mạnh về năng suất, thậm chí một số nơi mất trắng xoài nghịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Lý, nông dân xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, hầu hết các vườn xoài cát Hòa Lộc đều mất mùa vì đợt xoài ra bông bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Chưa kể, nhiều vườn xoài trồng giống Đài Loan, giống ba mùa mưa cũng giảm mạnh năng suất khiến nhiều nông dân lo ngại mất trắng tiền đầu tư.

Trái bưởi cũng là sản phẩm được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết. Trong đó, đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) luôn hút hàng vì được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hoặc dùng làm quà biếu Tết.

Bà Trần Thị Phương Chi, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, bưởi đường lá cam năm nay mất mùa nặng, nhiều nhà vườn không có thu hoặc hiện bưởi Tết đã chín, sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Riêng bưởi da xanh ruột hồng tuy có ảnh hưởng về năng suất nhưng nguồn cung vẫn khá dồi dào do diện tích giống bưởi này tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây. “Nhiều nhà vườn bưởi chín nhiều hiện đã buộc phải cắt bán bưởi Tết với giá hàng thường. Một số vườn chín ít đang nỗ lực xử lý kỹ thuật “neo trái” lại trên cành trễ hơn để chờ... Tết” - bà Chi nói thêm.  

* Giá vẫn thấp

Những năm gần đây, rất nhiều nông dân đổ vốn đầu tư cho vườn trái cây để ra trái nghịch vụ vào mùa Tết Nguyên đán với mong muốn bán được với giá tốt. Những loại trái cây mất mùa thường sẽ có giá bán cao hơn. Riêng năm nay, nông dân có nguy cơ rơi vào cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá.

Xoài xã La Ngà (huyện Định Quán) năm nay mất mùa nặng. Ảnh: Ngọc Liên
Xoài xã La Ngà (huyện Định Quán) năm nay mất mùa nặng. Ảnh: Ngọc Liên

Ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, cuối năm nông dân trồng thanh long đều phải thắp đèn để cây ra hoa, kết trái nghịch vụ nên chi phí cao hơn hẳn vụ thu hoạch chính.

Năm nay, ngay cả những vườn trồng đạt, sản lượng trái thu hoạch cuối năm cùng chỉ đạt 40-50% so cùng kỳ năm ngoái, có vườn phải bỏ cả lứa thu hoạch vì thời tiết nóng, lạnh thất thường khiến cây không đậu trái. Hiện cả vùng Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) này chỉ có vài vườn có trái chín thu hoạch nhưng giá thanh long tuyển đạt chuẩn xuất khẩu chưa đến 30 ngàn đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hùng: “Với tình hình giá đầu vụ thấp như hiện nay, vào rộ vụ thu hoạch mùa Tết Nguyên đán, loại trái cây này rất khó bán được với giá cao vì từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang siết chặt tiêu chuẩn kênh nhập khẩu”.

Nhiều loại trái cây khác hiện giá bán cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trái cây có múi đang đứng ở mức khá thấp. Bưởi đường lá cam loại tuyển cũng chỉ từ 500-600 ngàn đồng/chục 12 trái, giá bao vườn chỉ từ 250-300 ngàn đồng/chục; giảm khoảng 100 ngàn đồng/chục so với cùng kỳ năm ngoái. Bưởi da xanh ruột hồng chỉ khoảng 32-35 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ. Giá các loại cam, quýt cũng chỉ từ 10-14 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 5 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ. 

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ vựa thu mua trái cây tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thời gian gần đây, diện tích nhiều loại cây ăn trái tăng nhanh, nguồn cung dồi dào trong khi đầu ra lại gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn nhập khẩu. “Nhiều loại trái cây mất mùa nhưng khó kỳ vọng giá cao do nguồn cung rất dồi dào vì không chỉ diện tích trái cây của Đồng Nai mà nhiều tỉnh khác cũng tăng cao” - bà Nga nhận xét.    

Hiện toàn tỉnh có trên 11 ngàn hécta xoài, trên 5 ngàn hécta bưởi, gần 1 ngàn hécta thanh long; tăng hàng ngàn hécta so với vài năm trước đó. Với những loại cây ăn trái được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều năm nay, nông dân tập trung vào xử lý cho cây cho thu hoạch nghịch vụ đạt năng suất cao. Theo TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, việc lạm dụng phân, thuốc hóa học “ép” cây trồng cho năng suất cao là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, sự cân bằng sinh học bị phá vỡ, dịch bệnh bùng phát vì kháng thuốc, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan...

  Bình Nguyên

Tin xem nhiều