Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai hướng đến 'công nghiệp xanh'

09:01, 30/01/2020

Năm 2020 là năm có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và là tiền đề cho giai đoạn tới của đất nước...

Năm 2020 là năm có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và là tiền đề cho giai đoạn tới. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, do đó giữ vai trò khá quan trọng trong hoàn thành kế hoạch năm và cả giai đoạn của Chính phủ.

Dệt may là ngành sản xuất công nghiệp lớn thứ 2 của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
Dệt may là ngành sản xuất công nghiệp lớn thứ 2 của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Theo kế hoạch năm 2020 của tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn phấn đấu tăng 8-9% so với năm 2019. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%, thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 1 tỷ USD, thành lập mới gần 4 ngàn doanh nghiệp (DN)...  Ngoài ra, tỉnh cũng đưa ra các giải pháp để hỗ trợ DN phát triển sản xuất.

* 2019 tạo tiền đề cho năm mới

Năm 2019, Đồng Nai đã giải ngân vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong các khu công nghiệp đạt hơn 1,65 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần kế hoạch năm. Nguồn vốn trên phần lớn được các DN dùng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị và đưa vào vận hành. Đồng thời, có 95 dự án trong các khu công nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 89 dự án của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn hơn 577 triệu USD. Những dự án hoàn thành trong năm vừa qua, hầu hết là sản xuất hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho rằng, các dự án đầu tư vào khu công nghiệp giải ngân nhanh đã giúp DN sớm đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Như vậy, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ có cơ sở tăng khá, đóng góp thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Trong các khu công nghiệp hiện có 85 dự án đang tiến hành xây dựng và các DN đều gấp rút hoàn thành để sớm đưa vào sản xuất. Lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ DN rất tốt về thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện, có dự án chỉ sau 8-12 tháng đã làm xong nhà xưởng, lắp ráp dây chuyền và đi vào vận hành thực tế” - ông Sỹ nói.

Ngoài ra, mấy năm qua, xuất hiện xu hướng mới là một số công ty hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng sẵn nhà xưởng đủ kích cỡ để cho DN thứ cấp thuê để sản xuất công nghiệp.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản như: Sojitz, Ajinomoto, Fujitsu, Mitsubishi, Hisamitsu... đều có mặt tại Đồng Nai và thời gian qua liên tục tăng vốn, mở rộng sản xuất. Hiện vốn đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai đã đạt gần 4,7 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Gần đây, trong các đợt xúc tiến thương mại, DN Nhật Bản và DN trong nước tại Đồng Nai đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm cho nhau”.

* Hướng đến “công nghiệp xanh”

Mục tiêu của Đồng Nai trong năm 2020 và những năm tiếp theo là sẽ tiếp tục phát triển “công nghiệp xanh”, nghĩa là ưu tiên các dự án không gây hại đến môi trường, đồng thời đề cao trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án. Do đó, các dự án mà tỉnh cấp chủ trương đầu tư đều phải đáp ứng yêu cầu có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động... Từ quy định trên, nhiều năm nay, những dự án Đồng Nai thu hút được đều phù hợp với yêu cầu của tỉnh và từng bước xây dựng nền “công nghiệp xanh”.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư nhận xét: “Đồng Nai có hơn 10 năm thu hút đầu tư có chọn lọc, những dự án đi vào hoạt động trong thời gian qua đều thuộc những lĩnh vực tỉnh ưu tiên mời gọi. Cụ thể là công nghiệp hỗ trợ và có công nghệ tiên tiến, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng nhiều lao động thì đều bị từ chối”.

Hiện các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của Đồng Nai đều đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, nhiều khu công nghiệp lượng nước thải lớn, ổn định đã lắp trạm quan trắc tự động để truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường nhằm quản lý, bảo vệ môi trường được tốt hơn.

Các nhà máy sản xuất ngoài khu công nghiệp không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm cũng được UBND tỉnh đưa vào danh sách phải di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong năm nay, ngoài việc mở rộng và tiến hành đầu tư các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt (35 khu công nghiệp) thì Đồng Nai dự tính sẽ đưa vào quy hoạch tỉnh thêm 8 khu công nghiệp nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp cho giai đoạn tới.

Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 cho biết: “Với những lợi thế về giao thông, khí hậu, hạ tầng khu công nghiệp, Đồng Nai sẽ tiếp tục là nơi thu hút được nhiều DN đầu tư vào công nghiệp. Nhiều DN đang hoạt động, trong đó có Hyosung cũng sẽ tiếp tục tăng vốn mở rộng sản xuất, xuất khẩu”. Hầu hết các công ty sản xuất công nghiệp đều đặt kế hoạch năm 2020 đạt mức tăng trưởng từ 10-20% trở lên. Họ cho rằng kế hoạch đã đề ra sát với thực tế, có thể đạt và vượt.

Hương Giang

Tin xem nhiều