Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để du lịch Đồng Nai 'cất cánh'

09:05, 20/05/2021

Dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tap, ngành Du lịch vẫn còn trong trạng thái "dập dềnh" theo "làn sóng" dịch. Đây chính là thời điểm vàng để ngành Du lịch nhìn lại chính mình, rút ra những hạn chế và tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư...

Dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tap, ngành Du lịch vẫn còn trong trạng thái “dập dềnh” theo “làn sóng” dịch. Đây chính là thời điểm vàng để ngành Du lịch nhìn lại chính mình, rút ra những hạn chế và tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư...[links()]

Hồ Đa Tôn với cảnh đẹp hùng vĩ chưa được khai phá. Nguồn: Sở VH-TTDL
Hồ Đa Tôn với cảnh đẹp hùng vĩ chưa được khai phá. Nguồn: Sở VH-TTDL

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái, Đồng Nai tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch và nguồn lực để hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có khả năng thu hút khách. Đồng thời, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu để đưa du lịch trở thành một trong những nhiệm vụ đột phá. Tuy nhiên, để đạt được những mong muốn trên, Đồng Nai phải nhanh chóng khắc phục những vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua.

* Nhiều “nút thắt” cần “giải phóng”

Dù xác định sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh sẽ là du lịch sinh thái, nhưng chính những tiềm năng du lịch này đang có những điểm nghẽn từ nhiều năm nay chưa thể giải tỏa. Đồng Nai hiện có các dự án liên quan đến du lịch sinh thái rừng như: dự án Khu du lịch công viên thú bán hoang dã Safari (đề xuất chủ trương đầu tư từ năm 2017), Khu du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước sôi đề xuất chủ trương đầu tư năm 2017, hồ Đa Tôn (năm 2019), dự án tuyến du lịch đường sông (năm 2018)...Những dự án trên nếu được triển khai sẽ nâng tầm và tạo nên thương hiệu du lịch riêng cho Đồng Nai. Tuy nhiên, những dự án này hiện nay đều đang vướng các quy định liên quan đến đất rừng. Các chủ đầu tư muốn triển khai các dự án du lịch trên diện tích đất rừng phải hợp đồng thuê môi trường rừng theo luật định.

Phát huy vai trò quảng bá, liên kết du lịch

Một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh cho rằng, thời gian qua, mặc dù có sự nỗ lực nhưng vai trò của một số đơn vị, tổ chức như Hiệp hội du lịch tỉnh, Trung tâm xúc tiến du lịch vẫn chưa phát huy hết vai trò là mắt xích kết nối, quảng bá để thúc đẩy ngành du lịch. Theo đó, sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh còn nhiều khoảng trống. Bởi trên thực tế, những đơn vị này chính là cánh tay nối dài, giúp cơ quan quản lý đánh giá, cập nhật thông tin về thị trường du lịch để kịp thời tham mưu các đơn vị quản lý, UBND tỉnh có những chính sách, chế tài nhằm đưa du lịch phát triển bài bản, chuyên nghiệp và bền vững.

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, kể từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực đến nay chưa có địa phương nào thực hiện cho thuê môi trường rừng theo quy định mới. Trong khi đó, luật mới có nhiều quy định chi tiết, ràng buộc đơn vị thuê môi trường rừng phải thực hiện nghiêm mục đích sử dụng, bảo đảm giữ diện tích đất rừng đúng theo quy định. Sở NN-PTNT đang xin ý kiến các sở, ngành liên quan về hợp đồng cho thuê môi trường rừng đầu tiên áp dụng theo Luật Lâm nghiệp tại H.Định Quán, sau khi có sự thống nhất, hợp đồng sẽ được ký với chủ đầu tư để triển khai các dự án du lịch trên diện tích môi trường rừng đã thuê. Trên cơ sở đó, những dự án thuê môi trường rừng tiếp theo sẽ rút kinh nghiệm để ký với các chủ đầu tư kinh doanh và khai thác du lịch.

Năm 2018, tuyến du lịch đường sông (TP.Biên Hòa) giai đoạn 1 được đưa vào khai thác, tuy nhiên do các điểm đến theo kế hoạch chưa được đầu tư nên tuyến du lịch này sau vài lần mở rồi lại đóng do khai thác chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do dự án còn đang vướng trong công tác bồi thường, giải tỏa để thực hiện chuyển đổi mục đích đã được Chính phủ chấp thuận. 

* Thay đổi tư duy làm du lịch

Không để nhà đầu tư “quay lưng”

Một trong những nội dung quan trọng luôn được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đến vấn đề thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch chính là phải tạo điều kiện tối đa để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án. Trong quá trình mời gọi đầu tư, tùy vào khả năng của từng địa phương sẽ có những chính sách, cách giải quyết hợp lý nhất để vừa bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả nhà đầu tư lẫn địa phương nơi có dự án. Các địa phương, sở, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm nếu để nhà đầu tư “quay lưng” vì khó tiếp cận dự án.

ThS Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn nhận định, những năm gần đây, Đồng Nai đã quan tâm nhiều hơn đến phát triển du lịch với các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên những chính sách cụ thể hơn thì chưa được chú trọng. Ví dụ, TP.Long Khánh thời gian gần đây phát triển du lịch sinh thái vườn nhưng vẫn chỉ làm theo mùa nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư cho du lịch. Đây là lúc chính quyền địa phương thể hiện vai trò của mình bằng các chính sách khuyến khích đầu tư, có quy hoạch bài bản, có những quy định về làm du lịch vườn. Những hộ đăng ký làm du lịch và có những cam kết theo quy hoạch sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ từ huyện, tỉnh. Bên cạnh việc hỗ trợ, cần có những tiêu chuẩn cho một sản phẩm du lịch, đồng thời có những công cụ quản lý để đưa du lịch trở thành sản phẩm chuyên nghiệp, theo đúng quy hoạch, có cấp phép, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, phá vỡ quy hoạch.

Đồ họa thể hiện một số dự án du lịch lớn, có thể tạo đột phá cho du lịch Đồng Nai dự kiến được triển khai trong thời gian tới. Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện một số dự án du lịch lớn, có thể tạo đột phá cho du lịch Đồng Nai dự kiến được triển khai trong thời gian tới. Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Quân

Có thể thấy, để không làm mất đi nguồn tài nguyên, Đồng Nai cần có một hành lang chính sách phát triển du lịch căn bản nhất như thu hút đầu tư, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân làm du lịch. Đối với các dự án lớn, có tầm vóc, cần chọn lọc những nhà đầu tư thật sự muốn phát triển về du lịch, tránh tình trạng “xí” được dự án nhưng không làm du lịch như đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Đối với doanh nghiệp lữ hành, bản thân các doanh nghiệp cũng như Nhà nước phải có sự phối hợp, tạo ra những tour du lịch riêng của Đồng Nai để quảng bá, đưa khách về Đồng Nai. Vấn đề này hiện nay các doanh nghiệp du lịch lữ hành của TP.HCM, Tiền Giang đang khai thác rất tốt việc đưa khách về TP.HCM, do đó, họ rất chăm chút cho các điểm đến.

Hai nhiệm vụ đột phá của ngành Du lịch

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VHTT-DL cho biết, trong thời gian tới, ngành Du lịch Đồng Nai xác định hai nhiệm vụ đột phá. Thứ nhất, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng để tạo đà cho ngành Du lịch, Phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh như: cảng hàng không quốc tế Long Thành; các tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu...; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm, các bến thủy phục vụ phát triển du lịch đường sông. Thứ hai, đầu tư hình thành một số khu du lịch trọng điểm (dự án Safari, dự án Thác Mai - Bàu nước sôi, dự án du lịch hồ Đa Tôn, cụm dự án du lịch tại núi Chứa Chan và hồ Núi Le, tuyến du lịch đường sông) để tạo điểm nhấn và đột phá phát triển cho du lịch Đồng Nai.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều