Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản

02:10, 28/10/2021

Để hạn chế rủi ro liên quan đến yếu tố mùa vụ và nâng cao giá trị hàng nông sản, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ) đã đầu tư 5 kho lạnh cấp đông sản phẩm bán cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Để hạn chế rủi ro liên quan đến yếu tố mùa vụ và nâng cao giá trị hàng nông sản, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ) đã đầu tư 5 kho lạnh cấp đông sản phẩm bán cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ giới thiệu sản phẩm mít cấp đông với cán bộ xã. Ảnh: Lê Vy
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ giới thiệu sản phẩm mít cấp đông với cán bộ xã. Ảnh: Lê Vy

Mùa dịch vừa qua, các kho lạnh của bà Dung hoạt động hết công suất. Nhờ đó, nhiều nông dân trồng mít, sầu riêng trên địa bàn H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc và TP.Long Khánh tiêu thụ được nông sản.

* Ước mơ  “tủ lạnh khổng lồ”

Bà Dung cho biết, bà đã có hơn 30 năm làm nông nghiệp nên hiểu được nỗi lo của người nông dân. Khi khan hàng, thương lái tìm kiếm khắp nơi, giành nhau mua, nhưng khi dội mùa, quá nửa nông sản bị xếp vào hàng dạt, giá thấp. Có thời điểm, nông sản bị bỏ héo rũ, thối mục ngoài vườn vì ăn không hết, bán không ai mua. Khi đó, bà Dung ước mơ có tủ lạnh khổng lồ để bảo quản được nhiều nông sản.

Thế rồi ý tưởng đầu tư kho lạnh được nhen nhóm, nhưng “lực bất tòng tâm” vì khi đó bà Dung chỉ là người trồng mít, vốn không sẵn, không quen buôn bán, mối lái, địa phương cũng chưa có ai làm kho lạnh. “Tôi nghĩ đến kho lạnh thì “khoái” lắm, nhưng không đủ sức đầu tư” - bà Dung chia sẻ.

Sau nhiều suy tính, bà Dung quyết định học nghề buôn bán nông sản bằng cách dẫn mối cho các thương lái trong và ngoài vùng đi mua mít, sầu riêng, chuối. Quá trình theo mối, bà học được kinh nghiệm kiểm tra hàng, cách phân loại, cách tìm mối bán buôn.

Khoảng 3 năm vào nghề, bà Dung đầu tư được 2 kho lạnh, nhưng vẫn duy trì buôn bán trái cây. Khi bán không kịp hoặc dội hàng, bà mua về trữ trong kho. Nhận thấy việc trữ trái cây tốn diện tích kho, tốn tiền điện, lợi nhuận không cao, bà Dung nghĩ cách lột múi trái cây cấp đông. Thông qua các bạn hàng, bà tìm được mối cung ứng hàng trực tiếp cho doanh nghiệp.

“Dịch bệnh khiến tiêu thụ nông sản khó khăn, lưu thông bị ách tắc mới thấy giá trị của kho lạnh. Nhìn cảnh củ sắn, mít, hoa màu của nông dân héo úa, chín mục tôi xót lắm, nhưng không mua được vì không có chỗ để. Tiếng là có 5 kho lạnh nhưng vào mùa vụ chẳng thấm tháp vào đâu. Tôi chỉ cấp đông mít và sầu riêng đã lột vỏ” - bà Dung chia sẻ.

Hiện tại, bà Dung có 5 kho lạnh, công suất bình quân 4 tấn/kho. Sản phẩm sầu riêng, mít cấp đông được bán cho các công ty sản xuất bánh kẹo, đồ uống xuất khẩu tươi và sấy khô. Vào vụ mùa, hơn 100 nhân công làm các công việc: vận hành kho lạnh, thu hoạch và bốc xếp hàng, lột trái cây. Không chỉ thu mua sản phẩm trên địa bàn H.Cẩm Mỹ và các huyện lân cận, bà Dung còn mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đắk Lắk. Đợt dịch vừa qua, bà duy trì thu mua sầu riêng giá bình quân 40 ngàn đồng/kg; mít đã lột vỏ bình quân 10 ngàn đồng/kg và mít nguyên trái trung bình khoảng 2,5-4 ngàn đồng/kg.

* Hoàn thiện chuỗi  sản xuất - tiêu thụ

Từ đầu tháng 6 đến nay, dịch bệnh Covid-19 ở Đồng Nai diễn biến phức tạp khiến đầu ra nhiều loại nông sản bị ngưng trệ, giảm giá sâu. Tuy nhiên, không ít nhà vườn vẫn bán được nông sản với mức giá tạm chấp nhận được. Đó là nhờ ký hợp đồng liên kết tiêu thụ, nhờ có các kho lạnh bảo quản sản phẩm.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bảo chia sẻ, trong thời gian giãn cách xã hội, một số mặt hàng có sản lượng tương đối lớn như: củ sắn, mít, thanh long tiêu thụ chậm. Nhưng đến nay, gần như đã được “giải cứu” hết. Đó là sự nỗ lực kết nối của đoàn thể và chính quyền xã, sự hỗ trợ của huyện và các tư thương thu mua bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Để hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, xã tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho các cá nhân, tổ chức đầu tư khoa học công nghệ vào khâu sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản.

Đầu tư vào bảo quản, chế biến nông sản để giảm rủi ro, nâng cao giá trị và hoàn thiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản là câu chuyện đã được nhắc đến từ lâu. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư vào kho trữ lạnh và chế biến sâu lại càng trở nên cần thiết. Nó được ví như việc mỗi gia đình cần có một tủ lạnh để dự trữ và bảo quản thực phẩm. Thế nhưng, chưa nhiều nông dân, HTX, kể cả doanh nghiệp làm được vì chi phí đầu tư khá lớn. Nếu làm được điều này, HTX sẽ có nhiều lợi thế để ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ.

“Trước kia, vào mùa mít, có ngày tôi cắt 50-70 tấn trái. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây, sản phẩm còn tồn đọng nhiều nên phải giảm sản lượng thu mua. Nếu các HTX, tổ hợp tác cũng đầu tư được kho lạnh thì tiêu thụ nông sản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều” - bà Dung cho hay.

Cũng theo bà Dung, hiện nông sản, đặc biệt là trái cây cấp đông rất có tiềm năng cả nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra. Các kho lạnh của bà đang có đầu ra ổn định, do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, bà sẽ đầu tư nâng cấp để vừa tăng công suất lưu kho, giảm tiêu hao điện năng, vừa bảo quản tốt hơn chất lượng sản phẩm.

Ban Mai

 

Tin xem nhiều