Báo Đồng Nai điện tử
En

Cả đời học và làm theo Bác

11:02, 01/02/2016

Năm nay 93 tuổi - cái tuổi "thượng thọ" nhưng khi được hỏi về thời giác ngộ cách mạng, chiến đấu hy sinh chống chủ nghĩa thực dân; đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh Phủ Chủ tịch và thường xuyên được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Ngọc Thạch ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) phấn chấn hẳn lên.

Năm nay 93 tuổi - cái tuổi “thượng thọ” nhưng khi được hỏi về thời giác ngộ cách mạng, chiến đấu hy sinh chống chủ nghĩa thực dân; đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh Phủ Chủ tịch và thường xuyên được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Ngọc Thạch ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) phấn chấn hẳn lên.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch kể cho cháu ngoại nghe về những kỷ niệm trong thời gian bảo vệ Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Khu di tích Phủ Chủ tịch).  Ảnh: N. Sơn
Ông Nguyễn Ngọc Thạch kể cho cháu ngoại nghe về những kỷ niệm trong thời gian bảo vệ Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Khu di tích Phủ Chủ tịch). Ảnh: N. Sơn

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nguyễn Ngọc Thạch tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và đến năm 1946 - ở tuổi 23 đầy nhiệt huyết, người thanh niên yêu nước ấy chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau cho đến tháng 5-1955, ông tập kết ra Bắc và chuyển sang Bộ Công an.

3 năm đầu tiên công tác ở Bộ Công an, ông Nguyễn Ngọc Thạch may mắn được tham gia lực lượng bảo vệ Phủ Chủ tịch (nay là Khu di tích Phủ Chủ tịch) nên thường xuyên được gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn khắc sâu vào tâm trí của ông. Ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết điều mà ông tâm đắc và dành cả đời để học cũng như giáo dục con cháu của mình đó chính là tấm lòng vị tha của Bác Hồ.

Ông kể, có lần ông và một số đồng chí khác trong lúc đùa giỡn đã làm vỡ tấm kiếng trên bàn của Bác, Bác không la mắng mà lẳng lặng thu dọn những mảnh kiếng vỡ. Không la mắng, không trách móc không có nghĩa là xong chuyện mà Bác sẽ dùng cách khác để giáo dục, khiến ai ai cũng phải “tâm phục khẩu phục”.

Sau 3 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Phủ Chủ tịch, Bộ Công an rút ông về làm nhiệm vụ quản lý trại giam rồi thanh tra. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu nên cuối năm 1978 ông xin nghỉ công tác tại Bộ Công an và tham gia công tác tại địa phương với các cương vị Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng trại chăn nuôi, Trưởng ban Kiểm sát Hợp tác xã nông nghiệp thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (Hà Nội). Năm 1979, gia đình ông chuyển vào xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu sinh sống. Ngoài tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương, ông còn tham gia Hợp tác xã tín dụng xã Tân Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình cho đến năm 1989 ông về nghỉ hưu hẳn.

Trở về với cuộc sống đời thường, thông qua báo chí ông vẫn không ngừng theo dõi quá trình vận động phát triển của địa phương, của đất nước.

Nói về đảng viên 70 năm tuổi Đảng Nguyễn Ngọc Thạch, ông Tạ Quốc Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình, cho biết trên 35 năm sinh sống tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), ông Nguyễn Ngọc Thạch đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Bản thân ông luôn sống giản dị, gương mẫu chấp hành và vận động con cháu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những cống hiến của ông trong quá trình khánh chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xứng đáng để các thế hệ đảng viên và nhân dân trong xã noi theo.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều