Báo Đồng Nai điện tử
En

Một căn nhà có hai đồng sở hữu?

09:07, 27/07/2007

Theo đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Ba (SN 1940, thường trú tại nhà số 83, KP8, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa), ngày 23-11-1990, vợ ông là bà Lê Thị Kim Loan (SN 1947) đứng tên mua của ông Võ Văn Phúc căn nhà số 55/23 (tổ 38, KP8, phường Tân Phong).

Ông Nguyễn Văn Ba trước ngôi nhà số 55/23.

Theo đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Ba (SN 1940, thường trú tại nhà số 83, KP8, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa), ngày 23-11-1990, vợ ông là bà Lê Thị Kim Loan (SN 1947) đứng tên mua của ông Võ Văn Phúc căn nhà số 55/23 (tổ 38, KP8, phường Tân Phong). Sau khi hoàn thành thủ tục, Sở Xây dựng đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mang tên bà Loan (Quyết định số 16815/CN-SHN ký ngày 8-2-1991). Thực tế, do đang ở tại nhà số 83, KP8, phường Tân Phong nên gia đình bà Loan không sử dụng nhà số 55/23. Thấy vậy, ông Phúc liền xin bà Loan cho cháu gái của ông là Trương Thị Hồng từ miền Tây lên ở nhờ.

Đến năm 1998, lấy cớ làm thủ tục xin nhập hộ khẩu từ Vĩnh Long về Biên Hòa nên bà Hồng mượn giấy chủ quyền nhà của bà Loan. Không hề cảnh giác trước một người đã ở nhờ 8 năm trời nên bà Loan đưa ngay. Không ngờ sau đó, từ giấy chủ quyền này, bà Hồng đã "phù phép" làm các thủ tục để được sở hữu căn nhà 55/23.

Ông Nguyễn Văn Ba khẳng định, một trong những trò "ảo thuật" của bà Hồng là đã làm giả giấy giao kèo giữa các bên: Ông Võ Văn Phúc (người bán nhà số  55/23) - bà Lê Thị Kim Loan  (chủ nhà mới) - Trương Thị Hồng (người được ông Phúc ủy quyền). Nội dung của bản giao kèo này nêu khá cụ thể là ông Phúc đi xuất cảnh sang Mỹ nên ủy quyền căn nhà cho cháu gái là Trương Thị Hồng sử dụng. Song, vì bà Hồng không có hộ khẩu thường trú ở Đồng Nai nên ông Phúc đã nhờ bà Loan đứng tên mua để hợp thức hóa thủ tục nhà đất. Tại bản giao kèo này, bà Hồng còn giả chữ ký của ông Nguyễn Văn Ba (chồng bà Loan) với tư cách là nhân chứng.

Sau khi đã có những "bửu bối" trong tay, năm 2000 (khi đó bà Loan đã chết) bà Hồng liền phá ngôi nhà cũ (nhà khung gỗ, mái ngói, vách ván, nằm trên diện tích đất rộng 12 mét, dài 22 mét) để xây mới. Biết được sự việc, ông Ba đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Sau đó bà Hồng bỏ nhà này và chuyển đi nơi khác ở (phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) nhưng vẫn giữ chủ quyền nhà mà bà Loan giao từ năm 1998. Năm 2001, ông Ba xây nhà ở trên nền nhà cũ này. Năm 2002, ông Ba nộp đơn tại Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa kiện bà Hồng cố ý chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, cùng thời điểm này, ông Ba lại được Tòa án nhân dân tỉnh triệu tập lên làm việc trong tư thế là bị đơn, còn bà Hồng đứng đơn kiện. Tháng 4-2003, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa nguyên đơn là bà Hồng và bị đơn là ông Ba (Quyết định số 01/DSST ngày 1-4-2003)...

Liên tục từ năm 2003 đến nay, ông Ba đến nhiều cơ quan chức năng kiến nghị xem xét, giải quyết theo hướng yêu cầu bà Hồng trả lại khoản tiền đối với căn nhà bị phá hỏng, đồng thời trả lại giấy chủ quyền căn nhà số 55/23 mang tên bà Lê Thị Kim Loan, nhưng không có kết quả. Ông Ba bức xúc nói: "Điều dễ nhận thấy là từ khi bà Hồng đi khỏi (năm 2001), gia đình tôi vẫn ở tại địa chỉ số 55/23. Đây là cơ sở cho thấy gia đình tôi là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất!". Trong khi đó, bà Hồng một mực cho rằng chính bà mới là người bị ông Ba lừa, bởi từ khi ở trong căn nhà đang tranh chấp cho đến nay, hàng năm bà vẫn đóng thuế đầy đủ. Tuy nhiên, khi được hỏi cơ sở nào để chứng minh mình là người sở hữu hợp pháp căn nhà 55/23, thì bà Hồng cho biết không thể đưa những loại giấy tờ thuộc loại "mật" cho nhà báo xem được. Bà Hồng còn nói, do Tòa  án chưa tiến hành xét xử lại nên bà vẫn để ông Ba sử dụng toàn bộ diện tích của nhà số  55/23.

 Đỗ Duy

 

Tin xem nhiều