Báo Đồng Nai điện tử
En

Mất tiền tỷ, do lòng tin hay lòng tham?

09:04, 01/04/2014

Việc chơi hụi, cho vay lấy lãi đã khiến nhiều người trắng tay do chủ hụi, người huy động vốn tuyên bố vỡ nợ, vỡ hụi. Khi họ làm đơn nhờ cơ quan điều tra vào cuộc thì lại gặp khó khăn, thậm chí không có cơ sở xử lý.

Việc chơi hụi, cho vay lấy lãi đã khiến nhiều người trắng tay do chủ hụi, người huy động vốn tuyên bố vỡ nợ, vỡ hụi. Khi họ làm đơn nhờ cơ quan điều tra vào cuộc thì lại gặp khó khăn, thậm chí không có cơ sở xử lý.

Trao cho người khác hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều người chỉ ghi vài dòng sơ sài. Trong ảnh: Một chủ nợ xem lại chữ ký nhận tiền của bà L.
Trao cho người khác hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều người chỉ ghi vài dòng sơ sài. Trong ảnh: Một chủ nợ xem lại chữ ký nhận tiền của bà L.

Vụ án bà Nguyễn Thị Bằng (ngụ TP.Biên Hòa) được tòa tuyên không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới đây khiến nhiều chủ nợ, hụi viên lo lắng về việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến vay mượn tiền trong xã hội.

* Cho mượn tài sản bằng… lòng tin

Tại phiên tòa xét xử bà Nguyễn Thị Bằng (ngày 24-3), khi được tòa hỏi lý do đem tiền cho bị cáo vay để rồi bị “quỵt”, nhiều bị hại cho rằng: chỉ vì tin tưởng! Nhiều người cho biết, từng làm chung công ty, ở gần nhà, chỗ bạn bè, có quen biết… với bị cáo nên đã giao cho bị cáo một số tiền lớn nhằm kiếm lời khi đồng tiền nhàn rỗi không biết để làm gì. Như vậy, chỉ với “lòng tin” không có cơ sở, nhiều người đã đem tài sản cho người khác vay mượn mà không hề có một ràng buộc pháp lý nào.

Thực tế cuộc sống đã có không ít vụ vỡ nợ, vỡ hụi khiến nhiều người rơi vào tình cảnh điêu đứng. Như trường hợp hàng trăm người khổ sở vì bà L. (chủ tiệm vàng Y.L, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) bất ngờ tuyên bố vỡ nợ. Nhiều người cho biết, ban đầu bà L. vay tạm ít vốn để kinh doanh. Sau khi đã huy động hàng trăm tỷ đồng của nhiều người, bà L. mới tuyên bố vỡ nợ.

Tương tự, đầu năm 2013, hơn 90 người dân xã Tam An (huyện Long Thành) đã lâm vào cảnh điêu đứng vì bị bà H. (ngụ cùng xã) tuyên bố vỡ hụi, sau khi thu hụi của họ hàng tỷ đồng. Sau khi vụ việc vỡ lở, nhiều người dân đã làm đơn tố cáo bà H. lừa đảo.

Đối với những người như bà L., bà H…, để tạo niềm tin nơi các chủ nợ, hụi viên, ngoài “uy tín” được tốn công tạo dựng, họ còn thuyết phục các chủ nợ, hụi viên bằng việc tăng tiền lời lên nhiều lần. Đây chính là cách tạo lòng tin bằng việc đánh vào lòng tham của người khác.

Theo một cán bộ điều tra, thời gian gần đây cơ quan công an thụ lý rất nhiều đơn thư tố cáo chủ nợ, chủ hụi về các hành vi tương tự. Nhưng việc thụ lý các vụ việc này gặp nhiều khó khăn, do quan hệ giữa các bên phần lớn chỉ là giao dịch dân sự.

* Mất của vì thiếu hiểu biết

Theo luật sư Trương Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai, các vụ việc vỡ hụi, vỡ nợ… xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cho thấy, đa số các vụ vay mượn, chơi hụi đều xuất phát từ quan hệ dân sự. Khi vướng vào các vụ việc này, người dân nên khởi kiện ra tòa dân sự để được giải quyết. Quá trình thụ lý, xét thấy có dấu hiệu tội phạm, tòa sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra. Trong trường hợp này, người khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh nội dung khởi kiện của mình để tòa xem xét và cung cấp thông tin cho cơ quan công an.

Cũng theo luật sư Dũng, nếu giải quyết theo hướng dân sự thì việc người dân giao dịch, trao đổi tài sản cho nhau được chứng minh bằng các giấy tờ có chữ ký là đã có cơ sở pháp lý. Nhưng khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội của người bị tố cáo. Trên thực tế, các trường hợp vay mượn, thế chấp, hụi hè… thường rất khó chứng minh hành vi phạm tội. Trong khi đó, tâm lý của những người chơi hụi, cho vay… đều mong muốn giải quyết vụ việc theo hướng hình sự hóa để dễ đòi lại tài sản của mình.  Luật sư Dũng cho biết thêm, nhiều người dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã vô tình tạo điều kiện cho người khác lợi dụng chiếm đoạt tài sản của mình.

Ông Phan Văn Thắng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế - chức vụ (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) nhận định, ngoài thiếu kiến thức pháp luật, nhiều người vì hám lợi đã trao cho người khác khoản tiền lớn mà không có kiểm chứng. Ông Thắng lý giải: “Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng với lãi suất phù hợp để kinh doanh còn khó làm ăn, huống hồ các cá nhân huy động vốn lãi suất rất cao, rất khó có thể sinh lời để trả nợ. Người vay chỉ có ý đồ lừa đảo mới trả lãi suất cao khi huy động vốn. Trong trường hợp này, những người cho vay, các hụi viên cần phải xem lại, khi “không chọn đúng mặt nhưng vẫn gửi vàng”.

Ông Thắng cũng cho biết, thời gian vừa qua đã có rất nhiều vụ án được khởi tố điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất phát từ vay mượn tài sản, trong đó có nhiều người bị hại đã thế chấp cả giấy tờ đất, nhà để lấy tiền cho người khác vay nhằm kiếm tiền lời. Sau khi vụ việc vỡ lở, không những mất tài sản, họ còn không có nhà để ở.

Trần Danh

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều