Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người dân thượng tôn pháp luật

10:11, 05/11/2014

"Việc tổ chức Ngày Pháp luật hàng năm nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, ý thức công vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị…" - ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết.

“Việc tổ chức Ngày Pháp luật hàng năm nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, ý thức công vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị…” - ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết.

* Tôn vinh pháp luật

Đây là năm thứ hai Ngày Pháp luật được triển khai theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật, hướng mọi tổ chức, cá nhân có hành vi, thái độ xử sự đúng pháp luật, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Ngày Pháp luật cũng là dịp để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, có thể khẳng định, Ngày Pháp luật là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) được cấp tờ rơi, tư vấn pháp luật để nâng cao nhận thức pháp luật.
Người dân xã Tà Lài (huyện Tân Phú) được cấp tờ rơi, tư vấn pháp luật để nâng cao nhận thức pháp luật.

Để Ngày Pháp luật nói riêng và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) được thực hiện một cách hiệu quả, theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), việc đầu tư nhiều hơn về công sức, tiền bạc, thời gian cho công tác này là cần thiết. Bởi TTPBGDPL không chỉ là trách nhiệm của một ngành nào cụ thể, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, từ việc tiếp cận pháp luật, hiểu biết pháp luật hay các hình thức, nội dung tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần đánh giá việc tiếp cận pháp luật, nhận thức, hiểu biết pháp luật trong dân để tránh tình trạng TTPBGDPL một cách chung chung.

Chủ đề Ngày Pháp luật năm 2014 là “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Pháp luật, như: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Tuân theo Hiến pháp và pháp luật là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”…

Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác TTPBGDPL, luật gia Nguyễn Đức (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, cần nhận thức rõ ràng ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của Ngày Pháp luật nói riêng, cũng như công tác TTPBGDPL nói chung trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Có như vậy, Ngày Pháp luật mới thiết thực, hữu ích, tránh được tính hình thức, phong trào.

“Sự kiện này thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Nhà nước và nhân dân trong việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; góp phần xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp của nhân dân với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân; đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững ý thức pháp luật của kỷ cương, phép nước; nâng cao hiệu quả xây dựng, PBGDPL và thi hành pháp luật” - luật gia Nguyễn Đức nói.

* Gần dân, vì dân

Ông Phan Văn Châu cho hay, đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, suy ngẫm và điều chỉnh ý thức, thái độ hành xử trong quan hệ với dân sao cho xứng đáng với mong đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân. Ngày Pháp luật nên được tổ chức phù hợp với sắc thái và đặc trưng của từng đơn vị, từng địa bàn, từng trình độ nhận thức và nếp sinh hoạt của người dân địa phương. Có thể lồng ghép nội dung TTPBGDPL với các hoạt động thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới…

Người dân phường An Bình (TP.Biên Hòa) tìm đến các tủ sách pháp luật tham khảo tài liệu, tìm hiểu pháp luật.
Người dân phường An Bình (TP.Biên Hòa) tìm đến các tủ sách pháp luật tham khảo tài liệu, tìm hiểu pháp luật.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Minh Thiện nhấn mạnh, việc tổ chức Ngày pháp luật cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Chẳng hạn, tại địa bàn dân cư có đông công nhân sinh sống thì tập trung phổ biến những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Địa bàn xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình thì tập trung phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình. Nơi xảy ra nhiều tranh chấp đất đai thì chú trọng phổ biến các quy định pháp luật về đất đai; nơi xảy ra nhiều vi phạm an toàn giao thông tập trung phổ biến các quy định về an toàn giao thông... Làm như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.

“Một điều quan trọng nữa là cần đa dạng về hình thức TTPBGDPL để tăng tính hấp dẫn cho công tác này. Như vậy, Ngày Pháp luật mới thực sự ghi dấu ấn trong đời sống xã hội, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân” - ông Thiện nói.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều