Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi): Nhiều vấn đề cần làm rõ

10:04, 14/04/2017

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu tập trung phân tích, góp ý sâu về các nội dung: người được trợ giúp pháp lý; lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý; xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý...

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu tập trung phân tích, góp ý sâu về các nội dung: người được trợ giúp pháp lý; lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý; xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý...

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn (đứng) góp ý cho Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn (đứng) góp ý cho Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Điều 7 Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) quy định về người được trợ giúp pháp lý, gồm: người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội dưới 18 tuổi; người thuộc diện hộ nghèo; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi, trẻ em không thuộc trường hợp bị buộc tội, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự, người khuyết tật...

* Tránh xung đột giữa các luật

Nhiều đại biểu thống nhất cao nội dung quy định tại Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) về việc xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Bởi, đây là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút sự tham gia của toàn xã hội vào công tác này. Vì vậy, dự thảo luật đã quy định cụ thể các loại công việc, hình thức trợ giúp pháp lý mà mỗi chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân trên tinh thần tự nguyện.

Theo ông Mai Văn Sinh, Trưởng phòng Kiểm sát Thi hành án dân sự Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, người được trợ giúp pháp lý theo Điều 7 Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có vẻ tăng lên (8 nhóm người so với 4 nhóm người theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006).

Thế nhưng, cũng theo ông Sinh, thật ra chỉ bổ sung thêm nhóm người được trợ giúp pháp lý mới là: “người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội”; còn lại các nhóm người khác (người nghèo, người có công, trẻ em…) đều là những người đã thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.

Ông Sinh chỉ rõ, các luật: Người khuyết tật năm 2010; Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Trẻ em năm 2016 quy định tất cả người khuyết tật, nạn nhân trong vụ mua bán người và trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý mà không cần có điều kiện gì thêm.

Trong khi đó, Điều 7 dự thảo luật quy định người khuyết tật, trẻ em, nạn nhân trong vụ mua bán người phải có thêm điều kiện “có hoàn cảnh khó khăn” mới có quyền được trợ giúp pháp lý. Quy định như vậy đã trực tiếp thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý và tạo ra xung đột giữa các bộ luật.

Với góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, phân tích dự thảo luật đã cụ thể hóa và mở rộng hơn đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, đặc biệt là nhóm người bị buộc tội là hộ cận nghèo, người dưới 18 tuổi. Đây là điểm mới, nổi bật thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí.

Đồng quan điểm với ông Sinh, ông Minh cũng cho rằng, so với các quy định về nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí trước đây, hoạt động trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Khoản 6, Điều 7 Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) sẽ khó thực hiện trên thực tế vì một số vấn đề mâu thuẫn của nội dung này với các quan hệ pháp luật hiện hành.

* Nhiều vấn đề cần làm rõ

Điều 3, Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) quy định: “Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước; Nhà nước tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 của luật này; không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý”.

Theo tinh thần của điều luật, một trong những nguyên tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, nhiều đại biểu cho rằng không tìm thấy bất cứ quy định nào khác có liên quan đến quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Do đó, luật sư Phạm Tiến Dũng (Ủy viên thường trực Hội Luật gia tỉnh) nêu quan điểm: “Có một số vấn đề cần làm rõ”.

Luật sư Dũng phân tích, chủ thể có thẩm quyền ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là cơ quan nào? Thông thường, quy tắc nghề nghiệp sẽ do các hiệp hội nghề nghiệp ban hành để điều chỉnh các hành vi đạo đức nghề nghiệp của hội viên.

Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ chủ thể này; việc áp dụng quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý vào thực tiễn hành nghề chưa được đề cập. Đạo đức hành nghề là nền tảng cơ bản và xuyên suốt trong quá trình hành nghề, bất cứ hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều phải chịu chế tài. Đáng tiếc là dự thảo luật chưa làm rõ.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn thì góp ý: Khoản 3, Điều 16 Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có quy định việc chuyển hồ sơ vụ việc chưa hoàn thành đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được phân công để tiếp tục thực hiện.

“Đề nghị ban soạn thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền phân công tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để tiếp tục thực hiện các vụ việc chưa hoàn thành” - ông Toàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Mai Văn Sinh mạnh dạn đề nghị bỏ Điều 13 của dự thảo luật (quy định về lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý). Ông Sinh phân tích, việc quy định các điều kiện để lựa chọn tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý như một loại giấy phép con; sẽ gây trở ngại, phiền hà cho việc tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật muốn tham gia trợ giúp pháp lý. Đồng thời, các điều kiện quy định trong Điều 13 của dự thảo luật mang tính chất định tính chung chung, không rõ ràng, thiếu minh bạch, hiểu thế nào cũng được theo ý chí chủ quan của người nhận xét.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều