Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng quyền kiểm tra, xác minh cho công an xã

11:12, 06/12/2021

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1-12-2021), công an xã có thêm trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tin báo, tố giác tội phạm.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1-12-2021), công an xã có thêm trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tin báo, tố giác tội phạm.

Công an xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm về  an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: CTV
Công an xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm về an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: CTV

Quy định nêu trên đang từng bước phát huy vai trò của công an xã; đồng thời, giảm bớt áp lực cho công an cấp trên trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở.

* Tăng quyền điều tra ban đầu cho công an xã

Tại Khoản 1, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 146 BLTTHS năm 2015 như sau: Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Đại tá LÊ QUANG NHÂN, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian vừa qua, Ban giám đốc Công an tỉnh đã có kiến nghị Bộ Công an về việc tiếp tục tăng cường lực lượng công an cơ sở. Trong đó, vấn đề đã và đang được quan tâm là trình độ của lực lượng công an chính quy được điều động về cơ sở. Thời gian tới, công an xã sẽ có từ 10-15 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy, mọi vấn đề sẽ được tiếp nhận, giải quyết từ xã.

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 còn quy định, sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 như sau: Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Theo đó, trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Như vậy, quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 đã giao thêm trách nhiệm “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã để tương đương với công an phường, thị trấn.

Theo các cơ quan chức năng, quy định này là cần thiết và phù hợp vì hiện nay cơ bản đã hoàn thành việc bố trí lực lượng công an chính quy về công an xã. Đây là việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc bố trí công an chính quy về cơ sở để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

* Giảm tải cho công tác điều tra

Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai bố trí hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an chính quy về đảm nhiệm các chức vụ tại công an xã. Nhờ đó mà công tác đảm bảo ANTT tại các địa bàn cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 sẽ là hành lang pháp lý để phát huy vai trò của lực lượng này tại các địa phương.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu công việc, Công an tỉnh cũng đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về công tác xử lý tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Theo đại tá Nguyễn Ngọc Quang, để lực lượng công an xã phát huy hết vai trò, trách nhiệm, Công an tỉnh giao trưởng công an cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng này.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, thượng tá Trịnh Anh Dũng, Phó trưởng phụ trách Công an H.Nhơn Trạch cho biết, việc tăng thẩm quyền cho công an xã trong việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo ban đầu được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, sẽ đảm bảo được tính ngang quyền, ngang nhiệm vụ của công an xã với công an phường, thị trấn khi đã điều động lực lượng công an chính quy về xã. Thứ hai, đối với công tác điều tra, xử lý tội phạm, sẽ đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm. Nhờ đó mà sẽ tận dụng được cơ hội để phát hiện, bắt giữ đối tượng gây án ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của công an xã sẽ giảm áp lực cho cơ quan điều tra cấp trên.

“Để phát huy tốt vai trò của công an xã, phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xác minh, xử lý tin báo tội phạm; công an cấp trên cũng phải thường xuyên hướng dẫn, bổ sung đủ số lượng để đảm bảo yêu cầu” - thượng tá Trịnh Anh Dũng nhấn mạnh.

Luật sư Hà Mạnh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, việc tăng thẩm quyền cho công an xã trong kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với tin báo, tố giác tội phạm là đã có sự tính toán, cân nhắc nhằm hỗ trợ cho công an cấp trên. Tuy nhiên, cũng cần phải có cơ chế kiểm soát hoạt động xác minh, xử lý tin báo tố giác tội phạm của lực lượng này để đảm bảo việc thực thi được tuân thủ theo đúng theo quy định pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng, tiêu cực trong quá trình giải quyết. Bên cạnh đó, cũng cần phải quy định về thời gian kiểm tra, xác minh, xử lý đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trần Danh

Tin xem nhiều