Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả lại bình yên cho dòng sông (*)

09:04, 19/04/2006

Bài cuối: Luồng lạch và hành lang an toàn đường thủy được bảo vệ như thế nào?
Hệ thống sông trên cả nước đều có quy định về luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ an toàn đường sông. Thế nhưng, do lịch sử để lại nên luồng lạch chạy tàu, hành lang an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn Đồng Nai đang bị xâm hại nghiêm trọng, rất khó xử lý, khắc phục đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Hệ thống sông trên cả nước đều có quy định về luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ an toàn đường sông. Thế nhưng, do lịch sử để lại nên luồng lạch chạy tàu, hành lang an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn Đồng Nai đang bị xâm hại nghiêm trọng, rất khó xử lý, khắc phục đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

 

Luồng chạy tàu và hành lang bảo vệ luồng đã bị lấn chiếm?

 

Dọc hệ thống sông Đồng Nai có nhiều hộ nuôi cá bè. Tập trung nhiều nhất là khu vực sông Cái thuộc hai phường Tân Mai và Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Nơi nuôi nhiều cá bè khác nữa là trên sông La Ngà thuộc hai xã La Ngà và Phú Ngọc (huyện Định Quán) dẫn vào hồ Trị An. Một khu vực nuôi cá khác trên sông Đồng Nai thuộc phía bờ bên kia của tỉnh Bình Dương (giáp với xã Tân Hạnh). Nhìn chung, phần lớn các bè nuôi cá trên sông không lấn luồng chạy tàu nhưng lại chiếm lấn gần như toàn bộ phần hành lang bảo vệ luồng. Vì vậy, lượng bè cá này đã gây nhiều ảnh hưởng đến tầm nhìn chạy tàu, đặc biệt là đối với những đoạn sông có khúc cua. Mặt khác, tác hại lớn nhất của việc nuôi cá bè trên sông là tình trạng ô nhiễm nguồn nước mà các cơ quan quản lý đường sông phải có trách nhiệm bảo vệ. Dù biết rằng, việc nuôi cá bè trên sông là phương cách mưu sinh của không ít hộ dân, nhưng không thể vì thế mà để làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cả  một cộng đồng dân cư trong khu vực. Đoạn quản lý đường sông số 10 đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần có quy định cấm người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai (tập trung chủ yếu từ trung tâm huyện Tân Uyên về đến cầu Ông Tiếp). Được biết, do phía tỉnh Đồng Nai có quy định cấm nên nhiều hộ dân của TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu đã dời bè sang phía bờ thuộc tỉnh Bình Dương. Do quy định không thống nhất giữa hai tỉnh nên việc lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng cũng như gây ô nhiễm nguồn nước trên sông vẫn diễn ra. Còn Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Đội Thanh tra giao thông đường thủy tỉnh thì kiến nghị, trước mắt, UBND tỉnh Đồng Nai cần quy định chỉ cho phép nuôi cá bè ở những đoạn sông thẳng, nước chảy đều; từng bước giảm bớt bè nuôi, kéo dãn khoảng cách neo bè nhằm tránh che khuất tầm nhìn và tiến tới cấm nuôi hẳn cá bè trên sông.

Cùng với các làng bè thì việc ghe thuyền neo đậu trên sông cũng đang là vấn đề nan giải. Hiện nay, trên hệ thống sông Đồng Nai mới có khu vực bến cảng của Công ty cám Con Cò thuộc dòng sông Cái đã lắp đặt được phao để các ghe, xà lan neo đậu. Còn hầu hết các điểm khác trên sông, đặc biệt là ở sông Đồng Nai thiếu vắng những phao neo. Việc lấn chiếm này nguy hiểm nhất là vào ban đêm, dễ dẫn đến va chạm khi có phương tiện khác lưu thông. Theo quy định, khi phương tiện neo đậu phải bố trí thuyền viên trông coi. Nhưng trên thực tế, nhiều chủ phương tiện, thuyền trưởng còn lơ là việc này. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, trong năm 2005 đã phát hiện và xử lý trên 50 trường hợp vi phạm dạng này.

Bên cạnh cũng cần thấy, hệ thống biển báo, phao tiêu dù được Đoạn quản lý đường sông số 10, Sở Giao thông- vận tải trang bị dựng, gắn đầy đủ nhưng qua thời gian đã bị mất trộm, trôi, đổ gãy. Thực tế này cần được các đơn vị quản lý phối hợp cùng với các đơn vị cảnh sát, thanh tra tiến hành kiểm tra, lắp đặt lại và giao trách nhiệm về cho UBND các phường, xã hoặc đơn vị chức năng có trách nhiệm bảo quản. Cùng với đó là việc nạo vét luồng lạch cũng đang là vấn đề đặt ra cần được tiến hành sớm. Tuy nhiên, việc nạo vét này không thể chỉ trách nhiệm của đơn vị Đoạn quản lý đường sông số 10 mà còn cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.

 

Hành lang bảo vệ bờ sông bị lấn chiếm nghiêm trọng do lịch sử để lại!

 

Trong năm 2005, các cơ quan quản lý đường sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ phát hiện và xử lý có một trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy. Nhưng như thế không có nghĩa là tình trạng lấn chiếm này đã "lắng dịu".

Theo quy định, phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy là 25 m (tính từ mép nước giáp bờ sông trở vô). Từ nhiều năm qua, Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai đã cho tiến hành cắm 200 cột mốc lộ giới trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, do trước đây nhiều hộ dân quen xây dựng nhà ven sông, thậm chí có những hộ đóng cột, đổ đất lấn sông để xây dựng nhà ở cũng như mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tình trạng này tập trung nhiều nhất tại khu vực các phường Bửu Long, Quyết Thắng, Bửu Hòa, Tân Vạn, Thống Nhất, Tân Mai, An Bình và các xã Tân Hạnh, Hóa An, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Bên cạnh đó, một số chủ lò gạch cũng tùy tiện cho đổ gạch phế phẩm, ra sông để lập bãi hoặc lấn chiếm dòng sông mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tình trạng này tập trung nhiều nhất tại khu vực phường Tân Vạn và Bửu Hòa. Rồi một số hộ dân, xí nghiệp thiếu ý thức đổ vật liệu, rác thải ra sông cũng không ít. Tiêu biểu nhất là các hộ dân sống ven sông ở những khu vực nêu trên và một số xí nghiệp nằm cạnh hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch.

Để hạn chế, khắc phục tình trạng này còn phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch của chính quyền địa phương. Được biết, hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương quy hoạch hệ thống đường và công viên ven sông Đồng Nai ở cả hai bên bờ Bắc và Nam thuộc địa bàn TP.Biên Hòa. Nếu chủ trương này được tiến hành thì có khoảng trên 3.000 căn nhà bị di dời để trả lại hành lang đường sông. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay là hệ thống bến cảng, bãi đường thủy cũng như một số nhà máy, xí nghiệp vẫn đang còn phép hoạt động. Theo kiến nghị của nhiều cơ quan chức năng, UBND tỉnh cần quy hoạch đưa các khu dân cư sống ven sông đến ở tập trung tại các khu chung cư mới. Đối với bến cảng cần quy hoạch di chuyển về khu vực thưa dân cư, không xây dựng hệ thống đường và công viên ven sông. Ví dụ như khu vực huyện Vĩnh Cửu, Long Thành hoặc Nhơn Trạch. Đối với các nhà máy xí nghiệp cần có chủ trương cho di dời và không cấp phép cho những trường hợp xây dựng ven sông nữa.

Bảo vệ hành lang đường sông, luồng lạch chạy tàu là nhằm bảo vệ sự an toàn giao thông, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trước nhiều mối nguy cơ sạt lở bờ, thủy triều bất thường và bảo vệ nguồn nước sông. Do vậy, yêu cầu đặt ra là ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì UBND tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc quy hoạch, di dời để bảo vệ luồng, hành lang đường sông.

Phong Vũ

(*) Xem báo Đồng Nai các số 1144 (ngày 13- 4) và 1145 (ngày 15- 4- 2006)

Tin xem nhiều