Báo Đồng Nai điện tử
En

Trẻ em nhà trọ đi "nhà trẻ"!

10:04, 27/04/2006

Chưa một lần được đi nhà trẻ, hoặc trường mẫu giáo nhưng những đứa trẻ mà chúng tôi đã gặp vẫn luôn tươi vui, hớn hở với những gì mà chúng đang có. Song niềm hạnh phúc ngây thơ của con trẻ lại là nỗi buồn, nỗi xót xa của những bậc làm cha, làm mẹ...

Thay vì đi công viên, hai bé thường chơi với nhau như vậy vào những ngày nghỉ

Chưa một lần được đi nhà trẻ, hoặc trường mẫu giáo nhưng những đứa trẻ mà chúng tôi đã gặp vẫn luôn tươi vui, hớn hở với những gì mà chúng đang có. Song niềm hạnh phúc ngây thơ của con trẻ lại là nỗi buồn, nỗi xót xa của những bậc làm cha, làm mẹ...

 

* Nhà trẻ "hàng xóm"

 

Sáng nào cũng vậy, cứ 7 giờ là cả khu nhà trọ lại nghe cu Bi con chị Liên bi bô chào các cô, chú để đi học. Mọi người thường hỏi cu Bi: "Lớp con có mấy người?" -  cu Bi trả lời ngay: "Lớp con có 3 người!". Nhiều người cười ồ lên, vì trong số 3 người mà cu Bi nói đến có một người là "cô giáo" của Bi (còn gọi là bà Tư, năm nay đã gần 50 tuổi). Gọi cô giáo cũng không đúng lắm, bởi bà Tư chỉ là một người giữ trẻ tại nhà. Chị Liên cho biết, chị và một chị nữa ở dãy phòng trọ kế bên gửi con ở chỗ bà Tư từ ngày cháu mới được 9 tháng tuổi. Từ đó đến nay đã 3 năm rồi, sáng sáng chị đưa con sang nhà bà rồi đi làm đến chiều tối mới đón con về. "Nghe mọi người trêu đùa với con mình mà thấy buồn. Nhưng hoàn cảnh của mình như thế đành phải chấp nhận thôi. Dù sao cũng có một nơi để gởi con, để hai vợ chồng yên tâm đi làm", chị Liên nói: "Cùng hoàn cảnh, có chị  Nguyệt, 30 tuổi, công nhân Công ty may Đồng Tiến. Nguyệt có con nhỏ 28 tháng tuổi, hơn 1 năm nay cũng gửi con đến "nhà trẻ hàng xóm".. .

Không hộ khẩu, không chỗ ở cố định và đặc biệt là thời gian làm việc luôn thay đổi (phải tăng ca, đổi ca liên tục), nên những đôi vợ chồng công nhân ngoại tỉnh khó có thể gởi con đến các nhà trẻ, mẫu giáo. Do đó, những "nhà trẻ" theo kiểu một cô, một trò hoặc vài trò, không có sân chơi, đồ chơi là sự lựa chọn duy nhất đối với họ. Những đứa trẻ mà chúng tôi đã gặp này hàng ngày vẫn vui vẻ bi bô chào mọi người để đến "trường" như rất nhiều bạn cùng trang lứa tung tăng tới trường học có thầy cô, bạn bè với hoạt động vui chơi. Niềm hạnh phúc ngây thơ của con trẻ lại là nỗi buồn, nỗi xót xa của những người sinh thành ra chúng. Chị Nguyệt nói: "Thấy con mình không được như những trẻ em khác, chúng tôi rất buồn. Nhưng gởi con đến mẫu giáo thì phải đưa đón đúng giờ, mà công việc của chúng tôi cứ phải tăng ca, thay ca thường xuyên. Do đó, chúng tôi cũng đành phải bằng lòng với việc gởi con cho hàng xóm thôi".

 

* Công viên, nhà văn hóa... chỉ là "thế giới" ước mơ

 

Chuyện đến trường, đến lớp là vậy, nhưng còn chuyện đưa con đi chơi vào những ngày nghỉ, ngày tết còn... buồn hơn. Chủ nhật, cha mẹ các cháu đều được nghỉ ở nhà, nhưng thay vì đưa con đi chơi công viên, nhà văn hóa... thì hầu hết họ đều cho con ở nhà chơi loanh quanh trong khu nhà trọ. Chị Nguyệt cho biết: "Cả tuần làm việc vất vả rồi, chủ nhật chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi thôi". Hầu hết các gia đình được hỏi đều cho biết họ rất ít khi đưa con đi chơi vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết.. . Một số ít thì thỉnh thoảng đưa con đi chơi 1 đến 2 lần/năm. Chị Liên cho biết: "Năm ngoái vào dịp 1-6 và Trung thu, cả hai vợ chồng cùng phải làm tăng ca nên chẳng đưa cháu đi chơi đâu cả". Cùng với những lý do về điều kiện công việc thì có một lý do quan trọng hơn đó là sự eo hẹp về kinh tế cũng ảnh hưởng đến việc cho con tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí. Chị Bùi Thị Cúc, 29 tuổi, cho biết: "Một phần muốn nghỉ ngơi, nhưng lý do chính là không có tiền để đưa con đi chơi". Hai vợ chồng chị Cúc vào đây sinh sống đã 3 năm nay. Họ đều làm công nhân thời vụ tại Công ty xây dựng công nghiệp dân dụng D2D. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 2,2 triệu đồng/tháng, trong đó chi tiêu hàng tháng cho riêng con là khoảng 800 ngàn đồng (gồm tiền gửi trẻ, tiền sữa, tiền ăn...), tiền thuê nhà, điện nước khoảng 400 ngàn đồng/tháng. Với mức thu nhập và chi tiêu như vậy, thì các chi phí phục vụ cho các hoạt động vui chơi giải trí của gia đình hầu như là không có. Chị Lê Thị Triệu, 26 tuổi, quê ở Nghệ An, công nhân Công ty Pouchen thì còn có nhiều nỗi lo toan hơn thế. Thu nhập của vợ chồng chị cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài những khoản chi cố định cho con và gia đình, chị còn phải lo tiền thuốc những lúc con bệnh và phải nghỉ làm, chính vì vậy mà những khoản tiền thưởng vào những ngày lễ, tết của chị đều bị cắt. Chị buồn bã nói: "Cả năm vất vả chỉ mong cuối năm được thưởng để vợ chồng con cái cùng đi chơi, mua sắm mà lại cắt hết thì đành ngồi nhà vậy thôi".

Từ những khó khăn của cha mẹ chúng, rất nhiều đứa trẻ hiện nay đang sống tại các khu phòng trọ ngày ngày chỉ biết quanh quẩn với "cô" bảo mẫu lớn tuổi; có cháu may mắn hơn thì được gởi ở những nơi có vài ba trẻ khác làm bạn. Và buổi tối, ngày nghỉ, lễ tết lại vẫn quẩn quanh trong căn phòng trọ chỉ hơn 10m2 cùng với cha mẹ. Công viên, nhà văn hóa như một thế giới khác tồn tại bên ngoài cuộc sống của chúng. Có lẽ chính vì vậy mà chị Bùi Thị Hương, 28 tuổi, công nhân Công ty giày da C.H đã có những dự tính cho những năm tới, chị cho biết: "Thật xót xa khi nhìn thấy con mình lớn lên tại một thành phố mà phải chịu thiếu thốn mọi bề. Vợ chồng tôi định chờ một, hai năm nữa thì nhà máy ở tỉnh nhà xây xong, chúng tôi sẽ về quê để các cháu có điều kiện đến với trường như những đứa trẻ khác". Chưa thể thống kê có bao nhiêu cặp vợ chồng đã có những dự tính như vợ chồng chị Hương. Việc trẻ em không được đến trường, không có được những nhu cầu vui chơi giải trí do những nguyên nhân khó khăn về kinh tế, điều kiện làm việc của cha mẹ chúng, đã trở thành một vấn đề xã hội cần được các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là các công ty trên địa bàn tỉnh hiện đang sử dụng rất nhiều lao động nữ quan tâm, nhằm tạo điều kiện cho họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với công ty.

Thúy Hằng

 

Tin xem nhiều