Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm nhận từ Washington
Bài 1: Bình thản như Washington DC

10:06, 28/06/2006

Vừa qua, nhà báo Kim Loan của báo Đồng Nai đã có chuyến tham quan Hoa Kỳ trong khuôn khổ của chương trình "Khách tham quan quốc tế" có chủ đề "Phát triển khả năng lãnh đạo của phụ nữ" do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức. Dưới đây là một số ghi nhận nhân chuyến đi.

Vừa qua, nhà báo Kim Loan của báo Đồng Nai đã có chuyến tham quan Hoa Kỳ trong khuôn khổ của chương trình "Khách tham quan quốc tế" có chủ đề "Phát triển khả năng lãnh đạo của phụ nữ" do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức. Dưới đây là một số ghi nhận nhân chuyến đi.

 

Với một người lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, lẽ ra Washington DC (WDC)  phải tạo cho tôi những ngạc nhiên. Thế nhưng dường như WDC đã làm điều ngược lại. Nếu như  sự hoành tráng của sân bay Chicago và sự to rộng  của sân bay Dulles (một trong hai sân bay tại thủ đô Washington) là một tín hiệu đầu tiên cho du khách biết về sự phát triển kỹ nghệ và dịch vụ hàng không của Hoa Kỳ, thì WDC lại mang một bề ngoài khá đơn giản. Tuy cũng có những block nhà cao, to với kiến trúc hiện đại; những trụ sở uy nghi có kiến trúc cổ, những dãy nhà biệt lập ẩn mình dưới những hàng cây xanh; những dãy nhà liền vách; nhà ga xe lửa trung tâm;  những nhà ga xe điện ngầm..., nhưng WDC không làm cho người khác "choáng ngợp". Có lẽ WDC cố tình ẩn chứa trong nó những điều mà muốn hiểu được, người ta phải nghe ngóng, nghiền ngẫm nhiều điều, từ kiến trúc đến cách sống và những gì diễn ra trong sự bình thản ấy. Và, có lẽ đây cũng chính là sự tinh tế của Pierre LEnfant, một kỹ sư  quân đội, người Pháp, khi cách nay mấy thế kỷ đã thiết kế nơi này sẽ là một thành phố liên bang, là trung tâm chính trị của Hoa Kỳ.

WDC đã trải qua cuộc chiến tranh với người Anh năm 1812; sau đó là cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1861-1865, nhiều tòa nhà bị đốt cháy. Thế nên giờ đây kiến trúc WDC vừa có dấu ấn của kiến trúc La Mã, vừa mang kiến trúc của thế kỷ 20. Có lẽ có sự cổ - kim đan xen trong kiến trúc làm cho WDC không mang dáng vẻ cầu kỳ, đường sá cũng không rộng lớn. Tuy nhiên, dù cho có trải qua thăng trầm của lịch sử, của thời gian, người ta vẫn dễ nhận thấy có bàn tay quy hoạch kiến trúc rất rõ ràng và những kiến trúc phát triển sau này vẫn cố gắng bảo đảm sự hài hòa để không phá vỡ cảnh quan, không làm mất đi những giá trị văn hóa trước đó. Với tòa nhà Quốc hội nằm sừng sững trên đồi phía Đông nhìn xuống, các ngả đường mở ra xoay quanh trục này và Nhà Trắng (nhà làm việc của Tổng thống) nằm ở phía cuối của nhánh đường từ tòa nhà Quốc hội. Xung quanh đó  là các công trình văn hóa như các bảo tàng quốc gia và các dân tộc gắn bó với sự mở nước của Hoa Kỳ,  các đền tưởng niệm (trong đó có bức tường ghi tên những người lính đã chết tại chiến trường Việt Nam), thư viện quốc gia; trụ sở các bộ, ngành và có cả nhà ga xe lửa  trung tâm đồ sộ về kiến trúc và sức chứa du khách, hành khách lên cả chục ngàn người mỗi ngày.

Nằm giữa  2 tiểu bang Maryland và Virginia, là nơi hợp dòng của con sông Potomac và Anacostia, thủ đô Washington có khoảng hơn 600.000 người, bao gồm cả vùng ngoại ô của Maryland và Virginia, nơi có khoảng 4 triệu cư dân sinh sống. Tuy đường sá không rộng, có nhiều đoạn mặt đường bị nứt nẻ nhưng hệ thống cây xanh dọc theo đường và những công viên cây xanh mi-ni được bố trí rải rác ở khắp các ngả đường đã làm cho thiên nhiên như gần lại với thị dân. Một điều lạ là đường hẹp, những giờ cao điểm người làm việc túa ra từ các cao ốc, văn phòng, trường học bằng xe du lịch, hoặc đi bộ để đến các nhà ga tàu điện ngầm, ra trạm xe buýt rất đông nhưng khó có tình trạng kẹt xe xảy ra. Bởi lòng đường chỉ 4 làn xe nhưng lề đường dành cho người đi bộ trên các phố luôn có một tỷ lệ nhất định. Nếp sống trật tự thì dường như đã trở thành ý thức của mỗi công dân. Có những ngã tư đường phố, ban đêm chẳng có nhiều xe lưu thông, vậy mà khi đèn đỏ bật lên thì xe đang di chuyển vẫn tự giác dừng lại ở vạch quy định chứ không "tranh thủ" dzọt qua luôn như  chuyện thường ngày trong lưu thông ở xứ ta.  Người đi bộ thì cứ phải đi tới ngã tư đường rồi mới sang đường theo tín hiệu giao thông, không có việc qua ngang, qua tắt dù là lúc đó đường rất vắng xe. Người dân sử dụng phương tiện xe buýt, xe điện ngầm để đi làm cũng rất  nhiều, và việc đi bộ cả quãng đường đối với họ là chuyện bình thường. Trên đường phố có cắm những cọc cho phép xe ôtô có quyền đậu và phải đóng lệ phí  tự động vào những cọc chỉ định ấy. Nơi nào cho đậu 1 giờ, nơi nào cho đậu nhiều giờ thì chủ xe cứ việc bỏ tiền vào cọc cắm bên vệ đường và  dừng xe ở ngay đó; nhưng nếu dừng quá mức phí bỏ ra thì tự động cọc điện sẽ báo bằng đèn đỏ và chủ nhân phải nộp phạt có khi lên đến hàng ngàn USD. Hai người Mỹ gốc Việt cùng đồng hành trong chuyến tham quan làm việc của chúng tôi cho biết: Kiểu chế tài bằng các biện pháp tài chính làm cho người dân ý thức một cách tự giác là nên làm gì và không nên làm gì, ít ai dám trốn thuế, chạy vượt đèn đỏ, đậu xe bừa bãi...

Ở ngay thủ đô Washington, người ta vẫn thấy có những chiếc  xe bán hàng  hoặc những quày hàng được bày bán  ở các lề đường. Nơi thì bán hàng lưu niệm, nơi thì bán hoa, nơi thì bán thức ăn nhanh; có chỗ bán túi xách, quần áo, đồ trang sức... Thế nhưng việc bán ở điểm lề đường nào đều phải có phép của chính quyền và chủ nhân phải nghiêm túc thực hiện việc đóng thuế. Ngay như việc xả rác cũng quy định phải bỏ rác vào những thùng rác đặt  rải rác trên các tuyến đường. Do vậy, đã tạo nên một ý thức rất cao trong cộng đồng dân cư, trên các đường phố dù người đi bộ rất nhiều nhưng không có sự xả rác bừa bãi, làm nên sự thanh lịch cho bộ mặt của  thành phố .

Quả là WDC tiếp nhận 14-15 triệu khách đến với mình mỗi năm một cách bình thản và như những gì  vốn có của thủ đô nước Mỹ : Không ồn ào náo nhiệt; không những tòa nhà chọc trời như New York, không sôi nổi như San Francisco, không yên ả thanh bình như vùng tuyết trắng Wyoming, không êm ắng như vùng Mississippi... Nhưng Washington DC lại như là tất cả. Bởi không là thủ đô về tài chính, công nghiệp, dịch vụ; nhưng những gì diễn ra ở Washington DC đều có ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn lãnh thổ và thậm chí cả  toàn cầu. Bởi lẽ hoạt động của lưỡng viện  Mỹ trên đồi Capitol thường xuyên sôi nổi (ngoại trừ thời gian nghỉ đông và nghỉ hè) với các cuộc bàn thảo, tranh luận, với những vấn đề và các chính sách được đưa ra tại lưỡng viện của Quốc hội Mỹ có ảnh hưởng đến đối nội, đối ngoại của chính phủ Mỹ. Vì thế sự bình thản của Washington DC lại chứa đụng sự sôi nổi ngầm vì các hoạt động lobby (vận động hành lang). Ai cũng có những lợi ích gắn liền với các chính sách mà Hạ viện, Quốc hội sẽ thông qua. Vì vậy, những nhóm lợi ích sẽ không ngừng lobby lưỡng viện; từ các tiểu bang đến các tập đoàn kinh tế, các nhà ngoại giao các nước; và ngay đến các dân biểu, các thượng nghị sĩ cũng có những mối quan tâm với những vấn đề mà cử tri giao cho. Vì vậy, để có được những thành công cho lợi ích chung hay cho những nhóm lợi ích khác nhau, tất cả đều phải tích cực hoạt động lobby. Đấy chính là một trong những đặc điểm riêng của một Washington DC.

Washington DC tháng 6-2006.

Kim Loan

(Kỳ sau : Bình đẳng giới - vấn đề không của riêng ai)

Tin xem nhiều