Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọt khổ qua rừng

10:07, 21/07/2006

Từ đầu mùa mưa đến giờ, cứ vào mỗi sáng sớm ở chợ cũ Long Khánh xuất hiện hình ảnh khu chợ đọt khổ qua rừng với khoảng mười mấy người dân ở vùng ven thị xã hái đem ra bán. Trong khi mỗi bó rau muống chỉ khoảng 2.000 đồng thì một mớ đọt khổ qua rừng đã là 5.000 đồng (tính ra 1kg đến 15.000 đồng).

Canh khổ qua rừng.

Từ đầu mùa mưa đến giờ, cứ vào mỗi sáng sớm ở chợ cũ Long Khánh xuất hiện hình ảnh khu chợ đọt khổ qua rừng với khoảng mười mấy người dân ở vùng ven thị xã hái đem ra bán. Trong khi mỗi bó rau muống chỉ khoảng 2.000 đồng thì một mớ đọt khổ qua rừng đã là 5.000 đồng (tính ra 1kg đến 15.000 đồng). Thế mà khoảng 9 giờ sáng là chợ đọt khổ qua rừng sạch cả hàng. Một số bà nội trợ ở Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ thương chồng con ăn uống không ngon miệng trong mùa hè nóng nực này đã cố đi chợ sớm để mua cho được một mớ đọt khổ qua rừng về nấu canh với tép hoặc tôm khô. Người ăn chưa quen, húp miếng canh nghe đắng nghét, nhưng kẻ đã ghiền món đọt khổ qua rừng  thì mê cái vị đắng mà có cái hậu ngọt lừ. Chừng hai năm nay, nhiều quán ăn, nhà hàng đặc sản ở TX. Long Khánh ngày nào cũng có món canh đọt khổ qua rừng. Có quán còn đưa vào thực đơn một cách trang trọng món lẩu cá (cá chép, mè, diêu hồng...), tôm nấu khổ qua rừng. Nhiều cán bộ tỉnh về thị xã công tác, thế nào trong bữa ăn cũng được chiêu đãi món đặc sản hiếm nơi khác có này. Quán Cây Dừa ở Biên Hòa cũng đi tiên phong trong việc đưa món canh đọt khổ qua rừng  vào thay đổi khẩu vị cho khách. Trung tá Trần Mạnh, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Mỹ, vốn là một thổ địa ở vùng rừng núi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ nói: "Chừng vài năm nay, đọt khổ qua rừng  ở vùng này bỗng "lên ngôi" trong hàng rau sạch. Có lẽ do nhiều người suy diễn từ câu nói "thuốc đắng dã tật" nên truyền nhau là đọt khổ qua rừng ăn nên thuốc và khuếch đại nó lên là ăn khổ qua rừng trị được bệnh tiểu đường, huyết áp cao, xơ gan... nên xúm nhau ăn, đẩy giá lên cao. Trước đây, khi mới về lập huyện, tôi không nhìn thấy bóng dáng khổ qua rừng đâu cả, nhưng bây giờ thì ở Cẩm Mỹ này lềnh khênh, người ta còn đem về trồng thành luống dài ở ấp Nhân Nghĩa, xã Long Giáo. Khổ qua rừng này dễ sống lắm, đất khô cằn gì nó cũng đứng được. Đến mùa mưa thì đâm đọt xum xuê. Chừng một chục năm trước chỉ có vài bà con, hầu hết là người dân tộc Châu Ro bứt đọt khổ qua rừng  ở xã ven Bảo Vinh đem ra chợ cũ Long Khánh bán. Nay có người rải hột trồng, tưới nước nên mùa khô cũng có đọt khổ qua rừng để cung cấp cho mấy nhà hàng, quán ăn có món này bán quanh năm".

Vị trung tá công an có vẻ mặn với món đặc sản rừng này cười: "Không biết khổ qua rừng có trị bệnh được không, chớ anh em tụi này sống lâu năm ở đây rất mê món này. Thứ nhất, trong tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay, đọt khổ qua rừng là loại rau sạch và thứ hai là nó rất... dễ ăn. Uống rượu mà có cái lẩu khổ qua rừng nấu với cá rô đầu mùa thì húp nước thôi, nhậu lâu say lắm!".

 Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều