Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người dân Đắc Lua muốn sống chung với lũ!

09:09, 15/09/2006

Sau đợt lũ kinh hoàng năm 2002 làm cho xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) gần như bị ngập lụt nặng khiến cho hàng trăm hộ dân buộc phải di dời đến nơi an toàn và hàng trăm gia súc bị chết, Nhà nước đã xây dựng một khu tái định cư (TĐC) cho đồng bào xã Đắc Lua để giúp người dân có điều kiện tránh lũ hàng năm. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, hơn một nửa trong số này cương quyết đòi… sống chung với lũ!

Sau đợt lũ kinh hoàng năm 2002 làm cho xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) gần như bị ngập lụt nặng khiến cho hàng trăm hộ dân buộc phải di dời đến nơi an toàn và hàng trăm gia súc bị chết, Nhà nước đã xây dựng một khu tái định cư (TĐC) cho đồng bào xã Đắc Lua để giúp người dân có điều kiện tránh lũ hàng năm. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, hơn một nửa trong số này cương quyết đòi… sống chung với lũ!

 

Cảnh hoang vắng ở khu TĐC thuộc ấp 4.

 

* Nước cao đến mức báo động mới chịu... di dời

 

Năm nay, Đắc Lua là địa bàn bị nước ngập cao nhất so với các địa phương khác trong huyện Tân Phú. Trong đó có 872 nền nhà bị ngập và gây thiệt hại 299 hécta lúa hè thu, hoa màu, cùng 13 hécta ao cá.

Tại khu TĐC thuộc ấp 4, trong số hơn 20 căn nhà mà chúng tôi đếm được, chỉ có khoảng 5 - 7 căn nhà xây, còn lại đều là nhà tạm bợ bằng tranh, tre. Đây là những hộ đến định cư từ những ngày đầu hình thành khu TĐC. Nhưng, dù có thường trú ở đây thì ban ngày, phần lớn người dân đều đi làm ruộng (nếu vào mùa vụ), hoặc làm thuê, buôn bán. Ông Tào Văn Ngoạt, 57 tuổi, một cựu tù chính trị được tặng nhà tình thương tại khu TĐC, cho biết ông là một trong những gia đình định cư sớm nhất tại khu vực này. Dạo ấy, khi nghe Nhà nước có chủ trương di dời người dân ở vùng trũng lên cao, ai nấy đều khấp khởi mừng thầm. Nhưng khi mọi người đã dọn đồ đạc lên ổn định rồi, chỉ qua mấy ngày sống ở nơi mới, bà con lại lục đục kéo nhau về chốn cũ. Hiện tại, ở khu TĐC chỉ có khoảng hơn 20 gia đình bám trụ. Tất cả những hộ sống ở đây đều thuộc diện nghèo khó hoặc không còn nhà (vì cơn lũ năm 2002 phá hỏng). Nguyên nhân dẫn đến chỗ người dân khu TĐC bỏ đi là vì không phù hợp với thói quen canh tác gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của người nông dân. Thêm vào đó, mỗi nền nhà ở khu TĐC chỉ rộng 200m2, chủ yếu để người dân ở, sinh hoạt mà không đủ diện tích để trồng cây quanh nhà. Ông Ngoạt kể: Cơn lũ tháng 8 vừa qua, ở những vùng trũng, khi mực nước ngập đầu gối, người dân vẫn bình thản đi lại. Chỉ đến khi nước ở mức cao đến mức báo động, đồng thời chính quyền địa phương buộc tất cả những nhà ngập lụt nặng phải lên khu TĐC, thì lúc ấy mọi người mới chuyển tài sản lên cao. Trong những ngày tránh lũ, vài trăm con gia súc được đưa lên khu TĐC khiến cho nơi đây trở nên rất hôi hám. Ở chỉ được vài ba ngày, người dân lại rủ nhau quay về, để lại hậu quả khá nặng nề là đường sá quanh khu TĐC be bét vì bùn nhão xen lẫn phân súc vật.

 

* Người dân đã có kinh nghiệm phòng chống lũ!

 

Xã Đắc Lua sau cơn lũ tháng 8 vừa qua.

Chủ tịch UBND xã Đắc Lua Đào Huy Tỉnh khẳng định, cho đến giờ này, người dân vùng lũ Đắc Lua đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống lũ. Thực tế, cơn lũ năm 2002 đã để lại bài học cho tất cả người dân vùng lũ. Sau thiên tai đó, hàng năm Đắc Lua đều phải "đón nhận" những trận lũ (dù không lớn) và hầu hết người dân đều nhận thức rõ nguy cơ từ lũ. Cho nên, trước khi bước vào mùa lũ hàng năm, người dân Đắc Lua ai nấy đều sẵn sàng... chờ nước về. Do đã quen với nước ngập hàng năm nên người dân Đắc Lua không ngại khi nghe tin báo lũ. Thực ra, người dân không dại gì mà "khiêu chiến" với "thủy thần", nhưng dường như mọi thứ đã được chuẩn bị khá kỹ trước đó để chống chọi với lũ. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở Đắc Lua làm gác tạm để khi có lũ, vật dụng thiết yếu trong gia đình và cả tài sản được chuyển lên. Còn đối với những hộ gia đình khá giả đều đã đầu tư nâng nền nhà cao từ 1 mét trở lên. Từ độ cao này, dù nước lũ có ở mức báo động thì cũng chỉ ngập vào nhà dân độ vài ba tấc, không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân."Với kinh nghiệm phòng chống lũ được rút ra từ những trận lụt trước nên người dân cứ muốn "bám trụ" nơi ở cũ là điều phù hợp với hoàn cảnh sống thực tại ở xã Đắc Lua. Nói cách khác, nông dân muốn "sống chung với lũ" là điều hoàn toàn dễ hiểu!" - ông Tỉnh nói.

Đề cập đến khu TĐC tại ấp 4,  ông Tỉnh cho rằng, mặc dù chủ trương di dời dân vùng trũng đến nơi này là đúng đắn, đảm bảo sự an toàn cho người dân trong những ngày mưa lũ. Song, nếu xét về nhiều khía cạnh thì khu TĐC chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong đời sống thực tế của người dân, và vì thế chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Ông Tỉnh cho biết, dự án TĐC khu vực Bàu Sen thuộc địa bàn ấp 4 do UBND huyện làm chủ đầu tư. Không tính kinh phí xây dựng lưới điện (đầu tư từ năm 2001), thì chi phí san ủi 70 nền nhà và hệ thống nước sinh hoạt tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Khi dự án được lập, rất nhiều hộ dân đăng ký lên ở. Hồi ấy, để được một suất đến khu TĐC, chính quyền địa phương phải xét rất kỹ. Tiêu chuẩn được xét cấp nền nhà ở khu TĐC là: Nhà bị hư hại do lũ năm 2002 gây ra, diện chính sách, nhà bị ngập sâu. Nhưng nguyên nhân khiến người dân không chấp nhận cuộc sống mới ở khu TĐC là do bị cấm chăn nuôi, diện tích đất ở hẹp, không có đất lập vườn, ruộng ở xa, không có điều kiện chăm lo cho con cái đi học. Đáng nói là trong đợt chạy lũ tháng 8 vừa qua, nhiều hộ gia đình đã phải "sống chung với trâu, bò" trong cùng một nhà. Mới đây, UBND xã có phát phiếu thăm dò ý kiến người dân trong việc di dời lên khu vực cao thì có đến 85% muốn ở lại nơi ở cũ, 10% còn lưỡng lự, chỉ có 5% đồng ý vì muốn kiếm nền nhà. Theo ông Tỉnh, đối với số hộ nghèo mà nơi ở thường xuyên bị ngập, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để họ có điều kiện nâng nền nhà. Ngoài ra, để nâng cao đời sống cư dân xã Đắc Lua, chính quyền địa phương đang có hướng chuyển đổi mùa vụ cho phù hợp. Toàn xã Đắc Lua có1.400 hécta đất canh tác, thì 700 hécta dùng để sản xuất lúa, còn lại là đất trồng cây ngắn ngày, cây ăn trái. Với hoàn cảnh của một địa bàn vùng lũ, có thể sẽ phải bỏ vụ mùa làm vụ hè thu sớm, vụ đông xuân sớm để tránh lũ. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi một số cây trồng ở những vùng có thể, cũng phải tính đến thì khả năng đời sống của người dân vùng "rốn lũ" mới mong được ổn định. 

 Tạ Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều