Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Nỗi đau không con

08:06, 25/06/2012

Để có được đứa con, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không ngại đánh đổi hết cả gia tài, thời gian và sức lực. Niềm hạnh phúc to lớn đối với họ là lúc nhận tin báo đậu thai từ bác sĩ, là những tháng ngày hồi hộp với nhịp tim yếu ớt và những cú quẫy đạp nhẹ nhàng của đứa con đang lớn dần trong bụng mẹ, là lúc nhìn con chập chững tập đi, hay bập bẹ cất tiếng gọi “cha, mẹ”.

 

Để có được đứa con, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không ngại đánh đổi hết cả gia tài, thời gian và sức lực. Niềm hạnh phúc to lớn đối với họ là lúc nhận tin báo đậu thai từ bác sĩ, là những tháng ngày hồi hộp với nhịp tim yếu ớt và những cú quẫy đạp nhẹ nhàng của đứa con đang lớn dần trong bụng mẹ, là lúc nhìn con chập chững tập đi, hay bập bẹ cất tiếng gọi “cha, mẹ”.

HÀNH TRÌNH TÌM CON

Gần 15 năm ròng rã, vợ chồng chị A. (47 tuổi, ở huyện Cẩm Mỹ) tìm thầy chạy chữa căn bệnh hiếm muộn ở khắp nơi, với hy vọng có được đứa con để ẵm bồng. Ban đầu, họ điều trị bằng các phương thuốc dân gian. Sau một thời gian chạy chữa không có hiệu quả, được nhiều người mách nước, họ tìm đến khoa hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Lúc bấy giờ, vợ chồng chị A. phải trải qua quá trình khám - xét nghiệm nghiêm ngặt. Suốt một thời gian theo đuổi điều trị tốn thời gian, tiền của mà không có kết quả, họ đành bỏ cuộc.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan (trái), Trưởng khoa Sản I, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan (trái), Trưởng khoa Sản I, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn.

Gánh nặng phải có cho bằng được đứa con để làm vui lòng gia đình nội, ngoại là những áp lực to lớn với vợ chồng chị A. Những thất bại sau bao lần cố gắng điều trị đã khiến chị A. ngày càng u buồn, sống khép kín. Nhưng mỗi lần nghe tiếng khóc, cười đâu đó của trẻ con, mong muốn được làm mẹ trong chị lại bùng lên. Thế là, vợ chồng chị A. lại tiếp tục hành trình tìm con. Nhưng, ước mong một lần được có thai, một lần mang thiên chức làm mẹ với chị vẫn… xa vời.

Làm tăng ca cả đêm mệt đến lả người, nhưng khi nghe bác sĩ ở phòng hiếm muộn Bệnh viện đa khoa Đồng Nai gọi đến làm xét nghiệm, vợ chồng chị T.V. (28 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) lại tất tả đi ngay. Đang trong độ tuổi sinh sản nhưng môi trường làm việc không an toàn đã ảnh hưởng đến quá trình thai nghén của chị V. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị luôn mong ngóng một đứa con, nhưng niềm vui chưa mỉm cười với họ suốt 3 năm qua.

Đến giờ, chị V. chẳng nhớ đã có bao nhiêu lần lui tới bệnh viện. Buồn nhất là khi kết quả xét nghiệm cho biết chồng chị bị yếu tinh trùng, còn chị bị hẹp cổ tử cung. Dù vậy, hai vợ chồng chị V. chưa bao giờ thôi hy vọng. “Không có con là niềm hối tiếc nhất cả đời tôi. Chỉ cần có con, dù bán nhà vẫn không tiếc. Nếu không vì điều kiện kinh tế eo hẹp, chúng tôi sẽ theo đuổi đến khi không còn trẻ, khỏe nữa. Hy vọng trời sẽ thương” - chị V. ray rứt tâm sự.

Trong một mái nhà khác ở TX.Long Khánh, anh H.N. (chồng chị T.T.) đang cố gắng động viên, an ủi vợ. Họ đều là dân trí thức, hoàn cảnh kinh tế khá giả, nhưng lại thiếu vắng tiếng cười đùa của trẻ thơ. Kết hôn đã 3 năm mà vẫn chưa có con, nỗi mặc cảm về đường con cái khiến vợ chồng anh N. rất buồn. Thế là, chị đi khám trước, anh lọ mọ theo sau. Lần đầu bơm tinh trùng, chị đậu thai nhưng không giữ được. Lần tiếp theo, có anh tháp tùng, nhưng chỉ đến tháng thứ 2 kết quả thai lưu. Tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức đi lại không biết tính mấy cho đủ, nhưng chị vẫn chưa có con. Chị T. mắt ngấn nước bảo rằng: “Mỗi lần chọc trứng đau đớn, nguy hiểm lắm. Rồi kiêng khem đủ thứ. Khi bác sĩ báo kết quả đạt thì phải nằm bất động suốt tháng. Thế mà…”.

NƯỚC MẮT HẠNH PHÚC

Trải qua bao gian khó, vợ chồng anh P. C. (45 tuổi, TP.Biên Hòa) hiện đang dồn sức để chăm nom cho cậu quý tử 3 tuổi, trái ngọt của hành trình tìm con đầy nước mắt của vợ chồng anh. Bốn năm trước, nỗi “khát con” luôn thường trực trong tâm can họ. Bản thân anh C. đã khóc như một đứa trẻ bị đòn oan khi biết hy vọng có con ít dần. Dẫu vậy, vợ chồng anh không thôi hy vọng. Thế rồi, sau lần chuyển phôi, vợ anh cảm thấy có một hình hài đang lớn dần trong bụng. Một tháng, hai tháng…, rồi đến khi đứa con chào đời, anh chị mới vơi bớt phần nào lo lắng, hồi hộp. Giờ đây, điều họ mong muốn nhất trên đời là đủ khỏe để ẵm con trên tay, đủ khỏe để thấy con chập chững bước đi, bập bẹ cất tiếng gọi cha mẹ đầu tiên.

Chị D. (31 tuổi, TP.Biên Hòa) tâm sự, vợ chồng chị dùng rất nhiều loại thuốc để chữa trị bệnh hiếm muộn. Các bác sĩ ở bệnh viện cũng đã quá quen mặt, biết tên hai người, ai cũng cầu mong quá trình “kiếm con” của vợ chồng chị thành công. Tám lần điều trị trước đó không được như mong đợi, nguyên nhân là do chất lượng tinh trùng của chồng chị D. chỉ đảm bảo được 30%. Vợ chồng chị đã sử dụng những biện pháp tốt nhất nhưng vẫn chưa có kết quả. Hành trình 8 năm vất vả tìm con là sự thử thách ý chí, lòng quyết tâm và hy vọng của vợ chồng chị. Thậm chí, mối quan hệ vợ chồng, hạnh phúc gia đình chị D. có lúc tưởng như đổ vỡ...

Để níu kéo hạnh phúc gia đình, vợ chồng chị D. đã quyết tâm “thử một lần nữa”. Rất may, quyết tâm của vợ chồng chị D. đã có kết quả sau 9 lần “tìm con”. Đọc nội dung bản kết quả điều trị, chị nói như hét vì hạnh phúc: “Có con rồi!”. Nghe đến đây, chồng chị nhảy lên vì sung sướng. Rồi chị đưa tay xoa nhẹ lên bụng nói: “Mẹ và cha sẽ làm mọi cách để giữ con lại bên mình. Lời miệt thị cay nghiệt “cây độc không trái, gái độc không con” chẳng đúng nữa con nhỉ!".

Nhiều cặp vợ chồng trở nên xa cách, mái ấm không còn trọn vẹn vì lấy nhau nhiều năm mà không có con. Để níu giữ hạnh phúc, nhiều người đã lựa chọn giải pháp xin nhận con nuôi. Dù đứa con không phải máu mủ ruột rà, nhưng bằng tình thương yêu vô bờ mến, đức hy sinh thì với họ “con nào mà chẳng là con”.

Sau nhiều lần chạy chữa không có kết quả, vợ chồng chị A. vẫn tràn trề niềm vui khi đón nhận đứa trẻ mới lọt lòng 3 ngày làm con nuôi. May mắn thay, chồng chị đồng cảm, chia sẻ với chị. Bao công chăm sóc, đứa bé ấy giờ đã được 4 tuổi, cũng là lúc kinh tế gia đình anh chị phất lên nhờ bồi thường đất. “Bây giờ, nhà cửa đàng hoàng, công việc vợ chồng ổn định, thu nhập khá. Chắc mai mốt vợ chồng kiếm thêm đứa nữa cho thằng bé có anh em” - chị A. tâm sự.

Thanh Hải - Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều